| Hotline: 0983.970.780

Tiếng lợn kêu trở lại

Thứ Ba 12/05/2020 , 09:15 (GMT+7)

Tiếng kêu eng éc của lợn đã trở lại những làng nuôi lợn xã Nhữ Hán, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) sau 1 năm gần như im bặt bởi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).

Việc tái đàn sau DTLCP được nhiều hộ chăn nuôi ở xã Nhữ Hán thực hiện thành công. Ảnh: Đào Thanh.

Việc tái đàn sau DTLCP được nhiều hộ chăn nuôi ở xã Nhữ Hán thực hiện thành công. Ảnh: Đào Thanh.

Mỗi ngày đầu tư 20 triệu 

“Nghề nuôi lợn khiến người nông dân vui mừng có, buồn tủi có bởi nó khiến người ta có thể thu lãi tiền tỷ và mất tiền tỷ trong vỏn vẹn chỉ vài tuần”, ông Nguyễn Văn Hải, thôn Gò Chè, xã Nhữ Hán tâm sự với chúng tôi như vậy khi kể chuyện nuôi lợn.

Gia đình ông Hải nuôi lợn từ năm 2004, khi ấy chăn nuôi nhỏ lẻ với khoảng 30 con lợn thịt. Vốn tích lũy từ mỗi lần bán lợn, dần dần ông gây dựng được trang trại với 80 con lợn nái, 700 con lợn thịt. Tiền đầu tư mua cám, thuê người chăm sóc, vệ sinh chuồng trại mỗi ngày ông bỏ ra 20 triệu đồng.

Nuôi lớn, nên ông luôn thận trọng trong việc phòng chống dịch bệnh. Bởi thế, khi nghe tin DTLCP về tỉnh, cứ nói đến họp về phòng chống dịch ở đâu ông cũng đi, để cùng nghe thông tin về dịch và học hỏi kinh nghiệm phòng, chống. Phòng dịch, mỗi ngày 3 lần ông cho người phun thuốc khử trùng và hạn chế cho người ra vào khu chuồng trại.

Khi xã lập chốt kiểm dịch, ông tình nguyện xin 1 chân đồng hành hỗ trợ lực lượng canh trạm gác, trạm cân tại các chốt phòng dịch ra vào xã. Cẩn thận là thế, nhưng đàn lợn của gia đình ông cũng không thoát khỏi dịch bệnh quái ác.

Ông trầm ngâm, hơn 16 năm gắn bó với con lợn, nó đã làm ông 2 lần liêu xiêu. Đó là vào dịp năm 2017, khi lợn rớt giá thảm hại và dịp năm 2018, lợn bị DTLCP. Cộng cả 2 đợt, ông lỗ khoảng 4 tỷ đồng.

Đợt DTLCP giữa năm 2018, ông thiệt hại 400 con lợn thịt, 50 con lợn nái. Trong khi nhiều người chạy dịch bán thốc, bán tháo, dù đang lỗ nặng ông vẫn liều để lại 27 con nái và 300 con lợn thịt còn lại. Chính cái liều ấy đã giúp ông gỡ lại vốn. Bởi sau mấy tháng dịch qua đi, tiền bán lợn thịt, lợn giống ông thu về hơn 2 tỷ đồng.

Ông Hải cho biết, may mắn lớn nhất của ông là đàn lợn nái vẫn còn, nên việc tái đàn cũng nhanh hơn, nhất là giai đoạn hiện nay con giống đắt như vàng.

Giờ đây so với thời kỳ chăn nuôi đỉnh điểm tổng đàn của gia đình ông Dũng chưa bằng 1 nửa, nên mỗi ngày chi phí cho đàn lợn chưa đến 10 triệu đồng. Ông đang nuôi tham vọng tái đàn, để đàn lợn đạt con số 800 con, và mỗi ngày ông tiếp tục bỏ ra 20 triệu đồng để nuôi chúng.

Lợn giống có giá từ 1,5 - 3 triệu đồng/con là một trong những rào cản ảnh hưởng đến việc tái đàn ở Nhữ Hán. Ảnh: Đào Thanh.

Lợn giống có giá từ 1,5 - 3 triệu đồng/con là một trong những rào cản ảnh hưởng đến việc tái đàn ở Nhữ Hán. Ảnh: Đào Thanh.

Phục hồi nghề nuôi lợn

Nhữ Hán là một trong những địa phương có tổng đàn lợn lớn nhất tỉnh Tuyên Quang. Khi chưa có dịch, thời điểm cao nhất xã có hơn 10.000 con lợn. Cũng bởi thế, khi dịch tả xảy ra, xã có khoảng 5.000 con lợn phải tiêu hủy.

Sau 1 năm gần như vắng tiếng lợn, giờ đây đàn lợn ở Nhữ Hán đang dần được phục hồi. Cảnh thương lái buôn lợn giống, lợn thịt, cám chăn nuôi… cũng dần tập nập như hồi chưa có dịch. Hiện nay xã đã có gần 6.000 con lợn; 3/10 trang trại đã tái đàn. Nhiều gia trại, hộ gia đình đã vệ sinh chuồng trại, rục rịch việc tái đàn.

Gia đình chị Nguyễn Thị Luyến, thôn Gò Củi là hộ đầu tiên trên địa bàn xã bị DTLCP. Khi cán bộ đến yêu cầu gia đình hợp tác tiêu hủy đàn lợn, chị đã khóc, đã phản đối. Chị tâm sự, làm sao không xót xa tiếc của được bởi bao vốn liếng, công chăm bẵm bỗng dưng đàn lợn trị giá vài trăm triệu bị vùi xuống đất.

Nhưng khi cán bộ phân tích cần phải tiêu hủy vì lợi ích chung của xóm làng, vì lợi ích của toàn xã hội chị đã giấu nỗi buồn, sự mất mát của mình vào trong lòng và đồng ý. Để có chỗ cho máy xúc vào khu chuồng chị tự nguyện cho cán bộ phá cổng và tường bao xây kiên cố.

Sau gần 1 năm thiệt hại nặng bởi dịch, với ý nghĩ “Nếu không nuôi lợn thì lấy gì để sống? Còn chuồng trại là còn vốn liếng” đã thôi thúc chị tích cóp tiền, vay thêm 30 triệu của ngân hàng mua 30 con lợn giống để tái. Chị Luyến cho biết, khó khăn nhất trong việc tái đàn là vốn và con giống.

Bởi 1 con giống mua trong dân, trước khi cai sữa mẹ 1,5 triệu đồng, con lợn giống siêu nạc giá 3 triệu đồng, giá lợn giống cứ tăng lên từng ngày. Chị mong muốn nhà nước quan tâm, cho vay nguồn vốn dài hạn. Nếu chẳng may có rủi ro còn kịp xoay xở trả nợ chứ không thì rất khó khăn.

Thấy chúng tôi từ xa, ông Âu Quang Hợp, thôn Gò Chè, niềm nở nhắc vợ: Bảo các bác cán bộ vào trong nhà uống nước, thông cảm không thể vào khu chăn nuôi được.

Một lúc sau khi xong việc tại khu chuồng chăn nuôi ông về nhà tiếp và bảo chúng tôi: “Các bác thông cảm, vì sợ dịch, nếu muốn vào khu chăn nuôi phải tiêu độc, khử trùng nghiêm ngặt. Nếu không chủ động phòng thì đi ăn xin hết cả lượt”.

Đợt DTLCP vừa rồi gia đình ông Hợp có 400 con lợn, trong đó ngót trăm con phải tiêu hủy, số còn lại có người mua là ông bán thốc, báo tháo nên đành chịu lỗ cả trăm triệu đồng. Hơn 2 tháng nay, gia đình ông đã chủ động tái đàn với hơn 100 con lợn.

Sau gần 1 năm ảnh hưởng của dịch bệnh, cảnh trao đổi mua bán lợn ở Nhữ Hán dần tấp nập trở lại. Ảnh: Đào Thanh.

Sau gần 1 năm ảnh hưởng của dịch bệnh, cảnh trao đổi mua bán lợn ở Nhữ Hán dần tấp nập trở lại. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Trần Văn Dự, Chủ tịch UBND xã Nhữ Hán cho biết, tháng 6/2019 xã Nhữ Hán có DTLCP và phải tiêu hủy 41 tấn lợn các loại.

Sau dịch, xã chỉ đạo các hộ chưa vội tái đàn, đảm bảo từ 3 - 6 tháng khi dịch di qua mới tái đàn; thực hiện nghiêm túc việc kiểm kê hỗ trợ các hộ gia đình bị thiệt hại do dịch. Đầu tháng 4 vừa rồi, nhiều hộ đã chủ động tái đàn, xã chỉ đạo các hộ tái đàn cần chọn nguồn gốc con giống rõ ràng, tiêu độc khử trùng nhiều lần, bằng nhiều hình thức khác nhau.

Đến nay, xã đã có hơn 5.000 con lợn, bằng 50% so với thời kỳ chưa có dịch. Dù các chăn nuôi chưa tái đàn ồ ạt, nhưng việc tái đàn của xã bước đầu đã được thực hiện thành công.

Đến nay, tỉnh Tuyên Quang có 8 chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, trong đó các chính sách hỗ trợ cho chăn nuôi lợn, như: Cho vay có hỗ trợ lãi suất tối đa 5 tỷ đồng/HTX, 500 triệu đồng/trang trại, hỗ trợ 1 tỷ đồng/dự án chăn nuôi lợn, hỗ trợ chăn nuôi nông hộ 5 triệu đồng/lợn đực giống... Qua rà soát sơ bộ, có khoảng 23% số hộ nuôi lợn bị bệnh DTLCP đã tái đàn, khoảng 2% chuyển đổi sang hình thức chăn nuôi khác.

Xem thêm
Vật nuôi khốn đốn vì mưa lạnh kéo dài

BÌNH ĐỊNH Thời gian gần đây, Bình Định có mưa lạnh kéo dài, khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, đây là cơ hội để dịch bệnh phát sinh, người chăn nuôi lo ngay ngáy.

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản tăng 6,3%

Ngày 26/12, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, triển khai kế hoạch công tác năm 2025.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.