| Hotline: 0983.970.780

Tiếp cận kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi

Thứ Tư 06/12/2023 , 11:46 (GMT+7)

Yên Bái Những mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi xuất hiện ngày càng nhiều với quy trình sản xuất, chế biến khép kín, tăng nguồn thu, giảm chất thải và bảo vệ môi trường.

Khi chăn nuôi quy mô lớn, vấn đề xử lý chất thải để phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường là rất quan trọng. Ảnh: Thanh Tiến.

Khi chăn nuôi quy mô lớn, vấn đề xử lý chất thải để phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường là rất quan trọng. Ảnh: Thanh Tiến.

Thêm thu nhập từ chất thải chăn nuôi

Phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn là việc triển khai các loại hình, phương thức, công nghệ chăn nuôi gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, hạn chế phát thải đầu ra, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi làm đầu vào cho trồng trọt, thủy sản và lâm nghiệp. Phụ phẩm, chất thải trong quá trình sản xuất thành giá trị hữu ích, góp phần bảo vệ môi trường.

Gia đình anh Nguyễn Thanh Tùng ở xã Y Can, huyện Trấn Yên có trang trại chăn nuôi gà thịt quy mô 10.000 con/lứa, mỗi năm nuôi 3 lứa, như vậy anh Tùng cung ứng ra thị trường khoảng hơn 50 tấn gà thương phẩm/năm.

Sau mỗi lứa nuôi, lượng phân trong các trại gà hàng chục tấn, hướng xử lý lượng chất thải này là bài toán nan giải. Tuy nhiên, đến nay toàn bộ lượng phân gà của trạng trại đã được xử lý thành phân hữu cơ cung cấp cho cây lâm nghiệp và các vườn ăn quả trong và ngoài xã.

Theo anh Tùng, phân gà tươi vốn là chất hữu cơ, chứa nhiều vi khuẩn, mầm bệnh gây hại cho cây trồng. Tuy nhiên, nếu được ủ hoai mục đúng cách, trải qua quá trình biến đổi, phân gà ủ sẽ trở thành chất dinh dưỡng cho cả đất lẫn cây trồng.

Nhờ được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật, anh Tùng sử dụng một diện tích đất vườn khoảng 30m2 đào hố, lót bạt để xử lý phân gà. Phân gà tươi được lấy ra khỏi chuồng và xếp thành từng lớp, sau đó tưới nước để tạo độ ẩm. Tiếp tục trộn thêm lượng nhỏ phân super lân để giúp đạm không bị mất trong quá trình phân hủy.

Cuối cùng, đắp thêm một lớp bùn bao phủ lên toàn bộ bề mặt phân. Hàng ngày tưới thêm lượng nước vừa đủ để duy trì độ ẩm. Sau khoảng 1 tháng rưỡi là phân gà hoai mục có thể sử dụng để bón cho đất và cây trồng.

Từ nguồn phân gà hoai mục này anh Tùng sử dụng bón cho diện tích hơn 2 ha quế của gia đình, số còn lại đóng bao bán cho các hộ dân trồng cây ăn quả. Từ đó vừa có thêm nguồn thu nhập, vừa giải được bài toán về phân gà gây ô nhiễm môi trường.

Gia đình ông Trần Văn Điểm ở xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình có trang trại chăn nuôi lợn với quy mô 100 lợn thịt, 10 lợn nái. Lượng phân thải hàng ngày từng là vấn đề khó nhưng nay đã được gia đình ông tìm ra giải pháp bằng việc kết hợp trồng hơn 1ha bưởi.

Ông Điểm chia sẻ: Một phần lượng chất thải được thu gom, ủ vi sinh làm phân bón, một phần được hóa lỏng xử lý bằng biogas tạo khí đốt. Từ khi xây hầm khí biogas, gia đình không mất tiền chất đốt, mỗi tháng chỉ dùng hết khoảng 300.000 đồng tiền điện.

Việc tận dụng toàn bộ lượng chất thải ủ hoai mục từ chăn nuôi lợn để bón cho diện tích cây ăn quả giúp đất tơi xốp, màu mỡ, giảm ô nhiễm môi trường, tăng năng suất và chất lượng quả, đồng thời giúp tiết kiệm khoảng 10 - 15 triệu đồng tiền mua phân bón hóa học mỗi năm.

Việc xử lý tốt nguồn chất thải từ nuôi lợn vừa tạo ra nguồn chất đốt, tạo ra phân bón hữu cơ cho cây trồng và giảm ô nhiễm môi trường. Ảnh: Thanh Tiến.

Việc xử lý tốt nguồn chất thải từ nuôi lợn vừa tạo ra nguồn chất đốt, tạo ra phân bón hữu cơ cho cây trồng và giảm ô nhiễm môi trường. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi

Hiện nay, tổng đàn gia súc chính của tỉnh Yên Bái khoảng hơn 820.000 con, đàn gia cầm hơn 7,3 triệu con. Lượng phân thải, nước tiểu trong chăn nuôi hàng ngày ước cả ngàn tấn. Chất thải chăn nuôi luôn là bài toán khó trong bảo vệ môi trường, đặc biệt với những địa phương sản xuất theo quy mô hàng hóa.

Với mục tiêu hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững, thân thiện môi trường, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chăn nuôi nói riêng.

Theo đó, hướng đến sử dụng chất thải, phế phẩm, phụ phẩm làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất khác thông qua việc áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý và biện pháp kỹ thuật.

Phân bón hữu cơ sau khi ủ hoai mục từ phân động vật giúp làm tơi xốp đất và cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Ảnh: Thanh Tiến.

Phân bón hữu cơ sau khi ủ hoai mục từ phân động vật giúp làm tơi xốp đất và cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Ninh Trần Phương, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Yên Bái cho biết thêm, tỉnh chỉ đạo xã các địa phương quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, tạo điều kiện cho người dân đầu tư chăn nuôi khép kín, quy mô lớn, xây dựng hệ thống xử lý chất thải, chứa chất thải để sử dụng trong nông nghiệp.

Cùng với đó, tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức và tư duy chăn nuôi của người dân, chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa, đầu tư chăn nuôi khép kín, quan tâm xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải.

Hiện, mới khoảng 50% lượng chất thải chăn nuôi được xử lý để tái sử dụng làm phân bón, khí đốt, số còn lại được thải trực tiếp ra cống rãnh, ao, hồ... Tuy nhiên, phương thức chăn nuôi tuần hoàn hiện mới chỉ có thể áp dụng cho các mô hình trang trại có quy mô lớn. Các trang trại, hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ chưa chú trọng xử lý chất thải, thói quen bón phân cho cây trồng từ chất thải chưa qua khâu xử lý, ủ hoai mục vẫn diễn ra phổ biến.   

Việc xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi là tín hiệu tích cực cần được nhân rộng.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.