| Hotline: 0983.970.780

Tiếp tục dự thi để khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam

Thứ Sáu 11/12/2020 , 09:03 (GMT+7)

Đó là ý kiến của ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, từ thực tế của việc mang gạo Việt Nam đi thi gạo ngon thế giới.

Gạo ST 25 ngon nhất thế giới năm 2019. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Gạo ST 25 ngon nhất thế giới năm 2019. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo ông Lê Thanh Tùng, cuộc thi gạo ngon quốc tế diễn ra mỗi năm một lần. Nếu chúng ta không tham gia thi nữa với mục đích tiếp tục giữ danh hiệu gạo ngon nhất thế giới cho gạo ST25, thì chẳng khác nào ngủ quên trên chiến thắng và như vậy là tự giết mình. Chính vì vậy, chúng ta vẫn phải tiếp tục tham gia cuộc thi này. Mà khi đã tham gia cuộc thi, nếu không mang gạo ST25 đi thi thì chọn loại gạo nào?

Cuộc thi gạo ngon thế giới diễn ra mỗi năm một lần liên tục trong 12 năm qua. Trong khi đó, tốc độ nghiên cứu, chọn tạo giống lúa lại không thể nào diễn ra một cách tương ứng được. Điều đó có nghĩa rằng không dễ gì có được một loại gạo ngon, nhất là gạo ngon có thể cạnh tranh được trong các cuộc thi gạo ngon thế giới.

Về chất lượng, ông Tùng cho rằng, chúng ta hiện có gạo ST25 đủ khả năng chen chân vào chung kết của cuộc thi gạo ngon nhất thế giới. Mặt khác, gạo ST25 đã được bình chọn là gạo ngon nhất Việt Nam năm 2020, thì đương nhiên phải đưa gạo này cùng với mấy loại gạo được giải khác đi thi quốc tế. Nhưng rồi, trong các loại gạo Việt Nam mang đi dự thi, chỉ có ST25 lọt vào chung kết của cuộc thi.

Cũng nên lưu ý rằng, do cuộc thi gạo ngon thế giới được tổ chức mỗi năm một lần, nên danh hiệu gạo ngon nhất thế giới chỉ có giá trị trong vòng 1 năm. Tức là với gạo ST25, khi nói rằng đó là gạo ngon nhất thế giới, thì phải nói cho đúng là gạo ngon nhất thế giới năm 2019. Nếu năm nay chúng ta không mang gạo ST25 tham gia cuộc thi, thì nó cũng không còn là gạo ngon nhất thế giới năm nay.

Việc gạo ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019, tất nhiên là do công sức rất lớn của kỹ sư Hồ Quang Cua và các cộng sự. Nhưng thành tựu đó là dựa trên nền tảng của công tác nghiên cứu, chọn tạo giống đã hình thành và phát triển ở nước ta qua hàng chục năm qua với một đội ngũ hùng hậu các viện, trường, trung tâm và nhà khoa học thuộc nhiều thế hệ.

Tuy nhiên, để chọn tạo ra được một giống lúa gạo có thể đoạt giải cao trong cuộc thi gạo ngon thế giới, không phải cứ muốn là được. Đó là thực tế không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các nước sản xuất lúa gạo khác. Gạo Hom Mali của Thái Lan vừa đoạt giải gạo ngon nhất thế giới năm nay, là một giống lúa gạo cổ truyền của nước này với lịch sử hàng trăm năm. Gạo Campuchia đoạt giải nhất cuộc thi gạo ngon năm 2018, cũng là một giống lúa gạo cổ truyền. Tức là Thái Lan và Campuchia chỉ dám đem những giống gạo tổ tiên để lại tới dự thi. Trong khi đó, gạo ST25 của Việt Nam đoạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019, là giống có được từ nghiên cứu, chọn tạo. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với công tác nghiên cứu, chọn tạo giống lúa ở Việt Nam.

Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong nhiều năm, nước này có giống lúa gạo Basmati nổi tiếng thế giới. Thế nhưng gạo Basmati chưa bao giờ chen chân vào được chung kết trong các lần tổ chức cuộc thi gạo ngon nhất thế giới. Trung Quốc có nền nghiên cứu chọn tạo giống lúa rất phát triển, có thể nói là số 1 thế giới, nhưng cũng chưa từng có loại gạo nào chen vào được top đầu của cuộc thi này. Nhật Bản, Hàn Quốc cũng vậy.

Gạo thơm thượng hạng ST25. Ảnh: LHV.

Gạo thơm thượng hạng ST25. Ảnh: LHV.

Ông Tùng cho biết, khi nghe Kỹ sư Hồ Quang Cua nói rằng sẽ tiếp tục đem gạo ST25 đi thi chừng nào còn sống, ông chợt thấy buồn. Bởi vì khi nói như vậy, Kỹ sư Hồ Quang đã nhận ra rằng bản thân mình không thể tạo ra được một giống lúa gạo nào tốt hơn ST25 được nữa. Đó là một thực tế khắc nghiệt của công tác chọn tạo giống. Phải mất rất nhiều thời gian, công sức mới ra được một giống mới, mà chưa chắc đã được giống như ý.

Chính vì vậy, vừa qua, nhiều người lên tiếng chê bai, thậm chí là nặng lời đối với việc đem gạo ST25 đi dự cuộc thi gạo ngon nhất thế giới 2020 để rồi chỉ được giải nhì, là một sự bất công lớn đối với tác giả loại gạo này.

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm sao giữ cho thương hiệu gạo ST25 được bền vững, lâu dài. Để làm được điều đó, rất cần có bàn tay của nhà nước. Nhà nước phải coi giống lúa gạo này là một tài sản quốc gia, là một giống lúa gạo rất quan trọng trong chiến lược phát triển lúa gạo Việt Nam. Trên cơ sở đó, nên chăng nhà nước bỏ tiền ra mua bản quyền giống lúa ST25 và tổ chức sản xuất giống, sản xuất lúa gạo thương phẩm một cách bài bản, theo chuỗi giá trị để giữ được sự ổn định về chất lượng sản phẩm.

Tổ chức sản xuất lúa gạo theo chuỗi liên kết, hình thành các vùng nguyên liệu, đang là điểm yếu của ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Bằng chứng là gạo ST25 đoạt giải thưởng gạo ngon nhất thế giới 2019 đã được 1 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có được vùng nguyên liệu ổn định nào cho giống lúa gạo này.

Ngoài ST 25, Việt Nam còn nhiều loại gạo ngon khác tự lai tạo được: ST24, Thơm RVT, Lộc Trời 28, OM18... Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngoài ST 25, Việt Nam còn nhiều loại gạo ngon khác tự lai tạo được: ST24, Thơm RVT, Lộc Trời 28, OM18... Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Một góc nhìn khác, góc nhìn thương hiệu

Tại sao phải đem giống lúa ngon nhất thế giới đi thi để rồi đạt… hạng nhì?

Tại vì đây là những bước đầu tiên để tạo thương hiệu lúa ST25 vững mạnh, để khi nhắc đến gạo ngon người dân trên thế giới sẽ nghĩ đến ST25 như tín đồ mê xe GP nghĩ ngay đến Yamaha, Honda.

Năm 2019 gạo ST25 ngon nhất thế giới, 2020 đạt ngon nhì, nếu 2021 ngon nhất và các năm sau luôn nằm top 3 thế giới và cứ cách hai, ba năm thì lại đạt hạng nhất thì mới khẳng định ST25 chất lượng luôn xứng tầm và không phải do phong độ nhất thời, cứ thế sau 5 năm, 10 năm, 20 năm ST25 sẽ thành thương hiệu quốc gia chứ không phải chỉ là danh hiệu ngon nhất thế giới năm 2019.

Nếu chỉ thi 1 lần đạt giải nhất rồi nghỉ thì tương lai sẽ có những giống lúa khác đạt danh hiệu ngon nhất, và ST25 sẽ bị lu mờ bởi thời gian, nhưng năm nào cũng đi thi không top 1 thì top 2 hoặc top 3 sẽ tạo ra được 1 thương hiệu ST25 hùng mạnh trường tồn lấn át các thương hiệu lúa khác của các nước, để khi nói đến gạo ngon người dân trên thế giới sẽ nghĩ ngay đến Việt Nam với giống ST25.

Đội Yamaha năm nay giành giải nhất, năm sau vẫn thi tiếp, vẫn mẫu xe đó vẫn tay đua đó, và đã thi đều có thể bị soán ngôi, không sao, chỉ cần lọt hạng, tốt hơn nữa nếu nằm ở top đầu, các thương hiệu lớn họ luôn làm vậy. Họ làm vậy để khẳng định họ luôn là top đầu thế giới.

Nếu cứ ngồi yên, thử nghĩ 10 hay 20 năm sau ai còn nhớ giống ST25 đạt ngon nhất năm 2019. Nhưng nếu từ bây giờ đến 10, 20 năm sau năm nào ST25 cũng nằm top 3 thì lại khác, lúc đó ông chủ thương hiệu ST25 cứ ngồi mà lượm tiền. Và năm nào cũng đạt top cũng sẽ ngầm loại trừ đối thủ tiềm năng.

Hãy bỏ tư tưởng bệnh thành tích nhất thời, hoài niệm quá khứ (2019), mà hãy dùng cái thành tích nhất thời đó xây dựng thương hiệu ST25 vững mạnh qua các năm.

Nếu đủ nguồn lực chúng ta có thể xây dựng thêm 1, 2 giống lúa song song ST25 cũng 5, 10 năm giành top đầu thì còn gì hơn. Tôi thầm nghĩ lúc đó lúa gạo Việt sẽ ở vị thế khác.

Trương Ngọc Hải

Xem thêm
80% sản lượng dừa sáp Trà Vinh bán dưới hình thức nguyên liệu thô

Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng diện tích dừa hữu cơ gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu tại Trà Vinh, cần liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Trung Quốc tiêu thụ 4 tỷ quả dừa mỗi năm và cơ hội cho dừa Việt

BẾN TRE Đại diện Vina T&T Group chia sẻ những thuận lợi, thách thức ngành hàng dừa Việt Nam đối mặt khi chinh phục thị trường tỷ dân Trung Quốc.

Tháp đôi Prime Thái Nguyên mừng tân gia, chào đón giáng sinh và năm mới 2025

Năm 2025 sắp gõ cửa, mang theo những hy vọng và ước mơ mới. Năm 2024, Tháp đôi Prime vui mừng chào đón những cư dân đầu tiên về sinh sống tại toà nhà.