| Hotline: 0983.970.780

Tiếp tục nâng giá để phục hồi vùng mía nguyên liệu

Thứ Năm 26/10/2023 , 06:32 (GMT+7)

Để đẩy nhanh việc phục hồi diện tích mía nguyên liệu, các nhà máy đường cần tiếp tục tăng giá mía cho nông dân trong niên vụ 2023 - 2024.

Diện tích mía nguyên liệu đang tăng trở lại trong 2 niên vụ vừa qua. Ảnh: Sơn Trang.

Diện tích mía nguyên liệu đang tăng trở lại trong 2 niên vụ vừa qua. Ảnh: Sơn Trang.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), ngành mía đường Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị cho vụ trồng mới đông xuân và vụ ép mía 2023 - 2024. Theo báo cáo của các nhà máy đường dự kiến còn hoạt động, kế hoạch sản xuất niên vụ 2023 - 2024 sẽ có tăng trưởng so với niên vụ 2022 - 2023. Cụ thể: Diện tích mía thu hoạch 159.159ha (tăng 12% so với niên vụ 2022 - 2023); sản lượng mía chế biến 10,9 triệu tấn (tăng 13%); sản lượng đường trên 1 triệu tấn (tăng 10%).

Niên vụ 2023 - 2024 dự báo sẽ là một năm thuận lợi khi giá đường đang ở mức cao. Báo cáo thị trường tháng 8/2023 của Tổ chức đường Quốc tế (ISO) cho thấy, trong niên vụ 2022 - 2023 (vừa kết thúc vào tháng 9/2023), sản lượng đường thế giới bị thiếu hụt trên 2 triệu tấn so với nhu cầu. Điều này dẫn tới việc giá đường tăng mạnh trên toàn cầu trong năm nay.

VSSA cho biết, trong 2 vụ mía vừa qua (niên vụ 2021 - 2022 và 2022 - 2023), diện tích và sản lượng mía đã tăng trở lại. Nguyên nhân của sự tăng trưởng sản xuất trong hai vụ liên tiếp là giá mua mía nguyên liệu đã được ngành đường Việt Nam liên tục nâng lên, hiện nay đã đến mức 1,1 –1,3 triệu đồng/tấn. Đây là mức giá tương đương so với các nước sản xuất mía đường trong khu vực, dẫn đến diện tích mía gia tăng. Điều này cũng cho thấy ngành mía đường Việt Nam đã có sự phục hồi đáng kể dưới tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại mà Việt Nam đã áp dụng từ năm 2021.

Tuy đã tăng trưởng trở lại trong 2 vụ liên tiếp, nhưng tốc độ phục hồi diện tích mía còn chậm tại nhiều địa phương. Theo kết quả tổng hợp của VSSA từ số liệu báo cáo của các nhà máy đường còn hoạt động trong niên vụ 2022 - 2023, tổng diện tích trồng mía vụ vừa qua là 141.906ha, tăng 17.151ha (13,75%) so với niên vụ 2021 - 2022 (124.753ha). Như vậy, diện tích mía tuy đã tăng trở lại nhưng vẫn còn khá thấp so với trước đây.

Các nhà máy đường cần tiếp tục điều chỉnh tăng giá mía cho nông dân trong vụ 2023 - 2024. Ảnh: Sơn Trang.

Các nhà máy đường cần tiếp tục điều chỉnh tăng giá mía cho nông dân trong vụ 2023 - 2024. Ảnh: Sơn Trang.

Trước tình hình đó, Ban Thường vụ VSSA đã tiến hành thảo luận và thống nhất cao về định hướng phục hồi vùng nguyên liệu mía trong thời gian tới thông qua việc tiếp tục nâng cao giá mua mía cho nông dân so với niên vụ 2022 - 2023.

Đồng thời, Ban Thường vụ VSSA đã khuyến cáo các hội viên sản xuất của Hiệp hội về giá thu mua mía niên vụ 2023 - 2024. Theo đó, tùy vào hoàn cảnh thực tế tại địa phương, trong bối cảnh các chi phí đầu vào tăng cao, các nhà máy đường cần sớm xem xét hiệp thương với nông dân trồng mía và địa phương, tiếp tục điều chỉnh tăng giá thu mua mía nguyên liệu trong vụ mới sắp đến nhằm bảo đảm nông dân bù đắp đủ chi phí, có thu nhập đủ sống để yên tâm phát triển cây mía, phục hồi vùng nguyên liệu.

Giá mía cũng cần xây dựng bảo đảm cho nông dân có thu nhập tương đương hoặc cao hơn so với cây trồng cạnh tranh chính tại địa phương, có như vậy nông dân mới có thể an tâm tiếp tục đồng hành cùng các nhà máy đường trong việc phát triển, phục hồi diện tích trồng mía và ngành mía đường Việt Nam.

Trong niên vụ 2022 - 2023, ngành mía đường đã ép được hơn 9,6 triệu tấn mía, sản xuất được 935.104 tấn đường các loại, tăng 28% về sản lượng mía ép và tăng 25% về sản lượng đường so với vụ ép mía 2021 - 2022; tăng 43% về sản lượng mía ép và tăng 36% về sản lượng đường so với vụ ép mía 2020 - 2021.

Vụ ép mía 2023 - 2024 dự kiến còn 25 nhà máy đường hoạt động, bằng số nhà máy hoạt động trong vụ 2022 - 2023, với tổng công suất thiết kế là 122.200 tấn mía/ngày.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 2] Hỗ trợ tái đàn lợn sau dịch

Dịch tả lợn Châu Phi tạm lắng, tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ người dân nhanh chóng tái đàn, sớm vực dậy ngành chăn nuôi vốn khánh kiệt khi dịch bệnh càn quét nhiều tháng qua.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.