| Hotline: 0983.970.780

Tìm điểm tối ưu giữa phòng dịch và phát triển kinh tế

Thứ Hai 27/09/2021 , 16:05 (GMT+7)

Trong buổi Tọa đàm chuyên gia về kinh tế, xã hội sáng 27/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu chủ trương về một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế sau dịch.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ Phát biểu bế mạc Tọa đàm sáng 27/9.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ Phát biểu bế mạc Tọa đàm sáng 27/9.

Sáng 27/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự và chủ trì Tọa đàm chuyên gia về kinh tế, xã hội. Chủ tịch Quốc hội cho biết, triển vọng kinh tế toàn cầu đang phân hóa sâu sắc. Nhóm phục hồi mạnh là những nước phát triển, chủ động được nguồn cung vacxin, đã đạt được miễn dịch cộng đồng và có tiềm lực kinh tế để thực hiện các gói chính sách hỗ trợ quy mô lớn.

Nhóm thứ hai là các nước phục hồi chậm, có thể đối mặt với sự bùng phát trở lại của Covid-19, chủ yếu là các nước đang phát triển, các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Nguyên do bởi chưa chủ động được nguồn vacxin; quy mô, thực lực của nền kinh tế hạn chế. 

Việc kiểm soát thành công Covid-19 và các giải pháp mạnh mẽ trong năm 2020 giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng 2,91% - một trong những mức cao nhất thế giới. Tuy nhiên, tốc độ ấy chậm lại ở nửa cuối năm 2021, đặc biệt là từ tháng 7 khi các nhiều tỉnh, thành phố phía Nam giãn cách xã hội.

Để phục hồi kinh tế, xã hội, Chủ tịch Quốc hội chủ trương hỗ trợ chính sách tài khóa và tiền tệ theo hướng cân bằng hơn. Cụ thể, tăng chi cho y tế, hỗ trợ bằng tiền mặt nhiều hơn cho người dân, hỗ trợ lãi suất có mục tiêu, có địa chỉ cho doanh nghiệp...

"Cần một chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch, trong đó phân chia giai đoạn cụ thể để có chính sách phù hợp", Chủ tịch Quốc hội nói. Ông cho rằng, cần đẩy mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ sinh thái chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, chuyển sang tăng trưởng xanh, đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, rà soát tăng cường năng lực quản trị quốc gia và năng lực thực thi chính sách từ Trung ương đến địa phương.

Từ khi Covid-19 bùng phát trên thế giới vào đầu năm 2020, ngày càng có nhiều nước chuyển sang mô hình thích ứng, sống chung an toàn với dịch bệnh. Họ chuyển từ các biện pháp đóng cửa biên giới, giãn cách, phong tỏa, truy vết sang tăng nhanh tiêm chủng vacxin, giảm tỷ lệ tử vong… Đây cũng là điều Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, khi nhận định chưa thể khắc phục được dịch Covid-19 trong năm 2021-2022.

Ba điều kiện để đạt mục tiêu này, gồm: (1) Nâng cao ý thức người dân và cộng đồng, nhất là ý thức tự bảo vệ sức khỏe. (2) Đạt tỷ lệ tiêm chủng từ 60 - 70%, và phát triển hạ tầng y tế. (3) Linh hoạt, kịp thời điều chỉnh và thích ứng với diễn biến của dịch bệnh.

"Chúng ta cần tìm điểm cân bằng tối ưu giữa phòng dịch và phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, áp dụng linh hoạt chính sách theo thời điểm, địa điểm, diễn biến của dịch, không nhất thiết phải trên diện rộng và phải có lộ trình. Chúng ta mở dần một cách có kiểm soát, để vừa bảo vệ thành quả chống dịch vừa phục hồi được kinh tế", Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Quang cảnh buổi Tọa đàm tại điểm cầu cho Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì.

Quang cảnh buổi Tọa đàm tại điểm cầu cho Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì.

Chủ tịch Quốc hội nhất trí việc đẩy nhanh chiến lược tiêm vacxin, đồng thời đề nghị mọi thành phần trong xã hội luôn cân nhắc kỹ giữa lợi ích và chi phí, không để đứt gãy chuỗi sản xuất… Người đứng đầu Quốc hội kêu gọi việc tổ chức một khung chính sách để có thể thực hiện nhất quán từ trên xuống dưới.

Trong thời gian dịch bệnh, khoa học, công nghệ nổi lên như một cứu cánh cho nhiều ngành, nghề trong xã hội. Yếu tố này giúp thu hẹp khoảng cách đưa lý, giải quyết vấn đề bất đối xứng thông tin, thậm chí kết nối cung - cầu trong sản xuất, kinh doanh.

"Các chính sách, biện pháp thích ứng với đại dịch phải dựa trên cơ sở khoa học", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Ông cũng đề cao vai trò của công nghệ và dữ liệu khoa học, dữ liệu về dịch tễ học trong tình hình bình thường mới, đồng thời nêu một loạt vấn đề về quản trị quốc gia, phân quyền, ủy quyền, liên kết vùng... trong thời gian sắp tới.

Trước mắt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Bộ, ban, ngành chuẩn bị tốt đầu tư công, thực hiện giao vốn, và đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn để tăng thu ngân sách, đồng thời thu hút được nhiều nhà đầu tư, tạo tiền đề tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu nền kinh tế một cách hiệu quả.

Ông Vương Đình Huệ yêu cầu, phân bổ nguồn lực xã hội cho công tác phòng, chống dịch phải có trọng tâm, trọng điểm, đúng mục tiêu, dự báo được những tác động lâu dài, tranh thủ việc thích ứng để làm động lực hoàn thiện thể chế.

Người đứng đầu Quốc hội cũng đề ra các định hướng như: chuyển mạnh nền kinh tế sang số hóa, xanh hóa, kết hợp hiện đại hóa y tế, cải thiện năng lực quản trị quốc gia, quản trị doanh nghiệp… Trên cơ sở đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội sẽ có kế hoạch và giải pháp cụ thể cho năm 2021-2022 và tính toán những biện pháp lâu dài cho giai đoạn tới.

    Tags:
Xem thêm
Đông Nam bộ hướng đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, hữu cơ

Đây là một trong những phương hướng phát triển về nông, lâm nghiệp, thủy sản được đặt ra trong Phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đội Bình nghĩa sĩ Hà thành muôn thuở chẳng phai mờ

Ông Đặng Đình Tân - nguyên Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ cho biết, để ghi công cụ Đội Bình, tổng Đại Bối đổi tên thành tổng Đội Bình, nay là xã Đội Bình.

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.