| Hotline: 0983.970.780

Tìm giải pháp cứu vụ đông xuân

Thứ Ba 19/04/2011 , 10:45 (GMT+7)

Vụ ĐX 2011 ước tính toàn vùng miền núi phía Bắc, ĐBSH, Bắc Trung bộ sẽ giảm ít nhất 10-15% năng suất.

Vụ ĐX 2011 ước tính toàn vùng miền núi phía Bắc, ĐBSH, Bắc Trung bộ sẽ giảm ít nhất 10-15% năng suất. Đó là nhận định tại buổi tọa đàm về kỹ thuật chăm sóc lúa xuân sau rét, do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) tổ chức hôm qua (18/4).

Viện trưởng Viện KHKT Bắc Trung bộ, Phạm Văn Chương cho biết, vụ ĐX 2011 rét đậm rét hại kéo dài 37 ngày (4 đợt) đã làm hàng vạn ha lúa ở khu vực Bắc Trung bộ bị chết phải gieo lại, kéo dài thời gian sinh trưởng từ 25-45 ngày, làm năng suất giảm và vụ hè thu sẽ khó khăn về giống, thời vụ…

“Chúng tôi đã tham mưu các địa phương tăng cường kiểm tra và phòng trừ sâu bệnh kịp thời, đặc biệt là bệnh lùn sọc đen, bệnh đạo ôn, khô vằn. Bón phân tập trung, đặc biệt tăng lượng kali cho lúa (6 - 8 kg/sào), có thể sử dụng thêm các loại phân bón qua lá và điều tiết đủ nước để lúa trổ nhanh, thu hoạch sớm. Phương châm gặt đến đâu làm đất và gieo trồng đến đó. Các địa phương cần rà soát lại nhu cầu và lượng giống hiện có để đảm bảo đủ giống và chủng loại giống cho hè thu. Thời gian thu hoạch vụ xuân năm nay khoảng từ 15-30/6. Do vậy giống lúa phải là giống ngắn ngày (100 - 110 ngày), đặc biệt phải sử dụng giống lúa có TGST cực ngắn, yêu cầu thời vụ chặt chẽ để tránh lụt bão, thu hoạch trước 15/9” - ông Chương nói.

Theo TS Lê Quốc Doanh, Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, toàn vùng có khoảng 70.000 ha lúa và khoảng 5.000 ha mạ bị chết phải gieo lại, đã đẩy lùi thời vụ gieo cấy khoảng 5-10 ngày so với mọi năm và đẩy lùi thời vụ gieo cấy lúa mùa. Hiện nhiều diện tích cấy từ cuối tháng 2 đầu tháng 3 chưa đẻ nhánh, một số diện tích bị nghẹt rễ và vàng lá nặng. Ông Doanh khuyến cáo, với diện tích lúa gieo cấy muộn chưa bón thúc đợt 1 cần phải khẩn trương bón thúc, kết hợp làm cỏ sục bùn, duy trì mực nước 2-3 cm để kích thích lúa hồi nhanh, đẻ nhánh khỏe, đẻ tập trung. Với diện tích lúa gieo cấy sớm đã bón thúc đợt 2 cần tăng cường chăm sóc, không bón thêm đạm làm lúa đẻ lai rai, tập trung bón nuôi đòng. Phát hiện và phòng trừ kịp thời sâu bệnh hại lúa, đặc biệt đối với các đối tượng như rầy, bệnh lùn sọc đen, bệnh đạo ôn. Vụ ĐX dự kiến lúa sẽ trỗ muộn hơn (tập trung khoảng 10-20/5), do vậy các địa phương cần chủ động để có đủ giống tốt cho vụ mùa.

PGS.TS Nguyễn Trí Hoàn, Viện trưởng Viện CLT-CTP cho biết vụ ĐX 2011 ĐBSH và BTB gieo cấy 880.000 ha, giảm 5.000 ha so vụ trước. Rét đậm kéo dài làm hạn chế quá trình hấp thu dinh dưỡng, quang hợp và đẻ nhánh của cây lúa, dẫn tới lúa sinh trưởng phát triển chậm và đẻ nhánh muộn. Nhiều diện tích cấy từ cuối tháng 2 đầu tháng 3 chưa đẻ nhánh, hàng chục nghìn ha lúa bị nghẹt rễ, vàng lá. Đến giữa tháng 4 nhiều trà lúa vẫn đang trong trong giai đoạn đẻ nhánh.

Theo ông Hoàn, dự kiến thời gian sinh trưởng của các trà lúa ở ĐBSH kéo dài 20 ngày. Cần tăng cường theo dõi và phân loại các trà lúa để có biện pháp phù hợp. Cụ thể với lúa gieo cấy sớm đã bón thúc đợt 2, đang chuẩn bị phân hóa đòng, cần tăng cường chăm sóc, không bón thêm đạm, tăng cường bón kali để giảm tỉ lệ hạt lép, tăng khả năng kháng bệnh. Đối với ruộng lúa bị bệnh sinh lý (nghẹt rễ, vàng lá) tuyệt đối không được bón phân đạm, tăng cường làm cỏ sục bùn để giải phóng khí độc trong đất.

“Đợt rét đậm rét hại vừa qua cho thấy khâu chuẩn bị mạ ở một số địa phương chưa được tốt, nhiều nơi chủ quan không giữ nước, không che phủ nilon làm mạ chết… Khi gieo cấy lại tái rét, cường độ ánh sáng thấp, TGST kéo dài làm lùi thời vụ. Vụ ĐX 2011 ước tính toàn vùng miền núi phía Bắc, ĐBSH, Bắc Trung bộ sẽ giảm ít nhất 10-15% năng suất.

Từ nay đến cuối vụ cần có giải pháp kỹ thuật chăm sóc lúa như giữ nước đảm bảo dinh dưỡng cho cây trồng và phòng trừ sâu bệnh. Điều chỉnh thời kỳ bón và lượng bón phân sao cho hợp lý. Đối với diện tích bón thúc đợt 2 thì dừng bón đạm, diện tích lúa bị ngộ độc hữu cơ phải làm cỏ sục bùn, thay nước, bón supe lân để tái sinh bộ rễ. Dự báo vụ mùa sẽ chậm 15-20 ngày, phải đưa giống lúa thuần chất lượng ngắn ngày vào trồng. Nhà nước cần hỗ trợ giá giống, khâu cơ giới hóa làm đất và thống nhất với điện lực có kế hoạch xả nước để bà con SX…” - PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc VAAS.

Dự báo về tình hình sâu bệnh, Viện trưởng Viện BVTV Ngô Vĩnh Viễn cho biết vụ ĐX lo nhất là đạo ôn và rầy nâu. Hiện ở ĐBSH đạo ôn chiếm từ 10-15% diện tích lúa nếp. Cần khuyến cáo bà con giữ nước mặt ruộng để phòng trừ đạo ôn. Từ tháng 5 đến tháng 6 cao điểm của dịch rầy nâu, phải thường xuyên thăm đồng, theo dõi và phòng trừ kịp thời…

TS Lê Hưng Quốc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng VN nhận định, chưa có vụ ĐX nào rét đậm rét hại như năm nay; 30 ngày nhiệt độ dưới 15 độ C, làm thời vụ muộn khoảng 1 tháng, chắc chắn năng suất giảm và thiếu giống cho vụ mùa. “Lo nhất là vùng lúa Bắc Trung bộ có khả năng trỗ gặp gió Lào, vụ mùa gieo muộn sẽ “dính” lụt bão. Do đó phải có kỹ thuật chăm sóc cụ thể từng giống, từng trà, đẩy nhanh thời vụ, cơ cấu giống hợp lý cho vụ mùa” - ông Quốc nói.

Cùng quan điểm, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc cho rằng vụ hè thu năm nay dự báo thời tiết tiếp tục diễn biến cực đoan, mưa bão nhiều và sớm hơn mọi năm, trong khi thời vụ ở Bắc Trung bộ rất căng thẳng. Ông nói: “Cần đưa giống ngắn ngày (dưới 100 ngày) gieo cấy, rút ngắn TGST, khống chế thu hoạch trước 15/9 để né lũ. Cục đang đánh giá và đề xuất cụ thể về cơ cấu giống cho vụ mùa tới để các địa phương kịp thời SX”.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.