* Chữ quốc ngữ của nước ta có từ bao giờ?
Vũ Văn Quỳnh, Thanh Miện, Hải Dương
Việc chế tác chữ Quốc ngữ Việt Nam là một công việc tập thể của nhiều linh mục dòng, người Châu Âu, trong đó nổi bật là vai trò của Francesco de Pina, Gaspar d'Amaral, Antonio rbosa và Alexandre De Rhodes.
Trong công việc này có sự hợp tác tích cực và hiệu quả của nhiều người Việt Nam, trước hết là các thầy giảng Việt Nam (giúp việc cho các linh mục người Âu). Alexandre De Rhodes đã có công lớn trong việc góp phần sửa sang và hoàn chỉnh bộ chữ Quốc ngữ. Đặc biệt là ông đã dùng bộ chữ ấy để biên soạn và tổ chức in ấn lần đầu tiên cuốn từ điển Việt - Bồ Đào Nha - Latin (trong đó có phần về ngữ pháp tiếng Việt) và cuốn Phép giảng tám ngày.
Xét về góc độ ngôn ngữ thì cuốn diễn giảng vắn tắt về tiếng An Nam hay tiếng đàng ngoài (in chung trong từ điển) có thể được xem như công trình đầu tiên khảo cứu về ngữ pháp. Còn cuốn Phép giảng tám ngày có thể được coi như tác phẩm văn xuôi đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ, sử dụng lời văn tiếng nói bình dân hàng ngày của người Việt Nam thế kỷ 17.
Tuy chữ Quốc ngữ của Alexandre De Rhodes năm 1651 trong cuốn từ điển Việt - Bồ - La đã khá hoàn chỉnh nhưng cũng phải chờ đến từ điển Việt - Bồ - La (1772), tức là 121 năm sau, với những cải cách quan trọng của Pigneau de Behaine thì chữ Quốc ngữ mới có diện mạo giống như hệ thống mà chúng ta đang dùng hiện nay.
* Ngôi đình xưa nhất của nước ta là ngôi đình nào và được xây dựng từ bao giờ?
Đặng Như Tại, Quảng Xương, Thanh Hóa
Ngôi đình còn dòng chữ ghi lại niên đại xây dựng để xác minh năm xây dựng cổ nhất là đình Lỗ Hạnh được mệnh danh là đệ nhất Kinh Bắc. Năm 1576, đời vua Sùng Khang nhà Mạc. Theo ông Ngô Tất Tố đình xuất hiện từ đời Trần với việc Trần Thủ Độ bắt dân thờ phụng trong các tác phẩm của mình.
Còn theo các nghiên cứu của các học giả khác đình xưa kia thờ tượng Phật sau đó mới chuyển thờ thành hoàng từ thế kỉ 16. Tuy nhiên theo ý kiến của bạn Minh Xuân thì: Muốn tìm cổ không phải nhìn vào hệ thống đình làng mà là hệ thống đền miếu. Đình làng là loại hình xuất hiện sau. Còn miếu thờ thì có lâu rồi. Rất nhiều đền miếu về sau được chuyển thành đình làng.
Chuyện nhà Trần bắt thờ Phật trong đình thực ra chỉ là bề nổi của một sự kiện được chép lại đâu đó. Tín ngưỡng cổ của người Việt không phải là Phật giáo mà là Đạo giáo. Chắc chắn trước khi có Phật giáo người Việt đã có đủ thứ để thờ như thờ mẫu, thờ các nhân vật lịch sử. Các tục thờ này có thể đã có trong đình làng từ trước, nhưng chưa thành hệ thống sắc phong của nhà nước.
* Tại sao sau khi cưới người ta thường hay nghỉ tuần trăng mật? Tuần trăng mật có ý nghĩa như thế nào?
Trần Thanh Mai, Diễn Châu, Nghệ An
Theo thông tin trên web http://60s.com.vn thì đây là thời kỳ tột đỉnh của tình yêu và là những ngày đầu để hòa hợp dần hai kiểu tính cách. Tuần trăng mật được coi như thời kỳ “quen hơi bén tiếng” của hai tâm hồn đồng điệu. Trong khoảng thời gian này hầu như đôi vợ chồng trẻ nào cũng cảm nhận được niềm vui ngọt ngào, hạnh phúc nồng nàn, trọn vẹn.
Sau bao ngày hai bạn vất vả lo cho lễ cưới và áp lực, chi phối của gia đình, tuần trăng mật là một khoảng thời gian bạn và anh ấy lấy lại tinh thần, sức lực và thực sự được hưởng niềm vui sống bên nhau. Trong những ngày mới, có thể yên tĩnh để cùng nhau lập ra chương trình cho cuộc sống sau này của riêng hai bạn.
Đây cũng là thời gian đầu tiên bạn gái khám phá kỹ thêm về những nhu cầu, tính cách của người bạn đời, ngược lại người chồng trẻ cũng tìm hiểu tính tình, quan điểm... của người vợ trẻ. Đúng như ý nghĩa chung của tuần trăng mật là thời kỳ quen hơi, bén tiếng của đôi vợ chồng. Bởi vậy tuần trăng mật chỉ nên có hai người cho dù bạn muốn có cha mẹ, bạn bè đi cùng cho thêm vui.
Tuần trăng mật vừa để nghỉ ngơi, vừa để hai bên khám phá về nhau. Và quan trọng hơn cả, đó là bước khởi đầu căn bản để cả hai cùng hướng đến xây dựng ngôi nhà thực sự hạnh phúc, bền vững cho cuộc sống hôn nhân tiếp theo khi cả bạn và anh ấy đã ý thức được trách nhiệm, tinh thần sẵn sàng chia sẻ, cảm thông với nhau lúc khó khăn, vất vả.