| Hotline: 0983.970.780

Tín dụng ngân hàng nên cho nông dân cần câu hơn là cho con cá

Thứ Ba 28/03/2023 , 13:52 (GMT+7)

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ngân hàng ngoài cung cấp cho nông dân công cụ thì phải giúp họ hình thành kỹ năng để tổ chức sản xuất, sử dụng đồng vốn hiệu quả.

Sáng 28/3, Bộ NN-PTNT cùng Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức Hội nghị thảo luận về những nội dung phối hợp trong việc triển khai chương trình tín dụng nông nghiệp, nông thôn và phát triển vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn giai đoạn 2022-2025.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, chương trình phối hợp giữa Bộ NN-PTNT và Agribank sẽ gợi mở nhiều ý tưởng mới để gia tăng nguồn lực, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Ảnh: Trung Quân.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, chương trình phối hợp giữa Bộ NN-PTNT và Agribank sẽ gợi mở nhiều ý tưởng mới để gia tăng nguồn lực, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Ảnh: Trung Quân.

Tại Hội nghị, hai bên đã thảo luận và đi đến thống nhất, thời gian thực hiện chương trình phối hợp từ năm 2022 đến hết năm 2025. Nội dung phối hợp xoay quanh 4 vấn đề trọng tâm. Cụ thể, Agribank cung cấp sản phẩm dịch vụ quản lý tài chính, dịch vụ tín dụng chất lượng cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động và các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT (nếu có nhu cầu).

Agribank cung cấp các dịch vụ tín dụng, quản lý tài chính cho các chương trình, đề án, dự án trong nước và quốc tế hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn do Bộ NN-PTNT chủ trì, triển khai thực hiện.

Bộ NN-PTNT cung cấp, chia sẻ thông tin liên quan đến tổ chức, nguồn nhân lực, thông tin chính sách, chương trình đề án, dự án phát triển, định mức kinh tế- kỹ thuật các cây trồng, vật nuôi… nhằm phục vụ việc thẩm định tài chính trong các dự án tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn do Agribank triển khai.

Hợp tác triển khai các giải pháp tín dụng và quản trị tài chính trong các chuỗi giá trị, gói tín dụng nông nghiệp, nông thôn, dự án, chương trình đề án đến năm 2025 (theo Đề án số 1088/QĐ-BNN-KTHT ngày 25/3/2022 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT). Trong đó, công tác tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng tiếp cận chính sách tín dụng do Agribank triển khai. Bên cạnh đó, Agribank thúc đẩy các gói dịch vụ tín dụng cho vay theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp trong các vùng nguyên liệu.

Hai đơn vị cùng phối hợp thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản trị dòng tiền cho vay theo chuỗi trong các vùng nguyên liệu. Ngoài ra, hai bên thường xuyên cùng nhau phối hợp trong việc tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá hàng năm và giai đoạn về việc phối hợp triển khai thực hiện Đề án.

Trên cơ sở kết quả, hiệu quả phối hợp trong vùng nguyên liệu, hai bên có thể xem xét việc cùng nhau tiếp tục hợp tác mở rộng ra các vùng nguyên liệu sản phẩm nông sản ở nhiều địa phương khác trên cả nước, phù hợp với mục tiêu và khả năng của mỗi bên trong tương lai…

Theo ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, Agribank sẽ tiếp tục giành các nguồn lực tốt nhất của mình để đồng hành cùng Bộ NN-PTNT phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân bền vững. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, Agribank sẽ tiếp tục giành các nguồn lực tốt nhất của mình để đồng hành cùng Bộ NN-PTNT phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân bền vững. Ảnh: Trung Quân.

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank chia sẻ: Dựa trên định hướng của Bộ NN-PTNT là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong thời gian tới, Agribank sẽ tiếp tục giành các nguồn lực tốt nhất của mình để đồng hành cùng Bộ NN-PTNT phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân bền vững.

Theo ông Ấn, tổng dư nợ tín dụng đến hết năm 2022 của Agribank là hơn 1,4 triệu tỷ đồng, trong đó cho vay nông nghiệp, nông thôn hơn 1 triệu tỷ đồng (chiếm 71,49% tổng dư nợ cho vay của Agribank). Hàng năm, Agribank cung cấp tín dụng tín chấp cho hơn 3 triệu hộ nông dân.

Để phân tán rủi ro và chia sẻ rủi ro bằng công cụ tài chính hữu hiệu là Bảo hiểm. Bảo hiểm Agribank có nhiệm vụ chính trị là dùng kỹ thuật bảo hiểm để bảo vệ nguồn vốn nhà nước thông qua Agribank cấp vốn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Từ đó, góp phần giảm thiểu nợ xấu phát sinh do các nguyên nhân như người vay vốn không may bị tai nạn, bệnh tật dẫn đến thiệt mạng hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn làm mất khả năng trả nợ hoặc tài sản hình thành từ vốn vay, tài sản thế chấp bị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh.

Tuy nhiên, ông Ấn cũng cho rằng, ngoài những nỗ lực từ chính sách cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm, hộ sản xuất... trong chuỗi liên kết sản xuất, nhằm đem lại giá trị gia tăng, thu nhập cao cho nông dân. Do dó, kiến nghị coi phương thức triển khai bảo hiểm dưới hình thức gói tín dụng nông nghiệp của Agribank với các sản phẩm bảo hiểm của bảo hiểm Agribank là mô hình điểm để triển khai thành công bảo hiểm rủi ro trong khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân bằng hình thức thương mại (không có hỗ trợ phí bảo hiểm từ ngân sách nhà nước).

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã có, tuy nhiên, trong quá trình triển khai nếu thiếu các nguồn lực thì sẽ khó có thể triển khai thành công. Do đó, chương trình phối hợp giữa Bộ NN-PTNT và Agribank sẽ gợi mở nhiều ý tưởng mới để xây dựng lộ trình phát triển hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, muốn sử dụng đồng vốn hiệu quả ngoài chính sách của Bộ NN-PTNT thì các ngân hàng phải giúp nông dân thay đổi tư duy bao cấp, không ỷ lại vào bất kỳ chương trình hỗ trợ nào, thậm chí là chương trình hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Phải giúp người nông dân hình thành tư duy thị trường, phải hiểu và tự chịu trách nhiệm với nguồn vốn vay, hỗ trợ của mình.

“Cho vay trong nông nghiệp là cho vay có rủi ro rất cao, do đó, muốn giảm rủi ro thì các ngân hàng phải tư duy lại; thiết kế các gói sản phẩm mới nhưng trong đó phải đưa ra những điều kiện, quy định chặt chẽ hơn. Ngân hàng cung cấp cho nông dân cần câu sẽ hay hơn là chỉ cho họ con cá. Nghĩa là, ngoài cung cấp cho người dân công cụ thì phải giúp họ có cả kỹ năng để tổ chức sản xuất, sử dụng đồng vốn hiệu quả”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng cho rằng, muốn nâng cao năng lực, kiến thức cho người đi vay thì chính người cho vay (ngân hàng) cũng phải nghĩ mới, phải tổ chức lại đội ngũ nhân viên, cộng tác viên của ngân hàng tại các địa phương. Bởi lẽ, lực lượng này gần nhất với người dân, khi họ có kiến thức về nông nghiệp thì sẽ cho vay đồng vốn một cách chính xác nhất, hỗ trợ nông dân sử dụng hiệu quả.

Đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) trình bày các nội dung trong chương trình hợp tác giữ Bộ NN-PTNT và Agribank. Ảnh: Trung Quân.

Đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) trình bày các nội dung trong chương trình hợp tác giữ Bộ NN-PTNT và Agribank. Ảnh: Trung Quân.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Ngân hàng NN-PTNT nghiên cứu phác thảo, thiết kế, xây dựng được gói sản phẩm có sự tham gia của 3 bên (Bộ NN-PTNT, Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội) để có thể cộng hưởng các nguồn lực, cùng nhau tham gia giám sát, hỗ trợ các đối tượng đi vay sử dụng đồng vốn thực sự hiệu quả. Trong đó, trước mắt tập trung vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và xây dựng 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn.

“Chúng ta phải cùng nhau xác định rằng, sứ mệnh của mình là giúp thay đổi người nông dân về mọi mặt, giúp họ có được những điều tốt đẹp hơn. Do đó, tín dụng ngân hàng phải tạo ra xung lực mới cho nông nghiệp nông thôn phát triển”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Trận dông lốc kinh hoàng khiến hàng trăm hộ dân 'màn trời chiếu đất'

Bắc Kạn Rạng sáng ngày 18/4, dông lốc trên diện rộng làm hơn 580 ngôi nhà tại tỉnh Bắc Kạn hư hỏng, người dân và chính quyền địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả.

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.