| Hotline: 0983.970.780

Tỉnh Phú Thọ kiến nghị giảm đất lúa, đất rừng để phát triển

Thứ Sáu 24/02/2023 , 09:59 (GMT+7)

Dự kiến đến năm 2030 tỉnh Phú Thọ dự kiến sẽ giảm diện tích đất lúa xuống còn 40.000 ha, diện tích đất lâm nghiệp giảm còn hơn 154.000 ha.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang tại hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: BPT.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang tại hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: BPT.

Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được thẩm định trước khi tình Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt.

Đáng chú ý trong quy hoạch lần này, với mục tiêu phát triển trở thành Trung tâm thương mại và logistic gắn với trung tâm chế biến nông, lâm sản, Trung tâm văn hóa - du lịch, Trung tâm khám chữa bệnh, Trung tâm đào tạo của 5 tỉnh tiểu vùng Tây Bắc, tỉnh Phú Thọ kiến nghị giảm một phần lớn diện tích đất lúa và đất lâm nghiệp để phát triển.

Cụ thể, đối với lĩnh vực nông lâm nghiệp, theo quy hoạch tỉnh Phú Thọ sẽ tổ chức lại sản xuất theo hướng gia tăng sản xuất hàng hóa chất lượng cao đối với các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực (gồm cây chè, cây bưởi, cây lúa, cây chuối và chăn nuôi lợn, gia cầm, rừng gỗ lớn) gắn với phát triển công nghiệp chế biến sâu, liên kết với các địa phương còn lại trong tiểu vùng Tây Bắc để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất, chế biến. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản đạt bình quân hàng năm trong giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 3,5%.

Nông nghiệp Phú Thọ xác định 4 cây trồng chủ lực bao gồm chè, bưởi, lúa và chuối. Dự kiến giai đoạn 2021 - 2030, Phú Thọ duy trì ổn định diện tích chè hiện trạng hoặc tăng nhẹ đồng thời chú trọng cải tạo, thay thế giống chè mới nhằm nâng cao năng suất, đa dạng hóa sản phẩm đầu ra. Đến năm 2030 diện tích chè ở Phú Thọ vào khoảng 15.700 ha, năng suất 130 tạ/ha, sản lượng 202,8 nghìn tấn.

Diện tích bưởi hiện tại xấp xỉ 5.000 ha, tập trung lớn ở hai huyện Đoan Hùng và Thanh Sơn, với năng suất khoảng gần 12 tấn/ha, bưởi là một trong những cây ăn quả chủ lực trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Giai đoạn 2025 - 2030, tỉnh sẽ duy trì diện tích trồng bưởi khoảng 5.500 ha để đảm bảo đầu ra.

Thống kê năm 2020 trên địa bàn toàn tỉnh Phú Thọ có 61.270,1 ha lúa với năng suất trung bình đạt 56,7 tạ/ha. Trong tương lai chỉ nên duy trì canh tác lúa trên các địa bàn thuận lợi đồng thời cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng rau, màu, đậu đỗ, cây ăn quả hay thậm chí là nuôi trồng thuỷ sản nhằm bảo vệ độ phì đất và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Theo quy hoạch, giai đoạn 2025-2030, diện tích đất lúa ở Phú Thọ sẽ giảm xuống còn khoảng 40.000 ha (trong đó khoảng 28,7 nghìn ha đất chuyên lúa, 12 nghìn ha đất lúa khác) nhằm đảm bảo nhu cầu lương thực của tỉnh, chuyển diện tích lúa còn lại sang cây hàng năm khác, cây rau, đậu đỗ, cỏ chăn nuôi nhằm đa dạng hóa cây trồng và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Chuối cũng được đánh giá là cây trồng tiềm năng của tỉnh Phú Thọ với diện tích trồng liên tục tăng trong những năm gần đây. Định hướng đến 2025 tăng diện tích trồng chuối trên địa bàn tỉnh đạt 4.200 ha và 2030 đạt 4.800 ha. Cùng thời kỳ, diện tích gieo trồng ngô đạt khoảng 16.858 ha, chủ yếu trồng trên đất chuyên ngô, đất 2 lúa 1 màu, vì vậy có tiềm năng rất lớn trong việc mở rộng diện tích canh tác ngô. Dự kiến đến năm 2030 diện tích ngô vào khoảng 15.000 ha, năng suất 50 tạ/ha, sản lượng 75.000 tấn…

Thời gian qua tình trạng lấy đất lúa, đất rừng thực hiện dự án diễn ra ồ ạt ở tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Hoàng Anh.

Thời gian qua tình trạng lấy đất lúa, đất rừng thực hiện dự án diễn ra ồ ạt ở tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Hoàng Anh.

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, định hướng chung đến năm 2030 tỉnh Phú Thọ đảm bảo duy trì tương đối ổn định diện tích rừng và cơ cấu 3 loại rừng với tỷ lệ che phủ khoảng 38-39%.

Theo số liệu đầu kỳ quy hoạch với tổng diện tích đất lâm nghiệp của Phú Thọ hiện nay là 188.119 ha, trong đó 137.343 ha rừng sản xuất, 33.474 ha rừng phòng hộ và 17.302 ha rừng đặc dụng.

Quy hoạch diện tích đất lâm nghiệp tỉnh Phú Thọ đến năm 2030 chỉ còn khoảng 154.300 ha, trong đó có 113.088 ha đất rừng sản xuất, 27.351 ha đất rừng phòng hộ; 13.861 ha đất rừng đặc dụng. Điều đó có nghĩa Phú Thọ sẽ giảm 33.819 ha (trong đó có 18.372 ha ngoài quy hoạch phát triển lâm nghiệp) so với năm 2020, giảm nhiều nhất là diện tích đất rừng sản xuất với 24.255 ha, diện tích đất rừng phòng hộ giảm 6.123 ha và diện tích đất rừng đặc dụng giảm 3.441 ha.

Theo Quy hoạch của tỉnh Phú Thọ, đa số diện tích đất lúa, đất rừng giảm nói trên sẽ chuyển sang thực hiện các dự án đô thị, sân golf, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, phát triển công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng... với khát vọng trở thành trung tâm logicstic của 5 tỉnh tiểu vùng Tây Bắc.  

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Trần Quốc Phương, Quy hoạch tỉnh Phú Thọ cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ các hạn chế như: Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội thấp hơn so với mức bình quân của cả nước; kết quả trong giai đoạn vừa qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, chưa sử dụng hiệu quả các nguồn lực,... để từ đó khắc phục, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển hàng đầu trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Dự thảo Báo cáo Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh phát triển hàng đầu trong vùng Trung du và miền núi phía bắc và tiến tới đứng trong nhóm 15-20 địa phương phát triển nhất trong cả nước ngay từ năm 2035 trở đi; xây dựng thành phố Việt Trì là thành phố hạt nhân và trở thành đầu tàu lôi kéo các địa phương tiểu vùng Tây Bắc...

Tỉnh Phú Thọ lựa chọn kịch bản tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2025 là 8,5%, giai đoạn 2026-2030 là 12,4%. Để thực hiện kịch bản này, tỉnh và đơn vị tư vấn lập quy hoạch dự kiến, số vốn đầu tư cần huy động trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 45 nghìn tỷ đồng/năm, giai đoạn 2026-2030 là giai đoạn bứt tốc, khoảng 115 nghìn tỷ đồng/năm.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Thủy lợi - nền tảng vững chắc cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Đồng Tháp Các hệ thống thủy lợi nội đồng giúp kiểm soát nguồn nước hiệu quả hơn, nhờ đó nông dân có thể canh tác 3 vụ lúa/năm với năng suất tăng 15% so với trước đây.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hải Phòng khai trương dự án Chính quyền số

HẢI PHÒNG Chiều 21/11, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức lễ khai trương Dự án ‘Chính quyền số’ để chào mừng ngày chuyển đổi số quốc gia 2024.