Theo đó, cơ quan Liên Hợp quốc có trụ sở tại thủ đô Rome (Italia) đã được tôn vinh vì những đóng góp trong công tác cứu trợ cho những vùng nguy hiểm và bấp bênh nhất trên thế giới.
Đặc biệt là trong năm nay, trước những khó khăn của đại dịch Covid-19, những WFP vẫn nỗ lực thực hiện được nhiều chuyến bay vận chuyển lương thực- thực phẩm phân phát cứu đói cho người dân ở Nam Sudan và Syria.
Bà Berit Reiss-Andersen, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy cho biết: “Với giải thưởng năm nay, chúng tôi mong muốn thế giới hướng mọi ánh mắt đến hàng triệu người dân đang phải chịu đựng hoặc đối mặt với mối đe dọa của nạn đói. Trong đó, WFP đã đóng một vai trò quan trọng trong hợp tác đa phương nhằm biến an ninh lương thực trở thành một công cụ hòa bình.”
Vào năm ngoái, WFP cũng đã cung cấp các gói cứu trợ cho gần 100 triệu người dân ở 88 quốc gia.
Theo các nhà quan sát, việc trao giải thưởng Nobel Hòa bình năm nay cho WFP đã nêu bật sự cần thiết của sự đoàn kết toàn cầu và chủ nghĩa đa phương trong thời điểm thế giới ngày càng gia tăng sự phân cực và chủ nghĩa dân tộc.
WFP đã vượt qua bản danh sách các ứng cử viên năm nay, gồm 211 cá nhân và 107 tổ chức được đề cử để thắng giải thưởng Nobel Hòa bình. Tổ chức này sẽ được nhận một huy chương vàng và kèm một giải thưởng tiền mặt trị giá 10 triệu krona (1,1 triệu USD).
Ông David Beasley, người đứng đầu WFP đang có chuyến công tác tại Nigeria trả lời phỏng vấn qua điện thoại sau khi nhận tin trúng giải: “Tôi biết mình không xứng đáng với một giải thưởng lớn như thế này, nhưng tất cả đội ngũ của chúng tôi ở khắp thế giới cũng như các đối tác của WFP, những người luôn ở tuyến đầu thì ngược lại”.
Theo Ủy ban trao giải Nobel Hòa bình 2020, vấn đề đói nghèo đã trở nên trầm trọng hơn trong những năm gần đây, đặc biệt là do đại dịch Covid-19 đã nảy sinh thêm nhiều khó khăn mà hàng triệu người trên thế giới đang phải đối mặt .
Năm 2019, thế giới có 135 triệu người bị đứt bữa, tỷ lệ cao nhất trong vòng nhiều năm vừa qua. “Phần lớn sự gia tăng số người thiếu đói là do chiến tranh và xung đột vũ trang. Bước sang năm 2020, đại dịch coronavirus lại càng làm tăng số nạn nhân bị thiếu đói trên thế giới mà theo ước tính của WFP đã lên tới 690 triệu người”.
Hàng triệu người dân vẫn đang ở trên bờ vực của nạn đói do đại dịch Covid-19, chủ yếu ở các quốc gia như Yemen, Congo, Nigeria, Nam Sudan và Burkina Faso.