| Hotline: 0983.970.780

Tổ chức tiêm phòng đồng bộ đến tận xã, thôn, hộ chăn nuôi

Thứ Năm 14/09/2023 , 12:55 (GMT+7)

THỪA THIÊN HUẾ Tổ chức tiêm phòng đồng bộ đến tận xã, thôn, hộ chăn nuôi đồng thời nâng cao tỷ lệ tiêm phòng là biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm hiệu quả.

Nâng cao tỷ lệ tiêm phòng vacxin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm là biện pháp phòng chống dịch hiệu quả. Ảnh: CĐ.

Nâng cao tỷ lệ tiêm phòng vacxin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm là biện pháp phòng chống dịch hiệu quả. Ảnh: CĐ.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên Huế, từ đầu năm đến nay, mặc dù các loại dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm, tai xanh lợn, lở mồm long móng, viêm da nổi cục... ở các tỉnh thành trong cả nước diễn biến hết sức phức tạp. Tuy nhiên, ở tỉnh Thừa Thiên Huế, các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm đã không xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thông thường, dịch bệnh thường xảy ra nhỏ lẻ, rải rác ở nhiều nơi, nhiều thời điểm trong năm nên việc giám sát, phát hiện dịch bệnh, thông tin báo cáo ở một số nơi còn chậm. Đây chính là yếu tố khó khăn trong việc khống chế và dập tắt dịch.

Để chủ động ngăn chặn, phòng, chống hiệu quả các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh, ngay từ đầu năm đơn vị đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và triển khai xuyên suốt đến từ cấp tỉnh, huyện đến xã, thôn.

Trên cơ sở kế hoạch phòng chống dịch bệnh được duyệt, đơn vị đã phối hợp chính quyền các địa phương, đồng thời chỉ đạo trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thị xã triển khai công tác tiêm phòng đồng bộ, tổ chức các đợt kiểm tra tiêm phòng đến tận xã, thôn, hộ chăn nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng.

Theo thống kê của ngành thú y, dịch bệnh xảy ra đối với các hộ chăn nuôi do không thực hiện việc tiêm phòng hàng năm. Do đó, công tác tiêm phòng vacxin luôn được ngành thú y quan tâm hàng đầu.

Tính đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiêm được 21.510 liều tụ huyết trùng trâu bò, 4.890 liều vacxin và kháng thể E. coli, 459.500 liều cúm gia cầm, 20.656 liều lở mồm long móng lợn tại các trang trại, viêm da nổi cục 7.500 liều ... 

Kiểm soát chặt việc giết mổ gia súc, gia cầm bệnh góp phần phòng chống dịch bệnh. Ảnh: CĐ.

Kiểm soát chặt việc giết mổ gia súc, gia cầm bệnh góp phần phòng chống dịch bệnh. Ảnh: CĐ.

Trong thời gian tới, để hoàn thành công tác tiêm phòng vacxin theo đúng kế hoạch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục tổ chức lực lượng, cung ứng đầy đủ vacxin tới tận xã, thôn. Đặc biệt, việc phát huy vai trò của đội ngũ thú y viên cơ sở, thú y cộng đồng tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trong toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Hưng cho biết thêm, cùng với tiêm phòng vacxin, công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cũng địa phương chú trọng. Đến nay, các tổ tiêu độc được trang cấp các dụng cụ máy bơm, bình bơm và cấp 2.000 lít hóa chất để thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng định kỳ, đột xuất. Trong đó, tập trung tại các ổ dịch, hố chôn gia súc, các nơi nguy cơ cao...

Một giải pháp nữa nhằm kiểm soát dịch bệnh được ngành thú y Thừa Thiên Huế thực hiện là thường xuyên kiểm tra, giám sát tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, ngành thú y đã yêu cầu các chủ cơ sở giết mổ cam kết nhập lợn, bò phải có nguồn gốc rõ ràng và khỏe mạnh; không mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm bệnh, chết, không rõ nguồn gốc.

Việc kiểm soát giết mổ chỉ được thực hiện tại các cơ sở giết mổ được chính quyền cho phép nằm trong quy hoạch. Các cơ sở giết mổ phải thực hiện đúng quy trình kiểm soát đủ số lượng, kiểm tra vệ sinh thú y đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đóng dấu thân thịt rõ ràng trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. 

Cùng với đó, ngành cũng thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức an toàn thực phẩm cho cán bộ kiểm soát giết mổ, các chủ cơ sở, kinh doanh và công nhân giết mổ trên địa bàn toàn tỉnh; kiểm tra, thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật.     

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.