| Hotline: 0983.970.780

Tổ hợp nuôi heo thịt công nghệ cao Phúc Hòa gây thất vọng

Thứ Năm 03/11/2022 , 06:30 (GMT+7)

Từng là kỳ vọng lớn của Nghệ An trong thu hút doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi công nghệ cao, nhưng tổ hợp heo thịt của Công ty Phúc Hòa lại đang gây thất vọng.

Empty

Tổ hợp chăn nuôi heo thịt công nghệ cao tại xã Nghi Công Nam của Công ty TNHH Nông nghiệp Phúc Hòa không đảm bảo về môi trường, gây ra nhiều hệ lụy. Ảnh: Việt Khánh.

Đánh đổi 6ha rừng để nhận về dự án ô nhiễm

Ngày 4/10/2021, Sở TN-MT có Công văn số 5689/STTMT-QLĐĐ về việc Công ty TNHH Nông nghiệp Phúc Hòa thuê đất tại xã Nghi Công Nam, huyện Nghi Lộc để làm dự án nuôi heo công nghệ cao. Chỉ 4 ngày sau, ngày 8/10/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành cùng lúc 2 quyết định mang tính then chốt nhằm giải quyết nội dung trên.

Quyết định số 432/QĐ-UBND thể hiện việc “thu hồi 14.990m2 đất, bao gồm 10.597,1m2 đất rừng sản xuất và 4.401,9m2 đất giao thông tại xã Nghi Công Nam”. Trong khi đó, Quyết định số 433/QĐ-UBND chỉ rõ: “Cho Công ty TNHH Nông nghiệp Phúc Hòa thuê 69.997,1m2 đất tại xã Nghi Công Nam để thực hiện dự án Tổ hợp chăn nuôi heo thịt công nghệ cao. Thời hạn cho thuê đất đến ngày 17/9/2069”.

Địa điểm triển khai dự án thuộc xóm 6, xã Nghi Công Nam, huyện Nghi Lộc, cả 4 phía Đông, Tây, Nam, Bắc đều tiếp giáp với đất rừng sản xuất. Như vậy, chưa cần bàn đến một số yếu tố nhạy cảm khác liên quan đến vị trí xây dựng, khoảng cách địa giới hành chính… chí ít trên 6ha đất rừng vùng lõi đã được chuyển đổi mục đích để phục vụ cho Dự án tổ hợp chăn nuôi heo thịt công nghệ cao của Công ty TNHH Nông nghiệp Phúc Hòa.

Empty

Để phục vụ dự án của Công ty Phúc Hòa, hơn 6ha đất rừng đã phải chuyển đổi mục đích. Ảnh: Việt Khánh.

Cần phải nói thêm, căn cứ quy định của pháp luật, xét đề nghị của Chủ tịch Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường của tổ hợp chăn nuôi heo thịt công nghệ cao tại xã Nghi Công Nam, xét đề nghị của chính Giám đốc Sở TN-MT, trước đó (ngày 16/9/2020) UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 3118/QĐ-UBND về việc “Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường” của dự án này.

Động thái trên cho thấy tỉnh Nghệ An kỳ vọng rất lớn vào doanh nghiệp này, dù vậy dường như niềm tin đã bị đặt nhầm chỗ.

Tổ hợp chăn nuôi heo thịt công nghệ cao của Công ty TNHH Nông nghiệp Phúc Hòa có quy mô gần 7ha, công suất lên đến 15.000 con/lứa (2,5 lứa/năm). Theo kế hoạch được vẽ nên, heo trước khi nhập đàn sẽ được nuôi cách ly, sau đó áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến. Theo phê duyệt, tổ hợp bao gồm nhà úm heo, nhà nuôi heo, nhà sát trùng khách, hầm biogas, bể xử lý nước thải, hồ lắng nước thải… cùng nhiều hạng mục phụ trợ khác.

Thực chất doanh nghiệp này không tuân thủ như cam kết, từ đầu chí cuối chưa bao giờ đảm bảo khía cạnh môi trường. Điều này gây bức xúc nặng nề đến người dân xã Nghi Công Nam lẫn Nghi Công Bắc, qua đó tạo áp lực không đáng có cho chính quyền huyện Nghi Lộc, cho tỉnh Nghệ An.

Ngày 18/3/2022, giọt nước chính thức tràn ly, không chịu nổi cảnh quá trình hoạt động của trại lợn siêu khủng, người dân đã kịch liệt phản đối. Đáp lại, công ty TNHH Nông nghiệp Phúc Hòa chống chế: “Trung bình mỗi ngày có từ 5 - 10 con lợn bị chết, sau đó được xử lý bởi hố xây xi măng có 3 cửa. Tuy nhiên, thời gian gần đây hố xây gần đầy nên công ty đưa lợn chết vào hố đất nằm trong khuân viên. Quá trình này làm phát sinh mùi hôi, ruồi nhặng dẫn đến phản ánh của người dân”.

Empty

Vấn đề ô nhiễm tại Tổ hợp nuôi heo thịt công nghệ cao của Công ty TNHH Nông nghiệp Phúc Hòa luôn thường trực, có điều trách nhiệm xử lý, khắc phục của chủ đầu tư rất hời hợt. Ảnh: Việt Khánh. 

Bị phạt 320 triệu đồng vẫn chưa khắc phục triệt để

Đành rằng việc xử phạt hành chính số tiền 320 triệu đồng vì hành vi gây ô nhiễm môi trường đã có hiệu lực, thế nhưng nếu UBND tỉnh Nghệ An, Sở TN-MT quyết liệt ngay từ đầu trên cơ sở thực trạng hiện hữu của Tổ hợp nuôi heo công nghệ cao đầy tai tiếng này, sự việc chắc hẳn không bị đẩy đi xa đến thế.

Nói có sách mách có chứng, dù gây ô nhiễm môi trường trầm trọng suốt thời gian dài nhưng phải đến tận tháng 9/2022 tỉnh Nghệ An mới ra quyết định xử phạt. Đồng nghĩa, tròn 2 năm kể từ thời điểm được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (tháng 9/2020), cơ bản Công ty TNHH Nông nghiệp Phúc Hòa không chú trọng đến nội dung này, thậm chí là phớt lờ luôn.

Trên thực tế, từ tháng 5/2022, trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở TN-MT, UBND huyện Nghi Lộc đã yêu cầu UBND các xã Nghi Công Nam và Nghi Công Bắc phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chăn nuôi của dự án, yêu cầu ngừng nhập lợn cho đến khi được cơ quan chức năng cho phép. Đồng thời kiểm tra việc khắc phục các vấn đề tồn tại xoay quanh công tác bảo vệ môi trường theo nội dung Công văn số 2454/STNMT-BVMT ngày 4/5/2022 của Sở TN-MT.

Theo báo cáo của Sở TN-MT, dự án bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 11/2021, lúc đỉnh điểm tổng đàn đạt 10.000 con, vào tháng 5/2022 ghi nhận tổng đàn khoảng 6.600 - 6.800 con. Qua kiểm tra thực tế cho thấy việc phản ánh của người dân là có cơ sở, quá trình xử lý lợn chết gây ra mùi hôi thối, không đúng quy định.

Đặc biệt, dự án này ngang nhiên vận hành khi chưa được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi theo quy định tại Luật Chăn nuôi năm 2018, chưa được Sở TN-MT cấp giấy phép môi trường quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chưa hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường (hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhà tập kết heo chết, hệ thống dàn phun mưa để hạn chế mùi hôi) theo quy định tại Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.

Không chỉ có thế, khi xảy ra tình trạng lợn chết thường xuyên, liên tục phía chủ đầu tư không tiến hành báo cáo với chính quyền và cơ quan chức năng. Ngoài ra, còn tự động bố trí 1 hồ (tiếp giáp phía Tây, vị trí nằm ngoài khuân viên dự án) với diện tích khoảng 3.000m2 để lưu chứa nước thải từ hồ lắng thứ 5 khi chưa được phép.

Từ thực tế nêu trên, Sở TN-MT kiến nghị UBND tỉnh, chỉ đạo Công ty TNHH Nông nghiệp Phúc Hòa dừng ngay việc nhập lứa lợn mới về nuôi cho đến khi được cấp đầy đủ thủ tục. Khẩn trương xây dựng các công trình bảo vệ môi trường theo nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt…

Những sai phạm của Công ty TNHH Nông nghiệp Phúc Hòa khi triển khai dự án tổ hợp nuôi heo công nghệ cao có tính chất nghiêm trọng. Những tưởng khi bị nhắc nhở, chủ đầu tư sẽ nhìn nhận theo hướng tích cực để khẩn trương khắc phục, hoàn thiện, tuy nhiên, thực tế không phải vậy, diễn biến chung vẫn rất bộn bề.

Empty

Nên chăng cần áp dụng chế tài nặng hơn thay vì xử phạt hành chính đơn thuần để doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật. Ảnh: Việt Khánh. 

Chẳng phải vô cớ mà UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định xử phạt hành chính số tiền 320 triệu đồng về hành vi không có Giấy phép môi trường đối với dự án/cơ sở thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường. Không dừng lại, doanh nghiệp này còn bị xử phạt bổ sung thông qua việc đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải trong thời gian 4,5 tháng.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, đến ngày 6/10/2022 Công ty TNHH Nông nghiệp Phúc Hòa vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đơn vị này chưa lập báo cáo đề nghị cấp giấy phép môi trường, chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi, đáng nói hơn là đơn vị này chưa xuất hết lợn (thời điểm kiểm tra vẫn còn 4.000 con), đồng nghĩa môi trường tiếp tục bị bức tử???

Qua trao đổi, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc khẳng định: “Công ty TNHH Nông nghiệp Phúc Hòa phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh, hết thời hạn cho phép nếu không khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường, huyện sẽ kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

Xem thêm
Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.