Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn đầu Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vừa đến thăm, làm việc tại Dự án Tổ hợp sản xuất, chế biến nông sản hữu cơ tại xã Phong Thu (Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) do Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm làm chủ đầu tư.
Đoàn làm việc còn có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến; Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên- Huế Phan Ngọc Thọ.
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm cho biết, Dự án Tổ hợp sản xuất, chế biến nông sản hữu cơ tại xã Phong Thu được đầu tư trên tổng diện tích 15ha, với tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng.
Đây là tổ hợp các dự án nhà máy sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi, nhà máy xay xát, sản xuất lợn giống, lợn nái và lợn thịt. Hiện, công ty đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để có thể đưa trại chăn nuôi lợn theo công nghệ Nhật Bản vào hoạt động trong tháng 7/2020; các dự án còn lại cố gắng hoàn thành trong năm 2021.
Khu nuôi lợn theo công nghệ an toàn sinh học (ATSH) trên diện tích 2 ha, phân thành 3 dãy chuồng với khoảng 1.500m2/dãy; 1 dãy chuồng lợn nái (nuôi 100 nái); 2 dãy chuồng nuôi lợn thịt (mỗi dãy 60 ô nuôi). Chuồng nuôi được thiết kế hở thuận theo tự nhiên có cải tiến “đông ấm, hè mát”. Phần lớn diện tích mỗi ô đều được dùng đệm lót, máng ăn, uống tự động. Mỗi con lợn chỉ tiêu tốn khoảng 3- 4 lít nước mỗi ngày để uống. Nơi này, áp dụng công nghệ tiến nhất trên thế giới trong quản lý môi trường trong chăn nuôi nên không có mùi hôi và nước thải.
Cùng với đó, công nghệ nuôi vi sinh trong ATSH cũng được áp dụng như: Sử dụng vi sinh bổ sung vào thức ăn, nước uống nên phòng chống được dịch bệnh cho vật nuôi. Men vi sinh trong đệm lót và phun sương bao phủ toàn bộ chuồng nuôi, vì thế vi sinh vật gây bệnh không thắng được vi sinh vật có lợi để tấn công vật nuôi.
Tập đoàn Quế Lâm đã cùng người nông dân phát triển vùng nguyên liệu để đảm bảo nguồn thức ăn hữu cơ, thức ăn được bổ sung vi sinh vật, phù hợp với từng giai đoạn của lợn nuôi như: Tăng trọng nhanh, chất lượng thịt cao; nguồn nước uống cho heo luôn đảm bảo sạch sẽ và được bổ sung vi sinh vật khi cần thiết (khi bị ốm, sốc nhiệt...).
Đặc biệt, lợn giống được tự chọn nhân giống phù hợp với từng địa phương và được nuôi dưỡng đảm bảo lợn con giống sạch bệnh, đủ tiêu chuẩn làm giống phục vụ phát triển chăn nuôi ATSH, hữu cơ.
Ông Nguyễn Hồng Lam- Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm cho biết: Quy mô đầu tư dự án trại chăn nuôi heo theo công nghệ Nhật Bản với công suất thiết kế 5.000 con heo nái/năm và 10.000 con heo thịt.
“Với mô hình chăn nuôi ATSH của Tập đoàn Quế Lâm, người chăn nuôi luôn có đầu vào và đầu ra ổn định, có lãi; không ô nhiễm môi trường; an toàn dịch bệnh; chất lượng thịt cao; cung cấp nguồn phân hữu cơ chất lượng cao cho trồng trọt. Đặc biệt, giá thành sẽ luôn ổn định và phù hợp với người tiêu dùng”, ông Lam khẳng định.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, mô hình chăn nuôi ATSH của Tập đoàn Quế Lâm được Bộ NN-PTNT đánh giá cao. “Đây được xem là trung tâm cho bà con học tập, vừa học trực tiếp vừa huấn luyện, nếu mô hình này được nhân rộng sẽ đảm bảo an sinh xã hội cho hàng triệu hộ dân”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Đồng thời, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT hi vọng với bề dày kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, Tập đoàn Quế Lâm sẽ có thêm nhiều mô hình độc đáo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đã đạt được của Tập đoàn Quế Lâm thời gian qua; đồng thời khẳng định, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, ATSH là hướng đi phù hợp nhằm chấm dứt tình trạng chăn nuôi ô nhiễm trong khu vực dân cư để đảm bảo môi trường không bị ô nhiễm, giảm thiệt hại khi dịch bệnh xảy ra.
"Đây là mô hình với phương pháp chăn nuôi an toàn, hiệu quả; với việc tạo ra những con giống khỏe, giống tốt; có thể chống chọi được dịch bệnh và đặc biệt là việc đảm bảo vệ sinh, môi trường", Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá về mô hình chăn nuôi của Tập đoàn Quế Lâm.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Thừa Thiên- Huế tiếp tục tạo điều kiện để doanh nghiệp đảm bảo tiến độ triển khai dự án, nghiên cứu hướng đến mở rộng quy mô nhằm hình thành vùng sản xuất, chế biến nông sản hữu cơ lớn, có thương hiệu, thúc đẩy sản xuất phát triển nông nghiệp của địa phương theo hướng bền vững, an toàn.