Ngày 10/1, tại UBND xã Minh Hòa (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang phối hợp với Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI), Trường Đại học Cần Thơ khai giảng lớp tập huấn về kỹ thuật trồng nấm rơm và trình diễn mô hình kinh tế tuần hoàn từ rơm. Tham dự lớp tập huấn có 30 cán bộ tổ khuyến nông cộng đồng huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Hòn Đất, An Biên và 10 hộ nông dân tại huyện Châu Thành, Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang).
Lớp tập huấn được tổ chức thành nhiều ngày theo quy trình của vụ trồng nấm rơm, kết hợp thực hành, các học viên được PGS.TS Lê Vĩnh Thúc, Khoa Khoa học cây trồng (Trường Đại học Cần Thơ) hướng dẫn kỹ thuật ủ rơm, chất rơm thành dòng, cấy meo và chăm sóc để nấm phát triển, thu hoạch… Quy trình sản xuất nấm rơm được hướng dẫn trồng dưới bóng râm thoáng mát (sân vườn quanh nhà), trồng dưới ánh sáng trực tiếp như nền ruộng, đất liếp trồng rau màu. Yêu cầu nơi trồng phải thoát nước tốt khi tưới hay trời mưa. Nếu có điều kiện, tốt nhất nên đầu tư làm nhà trồng nấm để hạn chế những tác động bất lợi của môi trường.
Bà Trần Thị Cẩm Nhung, điều phối viên Dự án Kinh tế tuần hoàn từ rơm của IRRI cho biết, trồng nấm rơm là một trong những hoạt động được lựa chọn phổ biến để xử lý rơm rạ sau thu hoạch lúa, tạo việc làm và mang lại hiệu quả kinh tế. Là nước sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40 triệu tấn rơm được thải ra sau các mùa vụ thu hoạch lúa. Giải pháp của nông dân chủ yếu là đốt đồng, gây ô nhiễm môi trường hoặc rơm ướt, ngập nước thì bỏ luôn tại ruộng để tự phân hủy, gây phát thải khí nhà kính, ngộ độc hữu cơ cho vụ lúa tiếp theo.
Thực hiện Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt, yêu cầu phải di chuyển rơm rạ ra khỏi đồng ruộng. Hiện IRRI đã nghiên cứu nhiều giải pháp xử lý rơm rạ, mang lại giá trị gia tăng như: Làm nguyên liệu chế biến nhựa sinh học; ủ chua làm thức ăn cho gia súc; trồng nấm rơm, phối trộn làm phân bón hữu cơ; phủ gốc cây, mặt liếp trong sản xuất nông nghiệp… Việc trình diễn mô hình kinh tế tuần hoàn từ rơm và tập huấn cho tổ khuyến nông cộng đồng tại Kiên Giang sẽ giúp chuyển giao kỹ thuật, nhân rộng mô hình ra các tổ chức nông dân trong thời gian tới.