| Hotline: 0983.970.780

'Tổ quốc tôi' của Lê Quang Sinh

Thứ Bảy 17/09/2022 , 07:18 (GMT+7)

Biết nhà thơ xứ Thanh Lê Quang Sinh từ lâu, nhưng đây là lần đầu tiên tôi đọc có 'hệ thống' thơ của anh, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Empty

Nhà thơ Lê Quang Sinh.

Anh vừa tặng tôi một lúc 3 tập, “Dâm bụt vườn hoang” (năm 2013); “Lý do cho mỗi thiên thần” (năm 2016) và “Phúc tường” (năm 2020). Cứ 3 - 4 năm, nhà thơ Lê Quang Sinh in một tập. Thời gian đủ để tác giả “nâng lên đặt xuống”, loại không thương tiếc những bài chưa đáng để in. Đó là cách đối xử có trách nhiệm với mình, với thơ và bạn đọc.

“Phúc tường”, tập thơ gần đây nhất của Lê Quang Sinh, gồm 49 bài. Đề tài đa dạng, từ tình yêu cho đến thân phận. Những ngày này cả nước đang ngập trong cảm xúc của Mùa thu Tháng tám - mùa thu cách mạng, nên tôi chọn bài “Tổ quốc tôi” của Lê Quang Sinh, đọc trước.

Cũng xin nói rằng, ai cũng có một người mẹ sinh ra và một Tổ quốc. Người mẹ mang nặng đẻ đau, không thay thế được. Bây giờ thời hội nhập, thời “công dân toàn cầu”, con người có thể chọn nơi sinh sống, lập nghiệp; tuy nhiên, Tổ quốc với tư cách là đất Mẹ cũng không thay thế được. Tổ quốc luôn là niềm tự hào của bất cứ người dân nào. Hãy nhớ lại, máu đào của hàng triệu liệt sỹ đã ngã xuống để hiểu về Tổ quốc. Hãy xem những trận bóng đá quốc tế có đội tuyển Việt Nam tham gia, dù tổ chức ở sân bãi các nước để hiểu về Tổ quốc.

Cũng xin nói thêm rằng, đất nước, Tổ quốc là đề tài muôn thuở của bất kỳ tác giả nào, bất kỳ loại hình nghệ thuật nào. Có thể các bài thơ không có tên Tổ quốc nhưng từ trước đến nay, nhiều bài thơ như “Nước non ngàn dặm” của Tố Hữu, “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi, “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm, “Bài học đầu cho con” của Đỗ Trung Quân, “Người đi tìm hình của nước” của Chế Lan Viên, “Thơ tình người lính biển” của Trần Đăng Khoa, “Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến... là những bài thơ thành công về Tổ quốc. Tuy nhiên, “Tổ quốc tôi” của Lê Quang Sinh vẫn tạo ra được những “xung chấn” tâm hồn khác biệt.

...

Tổ quốc tôi cong cong hình chữ S

Sóng biển Đông dào dạt suốt chiều dài

Nắng đủ ngọt để heo may làm mật

Ngày tịch điền vua cởi bỏ cân đai.

Nếu như câu 1 và câu 2 của khổ thơ thứ hai là cách nhìn từ hiện thực Tổ quốc, thì câu thứ 3 thật giàu chất thơ “nắng đủ ngọt để heo may làm mật” và câu thứ 4 là quan hệ vua tôi gắn bó từ trong lịch sử của một đất nước lấy nông dân làm trọng “Ngày tịch điền vua cởi bỏ cân đai”. Đó cũng là cội nguồn sức mạnh của một dân tộc “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận”, làm nên “Hào khí Đông A” đáng tự hào, trong lịch sử.

...

Rồng hạ sơn hóa sông dài biển rộng

Bóng hạc bay rợp mặt trống đồng

Chung bọc trứng Âu cơ, chung một ngày giỗ chạp

Tổ quốc là giàn cho bầu bí leo chung.

Chỉ bằng 4 câu thơ của khổ thứ 5, nhà thơ Lê Quang Sinh đã vẽ nên cả một vùng huyền thoại, vùng dã sử... của một đất nước 4.000 năm văn hiến. Đó là văn hóa. Không có một đất nước nào trên thế giới có ngày Quốc giỗ và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Empty

Các tác phẩm của nhà thơ Lê Quang Sinh.

Trong lịch sử xâm lược của đế quốc thế giới, Việt Nam đã từng chiến thắng nhiều kẻ thù hung bạo. Việt Nam còn nghèo, thiếu súng đạn; nhưng lòng yêu nước luôn trở thành “vũ khí”.

Robert McNamara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, người can dự vào cuộc chiến ở Việt Nam qua hai đời Tổng thống Mỹ Kennedy và Johnson, 20 năm sau trong hồi ký "Nhìn lại quá khứ: tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam" đã nêu ra 11 nguyên nhân khiến Mỹ thất bại, trong đó có việc Mỹ đã "đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó" và điều đó theo ông ta chính là sự "phản ánh sự thiếu hiểu biết cơ bản của chúng ta (tức là Mỹ) về lịch sử văn hóa, chính trị" của nhân dân Việt Nam.

“Tổ quốc là giàn cho bầu bí leo chung”, chính là văn hóa, truyền thống nhân ái Việt Nam, “Thương người như thể thương thân” (ca dao).

...

Xóm làng cho ta bao nhiêu nồng ấm

Trái thị thơm có bị bà chở che

Có thể bây giờ em chưa tìm thấy mẹ

Nhưng Tổ quốc đây rồi nhân hậu, lớn lao.

Nhà thơ Lê Quang Sinh tâm sự, khổ thơ này, xuất hiện khi anh biết đến một sự thật: có một công dân Hoa Kỳ, về Việt Nam để tìm người mẹ đã sinh ra mình, nhưng thất lạc do hoàn cảnh lịch sử trước năm 1975. Ông chưa tìm thấy, nhưng về Việt Nam, ông được bọc đùm, nghĩa tình người Việt cưu mang, “Nhưng Tổ quốc đây rồi, nhân hậu, lớn lao”.

....

Tổ quốc dù đi đâu về đâu cũng nặng nghĩa đồng bào

Người lên núi cho chữ, người xuống biển cho phao

Dìu nhau qua đói nghèo mở lòng cùng bè bạn

Không người nào bị bỏ lại phía sau!

Cám ơn những anh hùng áo blouse giữa đại dịch Covid

Thêm một lần - Việt Nam chính là nguồn cảm hứng

Là những mẹ già giọt nước mắt lau khô cả đời chỉ biết cho không bao giờ biết nhận

Tổ quốc tôi như sen ngát trong đầm!

Nhà thơ Lê Quang Sinh cho biết, ông viết và hoàn thành bài thơ này trong những ngày cao điểm của “làn sóng thứ tư” Covid-19, đặc biệt là điểm nóng ở TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam. Không chỉ các người lính, y, bác sỹ cũng ra tuyến 1 của cuộc chiến, chống lại “kẻ thù” phi truyền thống là dịch bệnh.

Cho đến bây giờ anh vẫn ám ảnh bởi những hành động các cụ già đóng góp tiền lương hưu, các em bé theo cha mẹ vào rừng lấy măng về chế biến thực phẩm gửi vào cho đồng bào vùng tâm dịch. Tổ quốc lúc đó là những cửa hàng rau 0 đồng, suất cơm... dành cho khu cách ly; ấm áp tình người trong hoạn nạn.

“Tổ quốc tôi” của nhà thơ Lê Quang Sinh là một bài thơ dài, gồm 14 khổ, 56 câu. Nhưng nếu chưa tính về số lượng, đọc “Tổ quốc của tôi”, từng khổ một (4 câu) đã mở ra biên độ cảm xúc lớn. Trong bài thơ có truyền thống, hiện tại và tương lai của sự kết nối, của sức mạnh. Trong bài thơ “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi” thời “vóc thơ ngang tầm chiến lũy” (Chế Lan Viên), nhà thơ Nam Hà đã có hai câu thơ như một tuyên ngôn thế hệ: “Ôi! Tổ quốc mà ta yêu quý nhất / Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi!”. Lê Quang Sinh là thế hệ hậu chiến, tuy nhiên, anh có cái nhìn trân quý:

...

Các anh chiến đấu cho núi rộng sông dài

Cho biển đảo thiêng liêng không thể tách rời

Anh quấn cờ Tổ quốc quanh mình nhắc đời sau bất khuất

Hóa cột mốc người để Tổ quốc trường sinh.

Đọc khổ thơ này, không ai không biết nghiêng mình trước anh linh những người đã ngã xuống vì Tổ quốc với ý nghĩa giữ gìn không gian văn hóa, không gian sinh tồn của người Việt; chủ quyền và quyền chủ quyền của Tổ quốc. Điều này thật có ý nghĩa khi trên thế giới đang diễn ra những biến động địa chính trị khó lường nhất.

“Tôi đi từ Đông sang Tây / Từ Nam chí Bắc/ Ngang dọc địa cầu / Nhưng không nơi nào tôi yêu bằng Tổ quốc”, đây là 4 câu thơ nhà thơ Lê Quang Sinh sử dụng hai lần, ở khổ 1 và khổ 13 (áp chót). Thực ra đây là kiểu cấu trúc song trùng đã có trong ca dao; ở bài thơ này là song trùng về mặt bố cục, phương diện hình thức của cấu trúc tứ thơ. Lê Quang Sinh mở và thắt thay cho khẳng định.

...

Tổ quốc tôi cong cong hình chữ S

Sóng biển Đông dào dạt suốt chiều dài

Khi ta đứng áp tay mình lên ngực

Tổ quốc hiện về trong dáng rồng bay...

Đọc “Tổ quốc của tôi” của Lê Quang Sinh phải đi từ tầng ngôn ngữ đến tầng hình tượng, từ đó mới dần tìm ra tầng hàm nghĩa của văn bản. Nó giúp người đọc hiểu được những điều nhà thơ muốn nói, những “tấc lòng” mà nhà thơ muốn kí thác. Đó cũng là giá trị thẩm mỹ, giá trị tư tưởng của bài thơ “Tổ quốc tôi”.

Xem thêm
Man.City tìm lại cảm giác chiến thắng

Man 'xanh' bắt đầu lấy lại phong độ và quyết không bỏ cuộc khi giành thêm chiến thắng tại vòng 20 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025.

Quảng Ninh thưởng tiền vệ Nguyễn Hai Long gần 500 triệu đồng

Với thành tích xuất sắc trong đội hình đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam tại ASEAN Cup 2024, tiền vệ Nguyễn Hai Long được tỉnh nhà Quảng Ninh thưởng lớn.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.