| Hotline: 0983.970.780

Toàn cảnh nguồn cung lúa mì thế giới 'hậu xung đột Nga- Ukraine'

Thứ Sáu 27/05/2022 , 11:33 (GMT+7)

Nga và Ukraine vốn chiếm 29% lúa mì xuất khẩu thế giới. Nhưng khi nổ ra xung đột, các nhà nhập khẩu phải đi tìm nguồn cung mới như Úc, Ấn Độ và Nam Mỹ.

Nông dân bang Punjab, Ấn Độ thu hoạch lúa mì hồi tháng 4/2022. Ảnh: AFP

Nông dân bang Punjab, Ấn Độ thu hoạch lúa mì hồi tháng 4/2022. Ảnh: AFP

Hiện Úc đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ ba thế giới kể từ đầu năm 2022. Dự kiến khối lượng xuất khẩu lúa mì của Úc ​​sẽ tăng gấp ba lần, lên hơn 1 tỷ giạ trong năm nay so với niên vụ 2019-20.

Ấn Độ sau khi tuyên bố “đứng ngoài thị trường xuất khẩu”, dự kiến quốc gia Nam Á ​​sẽ kết thúc năm nay chỉ với tư cách là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ tám thế giới. Đợt nắng nóng vừa qua đã gây ra căng thẳng hạn hán khiến chính phủ Ấn Độ bất ngờ cấm xuất khẩu lúa mì vào giữa tháng 5 trong nỗ lực đảm bảo nguồn cung trong nước. Hiện chính phủ đã nới lỏng lệnh cấm phần nào, nhưng các hành động này đủ để làm tăng thêm nỗi lo sợ về tình trạng thiếu hụt nguồn cung tiềm năng đối với thị trường lương thực thế giới.

Trong 5 năm qua, các khu vực sản xuất lúa mì lớn, bao gồm EU, Mỹ, Canada và Úc chiếm khoảng 50% lượng xuất khẩu lúa mì của thế giới, cộng với Argentina đóng góp thêm 7%. Tuy nhiên, triển vọng nguồn cung lúa mì trong tương lai đối với các nước này vẫn còn là một ẩn số.

Cụ thể, tình trạng lúa mì mùa đông của Mỹ bị ảnh hưởng bởi hạn hán dự báo phải đối mặt với một “cuộc chiến khó khăn” để tạo ra sản lượng theo xu hướng. Việc gieo trồng chậm trễ trong vụ lúa mì mùa xuân cũng có thể dẫn đến năng suất thấp hơn, chưa kể chi phí vận chuyển tăng cao khiến nước này trở thành lựa chọn cuối cùng cho những người mua quốc tế đang đói hàng. Sự thiếu hụt sản lượng trong mùa hè này có thể ngăn cản tiềm năng xuất khẩu trong tương lai của Mỹ.

Brazil - quốc gia thường nhập khẩu nguồn cung lúa mì từ nước láng giềng Argentina - dự kiến ​​sẽ tăng gần gấp ba lần xuất khẩu lúa mì trong năm nay. Các ưu đãi về xuất khẩu và thời tiết ở Brazil và Argentina từ 2022-23 sẽ có thể kích hoạt nông dân mở rộng diện tích. Tuy nhiên việc này cũng không hề dễ dàng bởi họ sẽ phải đối mặt với giá vật tư đầu vào tăng cao, cũng như các lựa chọn cây trồng thay thế cạnh tranh khác, đặc biệt là ngô.

Tính đến giữa tháng 4 năm nay, chỉ có khoảng 62% diện tích lúa mì vụ đông của Ukraine được xuống giống, dự kiến ​​sẽ được thu hoạch vào mùa hè này. Điều đó sẽ khiến lúa mì của Nga và EU trở thành những lựa chọn hàng đầu cho các nhà nhập khẩu trong thời gian tới.

Các vụ lúa mì của EU bắt đầu vào mùa xuân trong điều kiện tương đối thuận, ngoại trừ đợt khô hạn đối với nhà sản xuất hàng đầu Pháp đã tạo ra thêm mối lo ngại về triển vọng xuất khẩu lúa mì của khu vực trong năm 2022/23.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, xuất khẩu lúa mì niên vụ mới của EU sẽ tăng 16% trong năm tới lên 1,32 tỷ giạ do các nhà nhập khẩu toàn cầu ngày càng phụ thuộc vào lúa mì EU. Nhưng điều đó không có nghĩa là EU sẽ thay thế Nga trở thành nhà xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới. Hiện các vụ lúa mì của Nga đang ở trong tình trạng tốt, và một số nhà dự báo đang ám chỉ về sản lượng lúa mì của Nga ở mức kỷ lục trong mùa hè này.

Dmitry Rylko, người đứng đầu hãng tư vấn nông nghiệp của IKAR, kỳ vọng vụ lúa mì Nga năm 2022 sẽ đạt 3,12 tỷ giạ.  Nếu dự báo của IKAR sát thực tế thì đây sẽ là vụ được mùa theo sau vụ mùa năm 2020 (3,14 tỷ giạ) và năm 2017 (3,13 tỷ giạ), đồng nghĩa là vụ lúa mì lớn thứ ba của Nga, có thể sẽ giúp nguồn cung lúa mì xuất khẩu của Nga gia tăng khối lượng, bất chấp các lệnh trừng phạt kéo dài.

Điều đó có nghĩa là áp lực thắt chặt nguồn cung đối với khu phức hợp lúa mì toàn cầu có thể giảm trong những tuần tới, đặc biệt là khi ngày càng nhiều quốc gia nhập khẩu lương thực tìm kiếm kẽ hở xung quanh các lệnh trừng phạt để mua nguồn cung lúa mì từ Nga.

Theo tính toán của USDA niên vụ 2022/23, Ukraine sẽ có tác động không tốt đến thị trường ngũ cốc và hạt có dầu trong năm nay. Trong khi đó, dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 2022/23 của nước này thấp hơn gần 423 triệu giạ (-35%), giảm xuống còn 790 triệu giạ.

Hôm thứ Sáu tuần trước Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine Mykola Solskyi cho biết, một nửa diện tích lúa mì vụ đông của Ukraine hiện đang nằm trong các khu vực bị Nga bao vây hoặc trong vùng chiến sự. Do đó, nguồn xuất khẩu của Ukraine có thể sẽ ít hơn đáng kể so với năm ngoái, khiến nguồn cung ngũ cốc và hạt có dầu toàn cầu càng bị thắt chặt hơn.

Là nước mua ngũ cốc lớn nhất thế giới, Trung Quốc có thể dễ dàng chuyển hướng nhập khẩu lúa mì sang Nga và từ bỏ các đối tác EU, Mỹ, Canada và Australia. Số là trước đó, ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga đã úp mở rằng: Moscow sẽ “không phải nghĩ” trong việc chia sẻ nguồn cung lương thực với các đồng minh thân thiết. “Chúng tôi sẽ chỉ cung cấp thực phẩm và nông sản cho bạn bè của chúng tôi. May mắn thay, chúng tôi có rất nhiều người trong số họ, và họ không ở châu Âu hay Bắc Mỹ”, ông Medvedev nói.

(Farmprogress)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.