| Hotline: 0983.970.780

Tội ác ẩn nấp trong những con gió mùa: [Bài 5] Phải từ chối chim trời là một món ăn!

Thứ Bảy 27/01/2024 , 12:14 (GMT+7)

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nam Định nói: 'Muốn xóa bỏ tận gốc nạn bẫy bắt chim hoang dã, chim di trú, con người phải từ chối chim trời là một món ăn'.

Tổng lực các biện pháp bảo vệ chim hoang dã

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN-PTNT Nam Định) Mai Quang Tuấn thẳng thắn: “Khi những nhà hàng thịt thú rừng, chim trời còn tồn tại thì nạn săn bắn, bẫy bắt chim hoang dã vẫn không thể nào chấm dứt. Chỉ khi nào con người từ chối chim trời là một món ăn, khi đó mới có thể ngăn chặn từ gốc tình trạng này”.

Ông Tuấn lấy ví dụ về đất nước Hàn Quốc: “Đất nước này trước đây thịnh hành và phổ biến món ăn thịt chó. Tuy nhiên, vài năm gần đây, người dân Hàn Quốc nói không với thịt chó, không sử dụng thịt chó làm món ăn, họ đã từ bỏ được thói quen này. Bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ chim trời, trước tiên phải từ sự thay đổi trong nhận thức của con người”.

Nam Định chỉ đạo quyết liệt, tổng lực các biện pháp bảo vệ chim hoang dã.

Nam Định chỉ đạo quyết liệt, tổng lực các biện pháp bảo vệ chim hoang dã.

Trước thực trạng người dân tự phát bẫy bắt chim trời, chim di trú, ngành chức năng của Nam Định yêu cầu các địa phương phối hợp với lực lượng chức năng (Kiểm lâm, Quản lý thị trường, Công an…) tăng cường các biện pháp để xử lý triệt để, bảo vệ động vật hoang dã trong đó có những loài chim di cư để đảm bảo yếu tố đa dạng sinh học.

Ngày 17/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 04 về một số nhiệm vụ, giải pháp bảo cấp bách bảo tồn các loài chim hoang dã, chim di cư tại Việt Nam. Ngay sau đó, ngày 6/6/2022, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành chỉ đạo số 384 về các giải pháp, nhiệm vụ cấp bách để bảo tồn chim hoang dã, chim di cư trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Ngày 15/9/2023, Cục Kiểm lâm (Bộ NN-PTNT) ban hành văn bản số 568; ngày 27/9/2023, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nam Định ban hành văn bản số 178 để triển khai cụ thể các nhiệm vụ.

Ngoài các giải pháp tình thế là tuần tra, kiểm soát, giải cứu các cá thể chim hoang dã bị bẫy bắt...

Ngoài các giải pháp tình thế là tuần tra, kiểm soát, giải cứu các cá thể chim hoang dã bị bẫy bắt...

Theo đó, nhiệm vụ được giao cho các Hạt Kiểm lâm trực thuộc xây dựng kế hoạch hành động, phối hợp với chính quyền địa phương các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy - những nơi có rừng ngập mặn và là địa điểm chim di trú hay tìm về.

Lực lượng kiểm lâm tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các hành vi săn bắt, bẫy, bắn, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ trái phép các loài chim hoang dã, di cư. Đặc biệt là kiểm soát, ngăn chặn triệt để hành vi bán chim dạo trái phép bằng xe máy trên các tuyến đường. Thực thi nghiêm các quy định bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài chim nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, chủ động đấu tranh, tố giác các đối tượng vi phạm.

Tịch thu, tiêu hủy các tang vật của người vi phạm, giải pháp căn cơ, đó là thay đổi nhận thức của con người.

Tịch thu, tiêu hủy các tang vật của người vi phạm, giải pháp căn cơ, đó là thay đổi nhận thức của con người.

Đó là lý do, các cuộc tuần tra, kiểm soát của Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải của Hạt trưởng Đỗ Huy Thông luôn có yếu tố bất ngờ, không báo trước; các cuộc mật phục luôn diễn ra vào lúc 4h sáng để các đối tượng bẫy bắt chim trời không kịp trở tay, xóa dấu vết, tẩu tán tang vật phạm tội. Bên cạnh đó, Nam Định cũng yêu cầu các cơ sở kinh doanh trên địa bàn ký cam kết và giám sát việc không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo mẫu vật động vật hoang dã không đảm bảo nguồn gốc hợp pháp và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức, cơ sở kinh doanh có các hành vi vi phạm.

Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp theo dõi, phát hiện các bệnh dịch có nguồn gốc từ chim hoang dã, di cơ có nguy cơ lây lan, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi để kiểm soát, quản lý hiệu quả.

Phải bảo vệ “ngôi nhà” cho chim di cư trú 

Theo ông Mai Quang Tuấn, ngoài những giải pháp mang tính tình thế như trên, việc bảo vệ môi trường sống, ngôi nhà tự nhiên để chim hoang dã có không gian, điều kiện phát triển, là nơi thu hút chúng tìm về di trú theo mùa cũng là một giải pháp mang tính căn cơ, lâu bền.

'Xóa bỏ bẫy bắt chim hoang dã, phải từ chối chim trời là một món ăn hay là thú chơi tiêu khiển' - ông Mai Quang Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nam Định.

"Xóa bỏ bẫy bắt chim hoang dã, phải từ chối chim trời là một món ăn hay là thú chơi tiêu khiển" - ông Mai Quang Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nam Định.

“Quá trình phát triển kinh tế gắn liền với bê-tông hóa đã làm mất đi sinh cảnh sống của chim hoang dã. Đô thị, khu công nghiệp, nhà máy, những ống khói xả thải lên bầu trời… làm sao còn chỗ cho chim trú ngụ. Các dự án lấn biển, các công trình xây dựng… đã san lấp khu vực sống tự nhiên làm mất đi nguồn thức ăn cũng là lý do khiên chim di cư không thể tìm về”, ông Tuấn thẳng thắn.

Ngay như tại VQG Xuân Thủy, ông Tuấn cho rằng cần minh định rõ các khái niệm “bảo tồn” đa dạng sinh học và khai thác, phát triển kinh tế du lịch bên trong VQG. “Không thể phát triển du lịch, xây dựng khu ăn nghỉ cho khách du lịch tại vùng bảo tồn đa dạng sinh học, vì như thế rõ ràng là cạnh tranh với môi trường sống của các loài chim di cư. Chim hoang dã luôn tránh xa những khu vực có con người xuất hiện, đó là đặc tính, bản năng của chúng”.

Năm 2023, ông Mai Quang Tuấn là người trực tiếp xây dựng đề tài có tên: “Nghiên cứu giải pháp đồng bộ tăng cường công tác bảo vệ chim hoang dã, chim di cư trên địa bàn tỉnh Nam Định” để tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Nam Định lần thứ IX do Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Nam Định tổ chức, và được trao giải.

 
 
VQG Xuân Thủy ghi nhận, những năm gần đây lượng chim về vườn trú ngụ có chiều hướng tăng lên.

VQG Xuân Thủy ghi nhận, những năm gần đây lượng chim về vườn trú ngụ có chiều hướng tăng lên.

Trong các tham vấn của mình, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nam Định trình bày 3 nhóm giải pháp căn cơ: Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho người dân về bảo vệ chim hoang dã, chim di cư bằng nhiều hình thức như trên các phương tiện thông tin đại chúng; in ấn và cấp phát tờ rơi; truyền tải các thông điệp bằng phóng sự, bản tin; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về chim hoang dã; đưa vào trong quy ước của cộng đồng dân cư, hương ước làng, xã… để có tính răn đe, giám sát từ trong mỗi cộng đồng nhỏ nhất…

Thay đổi từ trong nhận thức là cách bền lâu, hiệu quả nhất để mỗi người không thực hiện hành vi săn bắt, bẫy, bắn, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ, sử dụng chim hoang dã. Mỗi người sẽ là một kênh thông tin tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ chim hoang dã, chim di cư.

Thứ hai, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan thừa hành pháp luật (Kiểm lâm, Công an, Quản lý thị trường, Biên phòng…) để phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Thứ ba, giải pháp căn cơ từ trong công tác quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển các khu sinh thái tự nhiên như Ramsar VQG Xuân Thủy, các khu rừng ngập mặn; bảo tồn hệ sinh thái đa dạng sinh học để tạo sinh cảnh, môi trường sống tự nhiên, bền vững trong đó có đất ngập nước, rừng ngập mặn và những loài thủy sinh… là nơi trú ngụ, là nhà của các loài chim hoang dã, chim di cư.

“Các loài chim hoang dã, chim di cư đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới. Dọc đường chim bay đi, các quốc gia, lãnh thổ cần có trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn. Ngay như trong lãnh thổ Việt Nam chúng ta, chim di trú đến VQG Xuân Thủy nhưng hành vi bẫy, bắt lại xảy ra ở các tỉnh trên đường chúng bay về, như vậy, cần thiết có sự liên kết, liên minh ở phạm vi liên tỉnh, liên vùng, liên quốc gia, coi nhiệm vụ bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ chim di trú là nhiệm vụ chung… Như vậy mới có thể giữ gìn, bảo tồn được sự đa dạng sinh học và giống loài của chúng”, ông Tuấn bày tỏ.

Thông tin từ VQG Xuân Thủy, với các giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc quyết liệt, thực chất của các ngành chức năng, đặc biệt là vai trò của lực lượng kiểm lâm (như Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải), trong những năm gần đây lượng chim về khu vực VQG Xuân Thủy trú ngụ có chiều hướng tăng lên. Dễ dàng ghi nhận nhiều loài chim quý hiếm như loài rẽ mỏ thìa, vịt đầu đen, choắt lớn mỏ vàng, rẽ lớn ngực đốm; loài hiếm gặp như ngỗng trời cũng đã ghi nhận lại. Đặc biệt, theo ghi nhận, quần thể loài cò thìa tại VQG Xuân Thủy tăng lên gấp đôi so với 10 năm trước. Mới nhất, vào ngày 27/12/2023 ghi nhận 101 cá thể tại VQG Xuân Thủy. Đây là những đấu hiệu tích cực ghi nhận được trong những nỗ lực bảo tồn chim tại VQG Xuân Thủy.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Khánh thành nhà máy chiếu xạ hiện đại tại tỉnh Hậu Giang

Ngày 24/11, Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên Logistics (đặt tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành) chính thức khánh thành nhà máy chiếu xạ công suất 1.000 tấn/ngày đêm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Mưa lớn, nhiều nơi ở Quảng Ngãi bị ngập sâu, chia cắt

Mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về khiến nước các con sông ở tỉnh Quảng Ngãi dâng cao, gây ngập lụt một số khu dân cư và chia cắt giao thông.