Nguyễn Thị Thu Trang (sinh năm 1990) đang có công việc và thu nhập ổn định tại một công ty ở TP.HCM, nhưng chị vẫn quyết định về quê ở xã Tân An, huyện Đăk Pơ (tỉnh Gia Lai) để khởi nghiệp.
Từ một cô sinh viên nghèo, tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học ở Đại học Nông lâm TP.HCM, năm 2012, Thu Trang vào làm việc tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM. Tại đây, Trang vừa làm, vừa học để lấy bằng thạc sỹ chuyên ngành công nghệ sinh học. Để thay đổi môi trường làm việc cũng như thử sức mình, Trang lại đầu quân sang làm cho Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Nông nghiệp Anh Đào.
“Được làm việc trong một môi trường năng động, có thu nhập ổn định, nhưng em vẫn cứ đau đáu muốn làm một điều gì đó, trên chính mảnh đất quê hương mình”, Thu Trang nói. Vậy là năm 2017, Trang quyết định về quê, thuê đất trồng đinh lăng cùng một số loại cây dược liệu khác như sâm bố chính, hà thủ ô…
Với số vốn lận lưng ít ỏi, kinh nghiệp kinh doanh gần như chưa có gì, đó là thách thức lớn trong hành trình khởi nghiệp của Trang. Song bù vào đó là sự tâm huyết, khát khao đưa những sản phẩm địa phương đến với thị trường trong và ngoài nước… đã tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho cô gái ở vùng quê nghèo khó này.
“Ở cao nguyên có khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, có nhiều cây dược liệu, là một “kho thuốc" từ vườn nhà cho đến những cánh rừng già. Điều này đã cho em có thêm niềm tin và quyết tâm mang cả hương vị, sản vật từ đồng đất quê hương ra thị trường với những sản phẩm chất lượng, với hương trà, dược liệu… đã thành những sản phẩm có giá trị cao”, Trang tâm sự.
Năm 2018, những sản phẩm thô đầu tiên ra đời, được các đơn vị ký hợp đồng bao tiêu. Tuy nhiên thời điểm này giá sản phẩm thô có giá trị không cao nên Thu Trang quyết định đầu tư chế biến sâu, cho ra sản phẩm mang tên Linh Lăng Trà dưới dạng gói hòa tan, bao gồm các thành phần như đinh lăng, linh chi, dâu tằm, lạc tiên… Theo đó, giá trị sản phẩm cũng dần được tăng lên.
Năm 2022, Công ty TNHH Dược thảo LiLa do Thu Trang làm giám đốc chính thức thành lập và đã có đầu ra khá tốt.
Thu Trang cho biết thêm, hiện công ty có nhiều sản phẩm đưa ra thị trường như trà linh lăng gồm các loại trà như linh chi, đinh lăng, dâu tằm, lạc tiên, linh chi rừng. Bình quân mỗi tháng, Công ty đưa ra thị trường 300kg trà hoà tan các loại như trà bí đao, tam thất, linh lăng; trà thảo mộc như trà bạc hà, hoa cúc. Công ty còn có thêm sản phẩm khá lạ là trà lợi sữa, an kinh dành cho phụ nữ. Sản phẩm được đóng đảm bảo chất lượng nên được người tiêu dùng ưa thích.
Ngoài phát triển diện tích trồng các loại thảo dược, thu mua linh chi rừng để chế biến sâu thành nhiều sản phẩm, Công ty TNHH Dược thảo LiLa còn hợp tác với nông dân để phát triển vùng dược liệu. Riêng cây đinh lăng, Công ty thu mua 5.000đ/kg lá tươi. Năm thứ nhất đã thu lá với khoảng 4 tấn, đến năm thứ hai người dân đã thu cành, nhánh bán với giá 25.000đ/kg và đến năm thứ 3 đã có thể thu rễ, củ.
“Chỉ cần trồng khoảng 2ha đinh lăng, từ năm thứ hai trở đi người dân đã có thu nhập khá. Dự kiến đến năm 2024, công ty em sẽ kết hợp thêm với nông dân để trồng các loại cây dược liệu như đinh lăng, bạc hà…”, Thu Trang cho biết.
Sản phẩm do công ty của Trang trước khi đưa ra thị trường đều được các cộng sự là dược sĩ, bác sĩ y học cổ truyền ở TP.HCM nghiên cứu và đưa đi kiểm định đạt chất lượng. Cũng theo Trang, thị trường cho các dòng sản phẩm này còn dư địa khá tốt để phát triển bởi người dân ngày càng chú ý hơn đến việc chăm sóc sức khoẻ.
Lợi thế nữa là tất cả đều được trồng, khai thác đảm bảo chất lượng, kiểm soát được nguồn nguyên liệu đầu vào. Đấy là xác tín đối với người tiêu dùng. “Năm 2022, sản phẩm trà linh lăng của Công ty đã được công nhận đạt OCOP 3 sao của tỉnh Gia Lai”, Trang vui vẻ cho biết.
Sản phẩm của Công ty được phân phối qua kênh các nhà thuốc, fanpage... Tuy chưa lớn nhưng sản phẩm được tiêu thụ tốt và nhận phản hồi tích cực từ người dùng. Ngoài tự phát triển diện tích dược liệu, Công ty còn tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Năm 2024, Công ty sẽ nghiên cứu mở rộng diện tích trồng dược liệu, giới thiệu thêm sản phẩm ra thị trường.
Ý tưởng khởi nghiệp xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu dược liệu sạch và sản xuất các sản phẩm trà thảo dược hòa tan tại khu vực cao nguyên Kon Hà Nừng của Trang là một trong bốn ý tưởng, dự án khởi nghiệp của Gia Lai vừa lọt vào vòng thi cấp vùng của cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp phát huy tài nguyên bản địa” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động.