| Hotline: 0983.970.780

Chàng trai người Dao ‘hạ sơn’ làm giàu bằng du lịch trải nghiệm

Thứ Năm 08/06/2023 , 06:11 (GMT+7)

11 năm trước, bỏ cày bừa, bỏ trâu, Đặng Văn Hùng liều lĩnh dấn thân vào ngành du lịch, khởi nghiệp bằng 4 cái đệm và 2 nhà vệ sinh.

Góc hồ Ba Bể, nơi có Ba Bể Farmstay của Hùng 'mán'. Ảnh: Tùng Đinh.

Góc hồ Ba Bể, nơi có Ba Bể Farmstay của Hùng "mán". Ảnh: Tùng Đinh.

Hồ Ba Bể đầu hè, cái nắng không bỏng rát nhưng oi ả, ngột ngạt, đứng im một chỗ mà mồ hôi mẹ, mồ hôi con lăn lã chã trên mặt người. Thế nhưng, cái oi ả, ngột ngạt đó gần như biến mất khi đặt chân vào Ba Bể Farmstay của Đặng Văn Hùng, nằm ở gần mé cực tây của hồ Ba Bể. Quan sát nhanh thì thấy, đây là khu nghỉ dưỡng được thiết kế, thi công hài hòa với thiên nhiên với gỗ, cành cây, mái lá và cây xanh. Thế nên chuyện bước vào đã thấy mát cũng dễ hiểu dù từ đây ra mặt hồ chính cũng mất độ 5 phút đi bộ.

Bài liên quan

Cơ ngơi trị giá hàng tỷ đồng này là cơ sở thứ 2 của Hùng ở huyện Ba Bể. Đó cũng là kết quả của 11 năm liều lĩnh, chăm chỉ, khẳng khái trên con đường khởi nghiệp bằng du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng của chàng trai người Dao.

4 cái đệm và 2 nhà vệ sinh

11 năm trước, cũng trong một buổi chiều tháng 5 nắng nóng, Đặng Văn Hùng đang quất trâu đi bừa cho mảnh ruộng của gia đình ở thôn Nà Nghè, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, cách hồ quãng 12 - 13km. Khi ấy, có một đoàn khách Tây đi leo núi (trekking) ngang qua mảnh ruộng của anh, thấy Hùng làm ruộng, họ dừng lại chụp ảnh, quay phim.

Vốn bản tính vui vẻ, thật thà, Hùng mời cả đoàn lên nhà uống nước, cũng may là trong đoàn có hướng dẫn viên người Việt và một ông Tây ở Việt Nam lâu năm nên chuyện giao tiếp không thành vấn đề. “Thấy mình khổ quá, họ mới bảo là sao có cái nhà to rộng thế này mà không tính làm khu homestay cho khách du lịch”, ông chủ 2 cơ sở lưu trú sinh năm 1984 nheo mắt nhớ lại.

Nghe người ta nói thế thì biết thế, chứ lúc đấy homestay, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng vẫn là những cái gì đó rất mơ hồ với chàng trai người Dao chưa đầy 30 tuổi. Dẫu sao, với Hùng đó cũng là gợi mở đáng quý nhất trong cuộc đời, tính đến thời điểm này.

Cũng may mắn là căn nhà của gia đình nằm trên trục đường các đoàn leo núi hay qua lại nên Hùng được gặp nhiều hướng dẫn viên, người dẫn đoàn rồi chủ động học hỏi, lắng nghe lời khuyên của họ.

Dần dần, từ mơ hồ, hoài nghi anh chuyển dần sang tò mò và tự tin. Khi đó, việc đầu tiên để bước chân vào ngành du lịch là phải cải tạo được nhà vệ sinh và khu nhà ở để khách có thể nghỉ lại qua đêm, đặc biệt là với khách Tây, những người vốn yêu thiên nhiên, thích hòa mình vào cây cỏ nhưng chỗ ở, chỗ vệ sinh với họ luôn phải đàng hoàng. Thế nên, năm 2012, ngoài sửa sang nhà cửa, Hùng đầu tư sắm được 4 cái đệm và xây 2 căn nhà vệ sinh tươm tất để bắt đầu đón khách.

Hùng 'mán' tâm sự về hơn 10 năm làm du lịch dưới cơ ngơi bạc tỷ của mình ở thôn Cốc Tộc, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể. Ảnh: Tùng Đinh.

Hùng "mán" tâm sự về hơn 10 năm làm du lịch dưới cơ ngơi bạc tỷ của mình ở thôn Cốc Tộc, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể. Ảnh: Tùng Đinh.

Nói nhanh thì như vậy, nhưng để có được từng ấy thứ là cả một quá trình. Ông chủ Ba Bể Farmstay kể: “Hồi kia nghèo lắm, bố mẹ cho mấy mảnh ruộng nhưng làm cũng chả được bao nhiêu tiền. Muốn làm du lịch nhưng khó lắm. Hết mùa lúa lại lên rừng kiếm măng, về phơi rồi bán, tích tiền sửa nhà”.

Sửa được cái nhà, khách bắt đầu có, sau 2 đoàn khách đầu tiên thì Hùng và gia đình nhận thấy được tiềm năng của hình thức kinh doanh mới mẻ trên vùng núi rừng Bắc Kạn này. Với quyết tâm lớn đó, Hùng và cả nhà đầu tư xây được 2 nhà vệ sinh kiên cố và mua đệm cho khách ngủ lại qua đêm. “Hồi kia muốn xây cái nhà vệ sinh cũng đâu có dễ, đường bé à, vật liệu phải thồ lên bằng xe máy, bằng ngựa nên tính ra lại cũng chả rẻ”, vừa bổ hoa quả mời khách, chủ nhà vừa nhớ về những ngày đầu, giọng có phần chùng xuống.

Thế nhưng, sự chăm chỉ, cầu thị của thanh niên người Dao khiến các công ty lữ hành rất có cảm tình. Một đồn mười, mười đồn trăm, cứ thế họ đưa khách đến Hunghomestay, căn nhà truyền thống của người Dao trên bản Nà Nghè, xã Nam Mẫu của huyện Ba Bể. Để chiều được khách, anh cũng lọ mọ tự học thêm tiếng Anh, đa phần là “học mót” của các hướng dẫn viên có nghề.

Đi đúng hướng, chàng trai người Dao có biệt danh Hùng "mán" bắt đầu nghĩ đến cách mở rộng quy mô, quyết tâm làm giàu từ du lịch trải nghiệm trên quê hương mình. Ngôi nhà nơi anh sinh ra ban đầu chỉ có thể đón được 8 khách, giờ đây đã được cải tạo, nâng cấp thêm giường thêm đệm để 25 người có thể nghỉ qua đêm. Nhưng ở trên núi thôi chưa đủ.

Ba Bể Farmstay nhìn từ trên cao như hòa cùng với thiên nhiên. Ảnh: Tùng Đinh.

Ba Bể Farmstay nhìn từ trên cao như hòa cùng với thiên nhiên. Ảnh: Tùng Đinh.

Liều lĩnh hạ sơn

Hùng là người Dao, mà người Dao phải sống trên sườn núi. Có lẽ từ đời ông, đời cha và xa hơn nữa, chẳng ai trong nhà nghĩ đến chuyện xuống núi. Thế nhưng bước chân vào ngành du lịch rồi Hùng hiểu, phải ở nơi có mặt nước thì mới phát triển được và anh chọn thôn Cốc Tộc, nằm ở phía cực Tây của hồ Ba Bể làm nơi... hạ sơn. “Mình có cái máu liều, may mà vợ con ủng hộ nên cũng phần nào thành công”, người đàn ông trước ngưỡng tứ tuần chia sẻ khi ngồi dưới cơ ngơi bạc tỷ của mình.

Những ngày đầu, làm ruộng làm nương mãi mới đủ tiền sắm đệm, muốn làm cái nhà vệ sinh theo người ta khuyên, hết cỡ 70 triệu đồng mà chẳng biết lấy tiền ở đâu. Bí quá, Hùng hỏi bố mẹ. “Hồi ấy bố còn sống, nói cần tiền làm du lịch, bố mẹ sợ lắm”, tỷ phú người Dao mắt rưng rưng nhớ lại, thế nhưng thấy con trai quyết tâm, ông bà cũng chấp nhận đưa sổ đỏ cho anh, cắm ngân hàng vay được 100 triệu.

Tấm sổ đỏ ấy là cơ ngơi bao đời để lại, 100 triệu thuở ấy cũng là cả gia tài, ngay cả với những người ở thành thị chứ đừng nói đến đồng bào người Dao dãy Phja Bjoóc cheo leo. Cầm tiền của ngân hàng rồi Hùng mới thấy mình liều, nhưng cái liều của anh, có lẽ đã đúng. Sinh trưởng trong gia đình thuần nông, Hùng quý trọng đồng tiền, làm được đến đâu anh lại tích cóp, mua thêm đất ở Cốc Tộc đến đấy. Từ 2012 đến 2018 thì đủ đất làm farmstay, Hùng xuống núi.

Những công trình của farmstay này được làm tỉ mỉ và chỉn chu. Ảnh: Tùng Đinh.

Những công trình của farmstay này được làm tỉ mỉ và chỉn chu. Ảnh: Tùng Đinh.

Tiếng Tày, Nà nghĩa là ruộng, Pé nghĩa là hồ, bây giờ Hùng có 2 cơ sở, ở cả Nà lẫn Pé, trong đó Nà Nghè có một nhà cộng đồng sức chứa được 25 khách, còn ở hồ Ba Bể (Slam Pé) anh có khu farmstay 12 phòng, với 10 phòng riêng và 2 phòng cộng đồng, đón được tối đa 75 khách. “Dưới này là 3.000m2 còn ở Nà Nghè đất nhiều lắm, tính bằng ha ấy, nhưng mà toàn ruộng với ao, nhà thì bé thôi, nhà bố mẹ ngày xưa trên núi xây trong khoảnh đất tầm 100 m2 thôi”, chàng trai người Dao chia sẻ bằng chất giọng khàn khàn, dạn dày sương gió.

Bố không còn, hiện mẹ của Hùng giúp anh quản lý nhà cộng đồng ở Nà Nghè, còn ở Cốc Tộc quy mô hơn nên vợ chồng con cái anh ở đây là chính, thuê thêm 2 người địa phương, vừa dọn dẹp vừa phục vụ khách lưu trú. Với cốt nền cao hơn đường độ 2m, để lên được farmstay này, dù ô tô hay xe máy cũng phải về số thấp. Đứng ở sân, phóng tầm mắt ra xa, du khách sẽ thấy được mặt hồ Ba Bể xanh biêng biếc, phản chiếu những rặng cây, ngọn núi xung quanh.

Dù cả bản, cả xã làm du lịch, làm khu lưu trú nhưng Ba Bể Farmstay của Hùng rất khác, nó không vuông chằn chặn như mấy chỗ mới xây nhưng cũng không đơn sơ như các ngôi nhà truyền thống của người Tày ở Ba Bể, nó vừa vặn với khung cảnh hữu tình, yên ả chốn góc hồ này. Muốn đến đây, du khách cứ xuôi theo đường tỉnh 254, đến Trạm Y tế xã Nam Mẫu thì ngoặt một khúc tay áo theo phía bên phải đường, đi độ 2km nữa là đến cơ ngơi của Hùng Mán.

Vui chuyện với ông chủ cỡ hơn nửa giờ đồng hồ nhưng thấy anh phải nhận 4 - 5 cuộc gọi hỏi đường đi lối lại, nơi ăn chốn ở của khách. Chưa kể, khách khứa, hàng xóm cũng thường xuyên qua lại, tham gia vào câu chuyện của Hùng. Ai cũng bảo Hùng giỏi, 11 năm từ anh thanh niên làm ruộng nương thuần túy bây giờ có trong tay cả cơ ngơi bạc tỷ. Hùng chỉ cười: “Mình liều thôi chứ giỏi gì”.

Không giấu được cảm xúc bồi hồi, giọng anh ngắt quãng khi nghĩ lại hơn một thập kỷ là du lịch đã qua: “Thực sự, đến giờ nhìn lại mới thấy có những lúc cả tôi và gia đình đều không tin mình sẽ làm được. Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục vì thấy được tiềm năng, vì tự tin vào định hướng, vì lạc quan vào nguồn khách”. Nói đoạn anh chỉ tay lên mái nhà cất giọng sảng khoái: “Cả chỗ này cũng cỡ 3 tỷ đấy anh à, nhưng nợ mất hơn 1 tỷ rồi”.

Sự tự tin của Hùng không phải vô căn cứ. Farmstay của anh thuộc dạng đắt nhất khu hồ Ba Bể chứ đừng nói riêng thôn Cốc Tộc, ở đây giá dao động từ 400.000 - 1,2 triệu đồng mỗi đêm, trong khi xung quanh mặt bằng giá có sàn chỉ từ 150.000 đồng/đêm. Mức giá ấy, chất lượng ấy, Hùng nhắm đến phân khúc khách hàng cao cấp, không chỉ trong chi tiêu mà còn trong sinh hoạt, giao tiếp. Chẳng thế mà ông chủ farmstay này không ít lần “đuổi khách” ngay trước cửa, không nhận vì thấy không phù hợp.

Nội thất cao cấp, chỉn chu của các phòng nghỉ của Ba Bể farmstay. Ảnh: Tùng Đinh.

Nội thất cao cấp, chỉn chu của các phòng nghỉ của Ba Bể farmstay. Ảnh: Tùng Đinh.

Chỉn chu, quy củ

Những người quen biết Hùng lâu năm đều nhận định anh là người khái tính, thích hay không rất rõ ràng. Khách ở nhà anh cũng vậy, không hợp là không nhận, còn hợp rồi thì có khi sẵn sàng bỏ việc giao lưu, uống rượu với khách không cần nghĩ ngợi. Từng có đoàn khách, dù đã hỏi han rất kỹ từ trước nhưng lúc đi tìm Ba Bể Farmstay gặp khó lại gọi điện càm ràm, quát tháo. Hùng chạy ra tận nơi, chào hỏi rồi nhẹ nhàng nói: “Em nghĩ anh chị không hợp ở nhà em đâu. Ấn tượng ban đầu đã không tốt thế này thì dù phục vụ cỡ nào cũng không lại nên em xin phép không nhận, mời anh chị quay ra tìm chỗ nghỉ khác”.

Trong công việc cũng vậy, anh không ham làm nhiều, thay vào đó là làm đến đâu, chuẩn đến đấy. Chục năm trước, làm lưu trú rồi dẫn đoàn, anh chỉ nhận tối đa 25 người vì đông hơn sẽ khó kiểm soát, dễ nảy sinh nhiều vấn đề. Đến giờ, khách lưu trú có thể lên đến 100 người nhưng nếu đi leo núi anh vẫn chỉ nhận số lượng như khi vừa khởi nghiệp.

Trước mỗi chuyến đi, anh cũng dặn dò mọi người rất cẩn thận về những hành lý gì cần mang theo, giới hạn trọng lượng thế nào cho đảm bảo an toàn và luôn có phương án dự phòng nếu khách gặp sự cố. Phòng ở nhà anh, không phải thênh thang nhưng thoáng đãng, cơ sở vật chất được đầu tư bài bản, nhìn vào chăn, ga, gối, đệm là hiểu, toàn đồ đắt tiền. Hùng thích thế, đã làm là phải chỉn chu, quy củ. Vì vậy, khách của anh có thể không đông nhưng đều, có khách Tây ở đến vài tháng vừa làm việc từ xa vừa tận hưởng không khí thiên nhiên trong lành, hoang sơ của núi rừng Bắc Kạn, tách biệt với xô bồ bên ngoài.

Một góc cơ ngơi của Hùng 'mán' ở thôn Cốc Tộc. Ảnh: Tùng Đinh.

Một góc cơ ngơi của Hùng "mán" ở thôn Cốc Tộc. Ảnh: Tùng Đinh.

Chẳng phải ngoa, lên Google tìm kiếm Ba Bể Farmstay, gần 95% đánh giá cho cơ sở của ông chủ người Dao này đạt 5/5. Những đánh giá đều nói Hùng và gia đình rất thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ các du khách khi cần. Từ 3 năm trước, người dùng Anh Thu Bui đã nhận định đây là khu homestay tuyệt vời với những chiếc giường êm ái nhất cô từng nằm qua. Cũng trong khoảng thời gian đó, Mike Ludwig nhận định đã có 24 giờ khó quên với cung leo núi do Hùng dẫn lối, chưa kể đêm ngủ rất ngon và đồ ăn thì làm anh ta mê mẩn.

Mới đây hơn, cô gái có tên Han Diola chia sẻ ở Ba Bể Farmstay 2 tháng và cảm nhận được sự ấm cúng, gần gũi của Hùng và gia đình. “Nơi này nằm ở khu vực yên tĩnh hơn của hồ Ba Bể, phong cảnh đẹp như tranh vẽ và nếu bạn yêu thiên nhiên thì ở đây có tất cả mọi thứ bạn cần”, Han Diola viết trên Google. Cô cũng gợi ý về những đường chạy buổi sáng qua các cánh đồng lúa, ăn trưa trên hồ, đi dạo trong rừng vào buổi chiều và kết thúc một ngày mới những bài tập yoga trong sân farmstay.

Gắn kết cộng đồng

Xuất phát từ việc làm cơ sở lưu trú, sau đó là dẫn khách đi rừng, leo núi, giờ đây Đặng Văn Hùng đã mở rộng thêm các hoạt động du lịch trải nghiệm. Tùy mùa, khách của anh có thể đi gặt lúa, bắt cua, bắt tôm, bắt cá về tự chế biến để ăn. Các hoạt động này, Hùng liên kết với bà con trong khu vực, cùng nhau chia sẻ lợi nhuận từ du lịch, anh cho rằng đây là cách tốt nhất để cùng nhau phát triển và phát triển một cách bền vững.

Bên cạnh đó, với lợi thế là người Dao, anh còn cho du khách trải nghiệm hoạt động đi hái lá thuốc trên rừng với người hướng dẫn là mẹ của mình và một số phụ nữ có kinh nghiệm khác trong thôn, bản. Trong các lĩnh vực khác, anh cũng liên kết với các tổ lái thuyền đưa khách đi tham quan hồ Ba Bể hay các tổ văn nghệ biểu diễn những chương trình nghệ thuật truyền thống địa phương như hát then, chơi đàn tính… Chưa kể, những người làm công trong farmstay cũng là người địa phương.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuất hiện vết nứt trên núi Phú Gia, di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân

THỪA THIÊN - HUẾ Trên núi Phú Gia xuất hiện vết nứt dài khoảng 50m, đã có 1 điểm lở xuống phía dưới, độ cao khoảng 20m có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân.