Nếu không họ sẽ tính tới việc rút khỏi liên minh và đẩy chính trị nước này vào một cuộc khủng hoảng sâu rộng với hệ quả nhãn tiền là bà Merkel có thể mất chức.
Thủ tướng Angela Merkel và Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer |
Sau 3 năm quyết định mở cửa biên giới cho dòng người di cư chủ yếu từ Bắc Phi và Syria, Iraq, Thủ tướng Angela Merkel vẫn chưa tìm được một giải pháp bền vững để quản lý vấn đề này cũng như làm yên những cái đầu nóng không hài lòng với chính sách thông thoáng của bà. “Thứ hai - ngày định mệnh của Angela Merkel, của chính phủ”, tờ Bild chạy dòng tít vững chãi trên trang nhất.
Đó cũng là mong muốn của phe cứng rắn trong liên minh cầm quyền lỏng lẻo nhất tại Đức kể từ khi bà Merkel bước lên vũ đài chính trị. Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer từ đảng CSU - đối tác trong liên minh cầm quyền - đến nay vẫn là người chỉ trích mạnh mẽ nhất bà Merkel. Kể từ cuộc khủng hoảng dân di cư năm 2015, Đức đã đón nhận khoảng 1 triệu người và đó là điều CSU cùng ông Seehofer không mong muốn. Vị Bộ trưởng kiên định đã đến lúc Đức phải đóng cửa biên giới với người nhập cư đổ về từ các thành viên EU khác, thường là Italy và Hy Lạp. Việc Italy nhất quyết từ chối tiếp nhận 629 người di cư châu Phi cuối tuần qua khiến ông Seehofer hởi dạ và củng cố thêm quan điểm của ông.
Nhưng đến thời hạn chót CSU dành cho bà Merkel, thứ Hai 18/6, bà vẫn kiên quyết không lùi bước. Theo bà, nếu thuận theo CSU hay làm như Italy, nhiều nước thành viên EU ven biển phía Nam sẽ hứng chịu hậu quả một mình, bởi vậy EU phải tìm được một giải pháp chung tại cuộc gặp cấp cao ngày 28 - 29/6 tới đây.
Bang Bavaria sẽ có cuộc bầu cử địa phương vào tháng 10 tới. Văn hóa chính trị Đức thường có một mặc định đảng nào nắm bang này sẽ giành được chiếc ghế quyền lực cao nhất. Bởi thế, CSU đang nỗ lực biến tâm lý mệt mỏi với vấn đề người di cư và những bất ổn xã hội do người nhập cư gây ra thành lợi thế chính trị cho họ. Bộ trưởng Seehofer đã trình ra dự thảo đóng cửa biên giới nhưng bà Merkel giận dữ gạt bỏ. Ông định lấy quyền Bộ trưởng Nội vụ đưa ra quyết định “tiền trảm hậu tấu”, nhưng sau tạm dịu với giải pháp “tối hậu thư 2 tuần” để bà Merkel tìm tiếng nói chung giữa EU.
Ông Seehofer đánh giá rằng “giải pháp EU” khó mà thành với chính sách khác biệt từ Italy, Áo, Hungary, Ba Lan, và giờ quả bóng được giao cho bà Merkel. Cuộc điện thoại vào tối 18/6 (giờ Đức) mà bà Merkel dự kiến nói chuyện với Thủ tướng Italy Giuseppe Conte và cuộc gặp đã lên lịch với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào thứ Ba (19/6) được cho là sẽ quyết định việc EU có tìm được giải pháp chung hay không.
Cuối năm 2017, cử tri Đức đã gửi tín hiệu rất rõ ràng đến bà Merkel, dù vẫn trao cho bà cơ hội nhiệm kỳ Thủ tướng thứ tư cùng danh tiếng người phụ nữ quyền lực nhất thế giới trên bảng bình bầu của tạp chí Time (Mỹ), đó là tỷ lệ phiếu ủng hộ thấp nhất so với 3 kỳ bầu cử trước đó. Liên minh cầm quyền CDU/CSU chỉ được 32% phiếu bầu. Trong khi đảng chống người nhập cư và chống Hồi giáo AfD theo đường lối cực hữu lần đầu tiên nhảy được vào Quốc hội Đức với 13% phiếu bầu. Các kết quả này được cho là chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách với người di cư của Chính phủ Đức nhiệm kỳ trước. |