| Hotline: 0983.970.780

Tôm - lúa hóa giải thách thức biến đổi khí hậu

Thứ Ba 05/04/2022 , 09:05 (GMT+7)

BẠC LIÊU Nhờ mô hình tôm - lúa, đời sống nông dân vùng chuyển đổi huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) những năm qua đã thay da đổi thịt. Bà con cũng không còn lo lắng hạn, mặn.

Ông Dương Văn Thới, Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Dương Văn Thới, Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân. Ảnh: Trọng Linh.

Mới đây, UBND huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) tổ chức Hội nghị Tổng kết mô hình sản xuất lúa trên đất tôm vùng chuyển đổi năm 2021, triển khai kế hoạch thả tôm vụ 1 năm 2022.

Ông Dương Văn Thới, Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) cho biết: Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong quá trình sản xuất nông nghiệp, huyện được chia thành 2 vùng rõ rệt: Vùng ngọt chuyên canh lúa 2 vụ/năm, tập trung chủ yếu sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích trên 9.000ha và vùng chuyển đổi sản xuất theo mô hình tôm - lúa với diện tích trên 24.000ha, sản lượng bình quân trên 150.000 tấn.

Năm 2021, huyện Hồng Dân sản xuất lúa với diện tích canh tác trên 34.000ha, diện tích gieo trồng trên 42.000ha, sản lượng đạt trên 280.000 tấn. Các giống lúa gieo sạ chủ yếu như Một Bụi Đỏ, ST24, ST25, OM18, Đài thơm 8, lúa lai và một số giống lúa mới.

Trong đó, nhóm lúa thơm chiếm 35%, lúa mùa (một bụi đỏ) chiếm 30%, nhóm lúa lai chiếm 25%, nhóm giống lúa khác chiếm 10%. Vụ lúa trên đất tôm năm 2021 năng suất trung bình đạt 6 - 6,5 tấn/ha, trừ chi phí nông dân có lãi từ 20 - 30 triệu đồng/ha.

Mô hình tôm - lúa đã giúp nông dân vùng chuyển đổi huyện hồng Dân phát triển kinh tế khá ổn định. Ảnh: Trọng Linh.

Mô hình tôm - lúa đã giúp nông dân vùng chuyển đổi huyện hồng Dân phát triển kinh tế khá ổn định. Ảnh: Trọng Linh.

Đặc biệt, mô hình tôm - lúa với nông dân vùng chuyển đổi được xem là mô hình thông minh, bền vững, đặc biệt thích ứng với biến đổi khí hậu như hiện nay. Đây là mô hình tiền năng và cũng là mô hình đóng góp kinh tế chiếm tỷ trọng lớn trong nông nghiệp.

Nông dân Phạm Văn Quyền ở ấp Ninh Chài, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) chia sẻ: “Từ khi chuyển đổi sản xuất, mô hình tôm - lúa đã trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình, cũng như giúp bà con hóa giải các thách thức do biến đổi khí hậu gây ra. Nếu như trước đây, thu nhập của nông dân chỉ trông chờ vào 2 vụ lúa/năm thì nay đã có thêm thu nhập từ con tôm".

Nhờ mô hình “con tôm ôm cây lúa”, đã giúp nông dân xã Ninh Quới A làm giàu, góp phần giúp miền quê này thay da đổi thịt. Đây cũng là mô hình sản xuất thông minh trong điều kiện phải ứng phó, thích nghi với hạn mặn như hiện nay”, ông Quyền chia sẻ.

Ông Phan Văn Hưởng, nông dân ấp Tà Ky, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân cho rằng: Thành công lớn nhất của mô hình tôm - lúa là nông dân vùng chuyển đổi đã tích cực áp dụng các số tiến bộ kỹ thuật mới như: Sử dụng giống lúa chịu mặn, cải tiến thời vụ, sử dụng phân bón, thuốc vi sinh, sinh học trong canh tác lúa phục vụ cho vùng tôm - lúa, nhất là vùng mở rộng diện tích từ nuôi tôm kém hiệu quả sang luân canh 2 vụ tôm - 1 vụ lúa. Đây là cách làm vừa cho hiệu quả cao, vừa hạn chế được việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong sản xuất.

Lúa trong các mô hình tôm - lúa luôn được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra ổn định. Ảnh: Trọng Linh.

Lúa trong các mô hình tôm - lúa luôn được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra ổn định. Ảnh: Trọng Linh.

Có thể nói, mô hình tôm - lúa đã tạo ra hệ sinh thái, môi trường an toàn ổn định, có lợi cho cả nuôi tôm và trồng lúa bền vững, cho ra sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và xuất khẩu. Năm 2021, tổng thu nhập của mô hình đạt 90 triệu đồng/ha và cho lợi nhuận bình quân từ 40 - 60 triệu đồng/ha/năm.

Ông Nguyễn Quốc Thái, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A (huyện Hồng Dân) cho biết: Những năm qua, nhờ sản xuất hiệu quả, mô hình tôm - lúa ở địa phương không ngừng được nhân rộng. Nếu như năm 2019 xã mới có 1.600ha sản xuất theo mô hình tôm - lúa thì năm 2020 lên 2.100ha, tới năm 2021 đạt 2.535ha.

Ông Dương Văn Thới, Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân đánh giá: Thành công lớn nhất của mô hình tôm - lúa là thay đổi được tư duy của nông dân vùng chuyển đổi từ cái cũ sang cái mới, từ cách làm truyền thống sang sản xuất nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, như Bộ Trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã từng nói là giúp nông dân định hướng từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Mô hình tôm - lúa còn giúp nông dân sản xuất ra nông sản sạch, thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở rộng...

Mô hình 2 vụ tôm, 1 vụ lúa là mô hình chủ yếu trong phát triển kinh tế của huyện Hồng Dân. Đây được xem là mô hình phát triển kinh tế bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn. Mô hình được đánh giá là "thuận thiên" và cũng là lợi thế để huyện Hồng Dân trở thành trung tâm sản xuất lúa, xuất khẩu gạo lớn nhất của tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025.

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Dồn lực tiêm vacxin phòng bệnh dại trên chó, mèo

Trước diễn biến bệnh dại trên người có chiều hướng gia tăng, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra văn bản chỉ đạo đảm bảo tỷ lệ tiêm vacxin đạt trên 80% tổng đàn chó, mèo.

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất