| Hotline: 0983.970.780

Tôm nuôi nước lợ 'bơi xa' nhờ chứng nhận quốc tế

Thứ Bảy 18/11/2023 , 16:13 (GMT+7)

Cà Mau có trên 300.000ha nuôi trồng thủy sản, trong đó tôm nuôi nước lợ là 280.000ha và có nhiều diện tích được cấp chứng nhận như ASC, B.A.P, GlobalGAP EU, Naturland.

Mô hình tôm lúa tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Mô hình tôm lúa tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Ngành kinh tế mũi nhọn

Thời gian qua, thành công ngoài mong đợi của các mô hình tôm sinh thái đang triển khai ở Cà Mau, có sự phối hợp tham tích cực các cấp, các ngành, của các tổ chức phi Chính phủ. Trong đó, có vai trò quan trọng của Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (gọi tắt là MCD). MCD có nhiều kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực thủy sản, thông qua các mô hình, dự án MCD đã tăng cường năng lực sản xuất cho người dân, huy động nhiều đối tượng cùng tham chuỗi sản xuất trong đó có phụ nữ.

Trải dọc các huyện, thành phố trong tỉnh có đến 30 doanh nghiệp, với 32 nhà máy chế biến tôm xuất khẩu, cùng thiết bị, công nghệ hiện đại so với khu vực và thế giới, công suất trên 250.000 tấn tôm nguyên liệu/năm. Hơn nữa, hầu hết các nhà máy đều đạt các tiêu chuẩn quốc tế: SA-8000, ISO 26000, ISO-9001, BRC, B.A.P,... Từ đây, con tôm Cà Mau đã có mặt tại trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, nổi bật là 4 thị trường lớn: Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc.

Có thể nói, đây là thế mạnh mà không phải địa phương nào cũng có được. Do đó, ngành tôm được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm 80% trong tổng giá trị sản xuất, chiếm 49% so với tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau.

Đặc biệt, ngành tôm chi phối đến đời sống của trên 50% dân số của tỉnh, tương đương khoảng 600.000 người. Ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của trên 350.000 lao động, trong đó tham gia trực tiếp hoạt động nuôi tôm khoảng 300.000 người.

Mô hình nuôi tôm sú - lúa tại xã Trí Lực được cấp chứng nhận quốc tế ASC. Ảnh: Trọng Linh.

Mô hình nuôi tôm sú - lúa tại xã Trí Lực được cấp chứng nhận quốc tế ASC. Ảnh: Trọng Linh.

Chứng nhận ASC đầu tiên trên thế giới

Vào tháng 9/2018, mô hình “Tôm sú trên ruộng lúa đạt chứng nhận quốc tế ASC” được triển khai tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Đây là địa phương được quy hoạch vùng nuôi tôm – lúa trọng yếu của tỉnh. Mô hình triển khai thuận lợi nhờ người dân xã Trí Lực có truyền thống và kinh nghiệm trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Ban đầu, dự án có hơn 600 hộ tham gia, tổng diện tích gần 1.000ha.

Nhờ chuyển dịch thành công vụ lúa trên đất nuôi tôm, cây mía giờ đây nhường chỗ cho ruộng lúa, con tôm phát triển. Nhờ đó mà nông dân Trí Lực hết nghèo. Mới đây nhất, mô hình tôm sú - lúa của xã là mô hình đầu tiên trên cả nước đạt Chứng nhận quốc tế ASC Group. Để có được kết quả này là cả một quá trình nỗ lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế của người dân và chính quyền địa phương.

Toàn xã Trí Lực có 2.900ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó có 700ha tôm lúa thực hành nuôi theo hướng sinh thái hữu cơ. HTX Tôm lúa Trí Lực vừa nhận được chứng nhận ASC Group thông qua việc liên kết với doanh nghiệp Minh Phú. Năm 2019, HTX có 329 hộ đăng ký tham gia ký hợp đồng và thực hiện đánh giá nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC. Qua đánh giá, đến nay có 252 hộ đạt chứng nhận ASC, với diện tích 565ha.

Nhiều hộ dân tại ấp 9, xã Trí Lực đang phát triển nuôi tôm theo mô hình chứng nhận ASC. Ảnh: Trọng Linh.

Nhiều hộ dân tại ấp 9, xã Trí Lực đang phát triển nuôi tôm theo mô hình chứng nhận ASC. Ảnh: Trọng Linh.

Gia đình ông Trần Văn Tính ở ấp 9, xã Trí Lực là một trong những hộ đang phát triển nuôi tôm theo mô hình chứng nhận ASC trên quy mô diện tích 4ha. Ông cho hay, kể từ khi tham gia mô hình, thu nhập nâng cao hơn trước rất nhiều, sản phẩm làm ra không bị tồn đọng, đầu ra sản phẩm được doanh nghiệp cam kết bao tiêu với mức giá cao hơn thị trường từ 1.000 - 3.000 đồng/kg, từ đó giúp gia đình ông nâng cao lợi nhuận, an tâm sản xuất, tránh được tình trạng bị ép giá.

Nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường bình đẳng giới trong chuỗi giá trị tôm và đầu tư kinh doanh nông nghiệp tại Việt Nam và Đông Nam Á” - GRAISEA 2 do MCD phối hợp với các đối tác thực hiện tại Cà Mau với sự hỗ trợ của OXFAM.

Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường năng lực người sản xuất quy mô nhỏ, giúp người dân nâng cao kinh tế hộ gia đình. Thông qua việc vận hành mô hình tôm - lúa cũng thể hiện sự quan tâm của cộng đồng về vai trò của người phụ nữ và chia sẻ trách nhiệm công việc trong gia đình và sản xuất kinh doanh. Kết quả rõ nét nhất mà mô hình mang đến là người dân đã tự tin hơn trong sản xuất và mạnh dạn khi nói về câu chuyện con tôm ôm cây lúa với quốc tế, giúp việc tiêu thụ tôm bền vững, ổn định hơn.

Làm lúa tôm đúng hướng, bà con được mùa, yên tâm về giá cả cũng không còn băn khoăn về đầu ra sản phẩm, từ đó khấm khá lên dần. Nếu như trước đây, vùng đất xã Trí Lực sản xuất độc canh cây lúa, thì hiện nay đã chuyển sang kết hợp lúa tôm, góp phần nâng cao giá trị trên cùng diện tích.

Tỉnh Cà Mau có 3 năm liên tiếp (năm 2020, 2021 và 2022) có kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 1 tỷ USD. Ảnh: Trọng Linh.

Tỉnh Cà Mau có 3 năm liên tiếp (năm 2020, 2021 và 2022) có kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 1 tỷ USD. Ảnh: Trọng Linh.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, thời gian qua, các bên liên quan đã nỗ lực xây dựng vùng sản xuất tôm - lúa có chứng nhận ASC Group. Với chứng nhận này, sản phẩm tôm sú sẽ được xuất khẩu sang rất nhiều thị trường, góp phần nâng cao giá trị con tôm. Thời gian tới, tỉnh định hướng quy hoạch vùng tôm - lúa theo hướng sinh thái, hữu cơ chủ yếu tập trung tại vùng Bắc Cà Mau. Đến năm 2030, xây dựng hơn 40.000ha diện tích tôm – lúa đạt được một trong các chứng nhận quốc tế về hữu cơ, ASC…

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau thông tin: “Đây là một tiềm năng, lợi thế rất lớn của Cà Mau. Trước đây, tỉnh chủ yếu sản xuất độc canh cây lúa thì hiện tại đã biết kết hợp cả lúa, cả tôm. Điều này giúp nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích rất lớn, thật sự có ý nghĩa. Nhờ đó, đời sống người dân được cải thiện, thu nhập gần như tăng hơn gấp đôi. Mô hình tôm - lúa đặc biệt có ý nghĩa về môi trường. Bởi lẽ, khi sản xuất lúa kết hợp với nuôi tôm, môi trường phải giữ đủ điều kiện an toàn theo quy định”.

Hiện tại, toàn tỉnh Cà Mau có trên 40.000ha diện tích sản xuất tôm - lúa, tập trung chủ yếu tại các huyện: Thới Bình, Trần Văn Thời, U Minh, Cái Nước và TP Cà Mau. Đặc điểm của mô hình này là thả tôm mật độ thưa vào mùa khô và trồng lúa vào mùa mưa. Thả giống 1-2 đợt tôm/vụ, mật độ từ 1-3 con/m2 và thu tỉa thưa đến khi tôm đạt kích cỡ. Năng suất tôm nuôi trên đất có trồng lúa bình quân từ 300 - 350kg/ha/năm.

Việc đầu tư cho con tôm đã thật sự "tắm mát" ruộng đồng. Chính sự táo bạo, dám nghĩ, dám làm của nông dân, cùng với chủ trương chuyển đổi sản xuất phù hợp điều kiện tự nhiên của chính quyền địa phương đã tạo nên một vùng đồng ruộng trù phú, với những căn nhà tường khang trang, những con đường được thảm nhựa phẳng lì.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, chuyên gia huy động sự tham gia của doanh nghiệp thuộc Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) cho biết: Mô hình tôm - lúa tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình là mô hình rất tuyệt vời về việc thích ứng với biến đổi khí hậu và đã trở thành quy trình khép kín tạo nên chất lượng cho con tôm cũng như cây lúa. Đây là mô hình đầu tiên về tôm lúa trên cả nước được chứng nhận quốc tế ASC.

Xem thêm
Làng nghề nuôi cá giống Hội Am thắng lớn ngày ông Táo

HẢI PHÒNG Do sức mua tăng nên người dân nuôi cá chép giống phục vụ ngày ông Táo ở làng Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo thắng đậm.

Giảm khai thác, tăng nuôi trồng, nâng cao giá trị thủy sản

Đây là mục tiêu mà ngành thủy sản tiếp tục đặt ra trong năm 2025 - năm cuối tăng tốc thực hiện kế hoạch phát triển ngành thủy sản 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất