| Hotline: 0983.970.780

Tôm nuôi ở Bình Định 'đột tử' do sốc môi trường

Chủ Nhật 10/05/2020 , 10:45 (GMT+7)

Từ đầu năm đến nay, diễn biến thời tiết ở Bình Định rất bất thuận cho nghề nuôi tôm, nắng nóng đã khiến nhiều diện tích tôm nuôi bị chết do sốc môi trường.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước (Bình Định), tính đến nay, trên địa bàn huyện này đã có 29ha tôm nuôi vụ I/2020 trên địa bàn 2 xã Phước Thắng và Phước Thuận bị chết do bị sốc môi trường. Trong đó, tại vùng nuôi xã Phước Thắng có 20ha và xã Phước Thuận có 9ha.

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, trong vụ I/2020, người nuôi tôm nước lợ trong tỉnh thả nuôi khoảng gần 2.000ha diện tích mặt nước. Ngay sau khi thả giống, người nuôi đã triển khai các giải pháp để ổn định môi trường vùng nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên, do từ cuối năm ngoái đến nay thời tiết trên địa bàn Bình Định có diễn biến rất bất thuận cho nghề nuôi tôm, nắng nóng kéo dài khiến hiện nay có nhiều diện tích tôm nuôi bị chết do sốc môi trường.

Thời tiết bất thuận đang uy hiếp nhiều vùng nuôi tôm ở Bình Định. Ảnh: Đình Thung.

Thời tiết bất thuận đang uy hiếp nhiều vùng nuôi tôm ở Bình Định. Ảnh: Đình Thung.

Anh Phạm Văn Chạy, người nuôi tôm kỳ cựu ở thôn Đông Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước), phân tích: Nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao, biên độ giữa ngày và đêm chênh lệch quá lớn khiến tôm nuôi bị sốc. “Trên địa bàn xã Phước Thắng vừa qua trời đang nắng nóng cao độ rồi mưa xảy ra bất chợt, nhiệt độ giảm đột ngột khiến tôm nuôi bị sốc. Thêm vào đó là khi ấy có gió mùa Đông Bắc, gió bấc nổi rộ gây sóng lớn trong các ao nuôi tôm. Trong khi nước trong ao nuôi thì tầng nước ngọt do có tỷ trọng nhẹ hơn nên nằm trên tầng mặt, nước mặn có tỷ trọng nặng hơn nằm tầng dưới, sóng đẩy lớp nước ngọt trên mặt lùa hết xuống đầm Thị Nại khiến độ mặn trong ao nuôi tăng mạnh. Do dao động độ mặn trong ao nuôi tăng đột xuất và có dao động lớn khiến tôm bị sốc”, anh Chạy phân tích.

Cũng theo anh Chạy, tôm bị sốc môi trường thì chết “đột tử” chứ không có biểu hiện bệnh trên thân nên người nuôi thường không biết nguyên nhân. Nếu tôm có biểu hiện bệnh như bỏ ăn hoặc trên thân nổi đốm thì người nuôi biết ngay là tôm đã dính bệnh. Đằng này khi bị sốc môi trường tôm cứ lờ đờ như người bị stress hoặc như bị say nắng rồi lăn đùng ra chết đột ngột. Đáng quan ngại là khi tôm đã bị sốc môi trường thì con nào còn sống sẽ bị mất sức đề kháng. Virus gây bệnh thì luôn hiện diện trong ao nuôi, khi tôm mất sức đề kháng là chúng lập tức xâm nhập, phát sinh dịch bệnh hại tôm. “Trong những diện tích tôm nuôi vụ I ở xã Phước Thắng, sau khi thả nuôi từ 17 – 20 ngày thì có một số ao nuôi có tôm chết lai rai do bị sốc môi trường, sau đó dẫn đến dịch bệnh lây lan. Sau đó, khi tôm nuôi được hơn 30 ngày tuổi thì tôm chết tràn lan do bệnh đốm trắng”, anh Chạy cho hay.

Người nuôi tôm ở xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước, Bình Định) đang nỗ lực chăm sóc tôm nuôi để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ảnh: Đình Thung.

Người nuôi tôm ở xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước, Bình Định) đang nỗ lực chăm sóc tôm nuôi để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ảnh: Đình Thung.

Ông Nguyễn Hớn ở thôn Kỳ Sơn, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước), người đang có 2 ao nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích 10.000m2 đang nỗ lực phòng chống dịch bệnh cho tôm trước bối cảnh thời tiết bất thuận. “Tôi thả tôm giống từ tháng 3/2020 theo lịch thời vụ của ngành chức năng đưa ra. Trước diễn biến bất thường của thời tiết, tôi thường xuyên nhận được cảnh báo của ngành chức năng, được hướng dẫn dùng men vi sinh trộn vào thức ăn nhằm tăng cường đề kháng cho tôm. Lượng thức ăn cho tôm được sử dụng mức độ vừa phải theo chu kỳ phát triển của tôm nuôi nhằm giữ ổn định môi trường nước trong ao. Tôi đang cố gắng hết mức để bảo toàn tôm nuôi trong điều kiện thời tiết bất thuận như hiện nay”.

Ông Phạm Quang Ân, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, cho biết: “Mặc dù người nuôi tôm áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của ngành chức năng, thả nuôi đúng lịch thời vụ, nhưng từ ngày 12 – 13/4 đã xảy ra mưa lớn khiến môi trường nước trong ao nuôi bị biến đổi, phát sinh dịch bệnh tôm tại vùng nuôi ở các thôn Kim Đông (xã Phước Hòa), Đông Điền (xã Phước Thắng) và hiện có thêm một số diện tích ở xã Phước Thuận cũng đã bị. Hiện chúng tôi phối hợp các địa phương, ngành chức năng tỉnh kiểm tra, thống kê diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh, hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp xử lý dịch bệnh”.

Một chủ ao nuôi tôm ở xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, Bình Định) kiểm tra tôm trong ao nuôi. Ảnh: Đình Thung.

Một chủ ao nuôi tôm ở xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, Bình Định) kiểm tra tôm trong ao nuôi. Ảnh: Đình Thung.

Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, cùng với yếu tố thời tiết, do năm ngoái không có lũ nên các chất thải tại các vùng nuôi không được rửa trôi mà tích tụ lại, khiến mầm bệnh rất dễ phát sinh. Hiện tôm nuôi theo lịch thời vụ tại các vùng nuôi trong tỉnh đã thả nuôi được gần 2 tháng, giai đoạn này tôm đang sinh trưởng đạt kích cỡ thương phẩm. “Người nuôi tôm cần hết sức chú ý thực hiện theo các khuyến cáo của ngành chức năng để bảo vệ tôm nuôi. Nhất là khi phát hiện dịch bệnh, bà con phải kịp thời báo cáo cho chính quyền địa phương, ngành chức năng để có giải pháp xử lý kịp thời, không để lây lan trên diện rộng ảnh hưởng rộng đến cả vùng nuôi”, ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, khuyến cáo.

“Nắng nóng kéo dài, các yếu tố về nhiệt độ, độ ẩm trong ao nuôi sẽ biến đổi, dễ xuất hiện bệnh tôm do virus, vi khuẩn gây ra, như bệnh do môi trường, bệnh đốm trắng. Ðể chủ động phòng ngừa dịch bệnh, người nuôi tôm cần duy trì mực nước ao nuôi hợp lý từ 1,2m trở lên để giữ nhiệt độ ổn định, giúp tăng không gian để tôm sinh trưởng; tăng cường chạy máy sục khí để giữ ổn định môi trường ao nuôi; không để thức ăn thừa trong ao nuôi; dùng men vi sinh và khoáng chất để tăng đề kháng cho tôm; chống biến đổi đáy ao”, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định.

Xem thêm
Mở rộng nuôi tôm sú 2 giai đoạn vùng ven biển miền Trung

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.