| Hotline: 0983.970.780

Tổng quan thị trường cá tra 2019

Thứ Ba 10/12/2019 , 09:07 (GMT+7)

Vừa qua, tại Đồng Tháp, Hiệp hội Cá tra Việt Nam tổ chức diễn đàn “Nâng cao giá trị xuất khẩu sản phẩm cá tra thích ứng với thị trường thế giới”.

19-30-26_1112191
Ông Võ Hùng Dũng.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Võ Hùng Dũng cho biết cụ thể: Giá cá nguyên liệu như nếu như năm 2018 ở mức 28.500-36.000 đ/kg thì bước sang năm 2019 giảm xuống 30.000 – 31.000 đ/kg và từ tháng 2/2019 liên tục giảm cho đến nay chỉ còn khoảng 20.000 đ/kg.

Kim ngạch xuất khẩu đến hết tháng 10/2019 là 1,640 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ và ước cả năm 2019 đạt khoảng 2 tỷ USD cũng giảm 10% so với năm2018. Cơ cấu thị trường thay đổi: Giảm ở thị trường Mỹ, EU; tăng ở thị trường Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản.

Biến động ở 3 thị trường lớn nhất Mỹ, EU và Trung Quốc như thế nào, thưa ông?

Thị trường Mỹ nhiều năm đứng đầu về tỷ trọng, hiện nay giảm xuống vị trí thứ 2, chiếm khoảng 14% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra. Do tác động của kết quả chống bán phá giá POR14, mức thuế cuối cùng này cao hơn nhiều so với kết quả sơ bộ công bố hồi tháng 9/2018. Mới đây DOC thông báo quyết định mức thuế sơ bộ cho POR15 là 0 USD/kg, thuế suất toàn quốc vẫn 2,39 USD/kg. Con số này thấp hơn nhiều so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát trước đó là POR14 với mức thuế 1,37-2,39 USD/kg, tuy nhiên kết quả còn ở thời gian tới.

Thị trường EU vài năm trở lại đây sụt giảm từ chiếm tỷ trọng 24% năm 2012 xuống 10% năm 2018 và hiện nay 13%. Các rào cản kỹ thuật thị trường EU đã dần được tháo gỡ cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Đặt biệt là Hiệp định thương mại tự do EVFTA sắp được ký kết mang lại nhiều cơ hội cho ngành, tuy nhiên thuận lợi còn ở tương lai.

Thị trường Trung Quốc từ năm 2017 vượt qua Mỹ lên dẫn đầu và nay chiếm tỷ trọng 32%, vượt xa Mỹ và EU. Các hoạt động xúc tiến sang Trung Quốc không ở vùng duyên hải nữa mà sâu bên trong nội địa (Hồ Bắc, Tứ Xuyên). Đây là thị trường tiềm năng nhưng đang là điểm nóng thế giới về vệ sinh an toàn thực phẩm và nay cũng đòi hỏi sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc và sản phẩm cá tra xuất sang Trung Quốc cũng dần sẽ theo những tiêu chuẩn khắt khe đã xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ và EU (BAP, Global Gap, ASC…).

Lúc nãy ông có nhắc tới thị trường ASEAN và Nhật Bản, hai thị trường nhỏ bé những năm trước?

Thị trường ASEAN đã tăng trưởng tốt nhờ tác động không nhỏ từ các hiệp định thương mại tự do liên quan đến khu vực, nhất là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Hiện nay, theo quy định của ATIGA, ACFTA (Khu vực mậu dịch Tự do ASEAN – Trung Quốc) và AKFTA (Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc), thuế đối với sản phẩm cá tra phile đông lạnh ở mức 0%. Nhu cầu nhập khẩu cá tra ở nhiều nước trong ASEAN đang tăng hoặc ổn định và thị trường này ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với cá tra Việt Nam.

Thị trường Nhật Bản vào năm 2018 đã đạt kim ngạch 32 triệu USD (chiếm 1,5% kim ngạch xuất khẩu cá tra). Trong 10 tháng đầu năm 2019, thị trường Nhật Bản đạt 27,5 triệu USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ và chiếm 1,7% tỷ trọng. Năm 2008, khi Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) được ký kết ngày 25/12 và có hiệu lực từ ngày 1/10/2009, trong đó hai nước dành nhiều ưu đãi cho nhau hơn so với FTA ASEAN - Nhật Bản. Lại thêm CPTPP, một số mặt hàng thủy sản được hưởng thuế suất 0%, bao gồm sản phẩm cá tra so với mức 3,5-10,5% trước đó nên các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Nhật tăng trưởng khá.

Xin ông cho biết sự biến động các thị trường chính vừa nêu từ năm 2011 đến nay?

Hiện thị trường Nhật Bản cũng vẫn khá nhỏ nên tôi nêu con số về 4 thị trường chính. Cơ cấu thị trường xuất khẩu cá tra tính theo tỷ trọng từ cao xuống thấp. Năm 2011: EU chiếm 29,14%; Mỹ 18,37%; ASEAN 6,14%; Trung Quốc và Hồng Kông 3,07%. Năm 2018: Mỹ tăng lên 24,4%; Trung Quốc và Hồng Kông tăng lên 23,5%; EU tụt xuống 10,7%; ASEAN 9%. Trong 10 tháng đầu năm 2019: Trung Quốc và Hồng Kông dẫn đầu với 32%; Mỹ tụt xuống mức 14%; EU 13% và ASEAN 10%.

Đánh giá chung tình hình xuất khẩu cá tra năm 2019, có thuận lợi và khó khăn gì?

Cơ cấu thị trường xuất khẩu cá tra thay đổi nhiều với xu hướng tăng tiêu thụ ở thị trường gần nước ta là Trung Quốc và Hồng Kông, ASEAN, Nhật Bản. Giá cá tra cao vài tháng đầu năm 2019 và sau đó liên tục giảm, có lý do rào cản kỹ thuật và bảo hộ thương mại từ các thị trường nhập khẩu tăng lên nhưng cũng cho thấy sự thích ứng linh hoạt của các doanh nghiệp, sự quan tâm của Chính phủ và các ban ngành có liên quan ngành hàng cá tra. Thị trường nội địa bước đầu được quan tâm, thúc đẩy.

Bên cạnh những thuận lợi, còn gặp phải những khó khăn, rào cản. Đó là chất lượng giống cá tra ngày càng giảm khiến tỉ lệ hao hụt ở giai đoạn nuôi thương phẩm cao, hiệu quả sản xuất thấp. Liên kết chuỗi trong sản cá tra năm 2019 bị ảnh hưởng lớn, do trước đây giá cá tra thương phẩm cao nên tình trạng người nuôi chủ động xin không tham gia liên kết sản xuất. Thị trường Trung Quốc mặc dù đang giữ vị trí số 1 nhập khẩu cá tra nhưng lại là thị trường không ổn định, nhiều rủi ro. Ảnh hưởng của thuế chống bán phá giá từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ (POR14) đã tác động đến kim ngạch xuất khẩu (giảm 30% so với cùng kỳ 2018).

Trước thực trạng đó, đâu là con đường phát triển bền vững của ngành cá tra?

Hàng đầu là phải tăng cường cải thiện chất lượng của ngành cá tra từ cá giống, cá nguyên liệu đến quy trình chế biến và quan tâm bảo vệ môi trường. Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất cá giống, nuôi trồng và thức ăn; tiếp tục triển khai thực hiện đề án giống cá tra 3 cấp. Thúc đẩy cạnh tranh và tái cấu trúc ngành cá tra mạnh mẽ hơn trên cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hình ảnh và thương hiệu cá tra ViệtNam.

19-30-26_1112192
Các ao nuôi cá tra đã được đánh mã số.

Từng ao nuôi cá tra phải được cấp mã số nhận diện, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng như GlobalGap, ASC, BAP, VietGAP… Thực hiện theo các quy định của Cục Thú y về việc giám sát bệnh theo kế hoạch cho nguyên liệu đầu vào. Tổ chức đào tạo và nâng cao trình độ sản xuất.

Một vấn đề tôi muốn nhấn mạnh là phát triển tính bền vững của ngành cần phải liên kết với thị trường, gồm phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế. Cần thiết củng cố hình ảnh, kênh bán hàng mới: Xúc tiến tiêu thụ qua ẩm thực, thương mại điện tử; Giao dịch thủy sản và thực phẩm.

Hiện nay, chúng tôi đã có Website Thương mại điện tử www.mekongfishmarket.com Bản đồ vùng nuôi cá tra ĐBSCL www.pangasiusmap.com sẵn sàng phục vụ các doanh nghiệp, người nuôi cá tra và khách hàng ở các thị trường.

Năm 2020, Hiệp hội Cá tra Việt Nam sẽ tập trung những công việc gì?

Trước tiên là hoạt động dịch vụ cung cấp tin tức, thông tin dữ liệu, quảng bá sản phẩm doanh nghiệp ngành cá tra trên Website vừa giới thiệu.

Tiếp theo, tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho nguồn lao động hoạt động trong ngành từ khâu giống, nuôi thương phẩm, quản trị và thành lập Câu lạc bộ Kỹ thuật nuôi trồng cá tra xuất khẩu. Tiếp tục tổ chức Hội thi Ẩm thực Mekong Chef theo thường niên; Lễ hội cá tra tại thủ phủ cá tra ở thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Cuối cùng là đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước qua các hội chợ, triển lãm; không ngừng liên kết, phối hợp, hỗ trợ các hiệp hội, cơ quan ban ngành và các NGO góp phần nâng cao chất lượng ngành hàng cá tra.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.