Nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 17/10 tuyên bố rằng Kiev sẽ cần sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc được gia nhập NATO để đảm bảo an ninh nước này. Ông Zelensky sau đó đã bác bỏ các thông tin cho rằng Kiev sẵn sàng sản xuất bom nguyên tử trong thời gian ngắn, nói rằng phát biểu của ông chỉ nhằm khẳng định rằng việc gia nhập NATO là lựa chọn duy nhất.
"Đây lại là một hành động khiêu khích nữa. Đây là một hành động khiêu khích nguy hiểm bởi vì, rõ ràng, nếu Ukraine có bất kỳ động thái nào theo hướng này, họ sẽ phải đối mặt phản ứng tương ứng từ Nga", ông Putin phát biểu tại một cuộc họp báo ở Moscow hôm 18/10.
"Giới lãnh đạo chính trị Ukraine đã nhiều lần bày tỏ mong muốn sở hữu vũ khí hạt nhân, ngay cả trước khi cuộc xung đột xảy ra. Tôi khẳng định: Nga sẽ không bao giờ cho phép điều này xảy ra", Tổng thống Nga nhấn mạnh.
Ông Putin cho rằng việc sản xuất vũ khí hạt nhân hiện giờ "không còn là điều khó khăn". Tuy nhiên, ông tỏ ra hoài nghi về việc "liệu Ukraine có khả năng làm được điều này hay không" và việc sở hữu một kho vũ khí hạt nhân "sẽ là khá khó khăn đối với Ukraine trong tình trạng hiện tại".
Khi được hỏi liệu một quốc gia khác có thể bí mật cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine hay không, ông Putin cho rằng Kiev sẽ "không thể che giấu" và Moscow "có khả năng theo dõi mọi động thái của Ukraine trong việc sỡ hữu loại vũ khí này".
Tháng trước, ông Putin đã công bố một loạt thay đổi đối với học thuyết hạt nhân của Nga, mở rộng các điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Kiev đang yêu cầu các đồng minh NATO dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Nga. Việc sửa đổi học thuyết hạt nhân cũng mở rộng tầm bảo vệ của Nga đối với Belarus.