Ngay sau khi Việt Nam công bố ca nhiễm Covid-19 thứ 17 vào tối ngày 6/3, nhiều người dân trên địa bàn TP.HCM cũng tỏ ra lo lắng trước diễn biến phức tạp của bệnh.
Ghi nhận của PV tại hệ thống Emart Phan Văn Trị (Gò Vấp), ngày 8/3, rất đông người dân đến mua sắm tại đây, chủ yếu rau, củ quả, gạo, mì tôm, thịt, nước mắm, khẩu trang, nước sát khuẩn, nước rửa tay… Chị Hoàng Thị L. (quận 9) đứng xếp hàng chờ thanh toán gần 1 tiếng đồng hồ mới tới lượt mình. Chị L. chia sẻ: “Xem tivi thấy tình hình dịch bệnh tôi lo quá. Các con lại nghỉ học, nên cũng phải mua để dùng dần, chứ lỡ có chuyện gì thì lại không có cái để dùng”.
Tương tự, anh Cao Thanh B. (quận Thủ Đức) cho hay, do sợ thời gian tới nhu cầu của người dân tăng cao sẽ khiến cho các mặt hàng vừa khan hiếm vừa có thể đội giá nên anh đã cùng vợ mua dự trữ một số đồ khô, dầu ăn, các loại xúc xích, trái cây mà con trẻ thích...
Theo báo cáo của chợ đầu mối Hóc Môn ngày 6/3, lượng hàng nhập chợ trong ngày là 2.336 tấn; trong đó rau, củ là 1.652 tấn, trái cây là 429 tấn, thịt heo là 255 tấn. Còn trong ngày 7/3, lượng hàng nhập chợ trong ngày tăng không đáng kể 2.581 tấn; trong đó rau, củ là 1.836 tấn, trái cây: 509 tấn; thịt heo: 236 tấn. Giá cả các mặt hàng tại đây ổn định.
Trước tình hình trên, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho hay, Sở đã chủ động làm việc với đại diện các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi quy mô lớn trên địa bàn TP.HCM như Saigon Co.op, Satra, Vinmart, Lotte Mart, Big.C, AEON Mall…
“Tất cả đều khẳng định lượng hàng hóa rất dồi dào, đủ khả năng cung cấp liên tục và đầy đủ từ 2-3 tháng. Đồng thời, các đơn vị phân phối đã chủ động làm việc với các đơn vị sản xuất, cung ứng các mặt hàng lương thực – thực phẩm thiết yếu để chuẩn bị nguồn hàng đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân trong 6 tháng cuối năm”, bà Trang cho hay.
Khi hỏi về việc một số quầy hàng tại hệ thống siêu thị trống khiến người dân cho rằng hàng hóa khan hiếm. Bà Trang cho biết, do nhân viên siêu thị chưa kịp đưa hàng hóa lên kệ, chứ hoàn toàn không có vấn đề thiếu hụt hàng hóa.
Cũng theo bà Trang, các doanh nghiệp trong Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn TP.HCM cam kết sẽ ưu tiên cung ứng hàng hóa cho hệ thống phân phối trên địa bàn Thành phố. Còn các sản phẩm thực phẩm chế biến, các doanh nghiệp đều khẳng định sản lượng đảm bảo đủ cung ứng đến hết quý 2/2020 và đảm bảo không tăng giá.
Đại diện Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, hiện mặt hàng thịt heo cung ứng ra thị trường không có dấu hiệu sụt giảm. Nguồn hàng thực phẩm chế biến chiếm 1/2 tỷ trọng sản xuất của công ty, hiện nguyên liệu dự trữ cho sản xuất đủ dùng đến hết tháng 3/2021, giá bán sản phẩm sẽ luôn được đảm bảo ổ định.
Đối với mặt hàng gia cầm (thịt gà, thịt vịt), sản lượng cung ứng ra thị trường tăng gấp 2 - 3 lần so với nhu cầu tiêu thụ mọi năm.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Huỳnh Trang, nhiều doanh nghiệp hiện có chính sách giảm giá 2 - 3% hỗ trợ người dân trong mùa dịch và đảm bảo nguồn hàng dự trữ không thiếu, cũng như giá cả ổn định.
“Các doanh nghiệp cho biết sản lượng gạo dự trữ đảm bảo cung ứng đủ trong 6 tháng tới và giá không có biến động lớn. Do đó, người dân Thành phố an tâm, không nên tích trữ hàng hóa trong thời điểm hiện nay, gây tâm lý hoang mang, ảnh hưởng thị trường.
Ngoài ra, người dân nên ưu tiên sử dụng hình thức mua hàng trực tuyến để hạn chế đến những nơi tập trung đông người (chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi) và lựa chọn những đơn vị phân phối uy tín để mua hàng, tránh tình trạng vừa mua phải hàng giá cao mà chất lượng thiếu đảm bảo”, bà Trang nhấn mạnh.