Ảnh có tính chất minh họa. |
Trong tổng số 1.276 mẫu nước được lấy trên địa bàn TP.HCM thì 50,86% mẫu đạt chỉ tiêu hóa lý; 96,79% mẫu đạt chỉ tiêu vi sinh và 50,16% mẫu đạt cả hai chỉ tiêu hóa lý, vi sinh. Các mẫu không đạt do chỉ tiêu Clo dư, pH, hàm lượng Amoni, Coliform và E.Coli.
Đối với nước máy qua bồn chứa, vệ tinh được lấy 16 mẫu nước, qua kiểm tra chỉ có 3 mẫu đạt chỉ tiêu Hóa Lý và 18.75% mẫu nước đạt cả 2 chỉ tiêu hóa lý và vi sinh. Còn đối với nước giếng của hộ dân (tự khai thác), lấy 21 mẫu nước tại quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn kiểm tra thì chỉ có 6 mẫu đạt chỉ tiêu hóa lý; với tỷ lệ đạt cả 2 chỉ tiêu hóa lý và vi sinh là 28.57%.
Đối với mẫu nước của các cơ sở cung cấp nước có công suất thiết kế dưới 1.000m³/ngày đêm (cơ sở không sử dụng nước giếng khoan cho mục đích sản xuất, chế biến thực phẩm), lấy 47 mẫu nước thì chỉ có 2 mẫu không đạt chỉ tiêu hóa lý.
Trong khi đó, lấy 22 mẫu mẫu nước tại huyện Cần Giờ thì chỉ có 4 mẫu đạt chỉ tiêu hóa lý và 21 mẫu đạt chỉ tiêu vi sinh và chỉ có 4 mẫu đạt cả hai chỉ tiêu hóa lý và vi sinh. Điều đáng nói là khi lấy 1.072 mẫu nước chung cư kiểm tra thì chỉ có 46.08% số mẫu nước đạt cả 2 chỉ tiêu hóa lý và vi sinh, trong đó 40 mẫu không đạt chỉ tiêu vi sinh, 569 mẫu không đạt chỉ tiêu hóa lý.
Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM khuyến cáo, người dân ưu tiên sử dụng nguồn nước sạch nhằm đảm bảo sức khỏe. Đối với khu vực đang sử dụng nguồn nước sạch tạm thời (các bồn chứa nước công cộng) thì cần đun sôi nước trước khi uống, bảo quản nước đun sôi trong vật chứa sạch, kín.
Đối với khu vực được cấp nước sạch, nguồn nước qua bồn chứa cần được đun sôi, súc xả định kỳ và đậy kín bồn chứa. Chính quyền địa phương vận động người dân khu vực đã có nguồn nước sạch không khai thác ngầm, trám lấp các giếng khoan tại hộ gia đình.