| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM tạo liên kết thúc đẩy tiêu thụ thịt heo đạt tiêu chuẩn VietGAP

Chủ Nhật 24/03/2019 , 10:08 (GMT+7)

Thịt heo (lợn) vốn là thực phẩm đầu bảng được lựa chọn trong bữa cơm hàng ngày của người Việt, ở thời điểm hiện tại do dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), bệnh sán lợn ít nhiều cũng khiến ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính quyền khống chế dịch bệnh tốt, cũng như sự ủng hộ của hàng vạn người tiêu dùng, thì chắc chắn giá trị thịt heo trong thời gian tới sẽ sớm trở lại như bình thường.

Tại Chợ đầu mối Nông sản Bình Điền, trung bình mỗi ngày nhập về khoảng 3.000 con heo, khi có DTLCP xảy ra tại các tỉnh phía Bắc, số lợn nhập về chợ giảm khoảng 300 con/ngày. Còn tại Chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn, trước khi chưa có DTLCP và bệnh sán heo, trung bình khoảng 5.500 con/ngày về chợ, những ngày gần đây sức mua của chợ truyền thống có giảm, tuy nhiên sức mua từ các bếp ăn tập thể, trường học, công ty vẫn ổn định.

Thịt heo được đeo vòng truy xuất tại chợ đầu mối Bình Điền

Dạo một vòng quanh các siêu thị lớn tại TP.HCM, chúng tôi ghi nhận chỉ cần thịt sạch và tươi ngon thì người tiêu dùng vẫn tin dùng để lựa chọn sản phẩm thịt heo cho bữa ăn hàng ngày của gia đình.

Chị Phạm Thu Hương (35 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) chia sẻ: “Từ khi xem tivi thấy nói về DTLCP tôi cũng nghiên cứu rất kỹ, vì bệnh này không lây trên người, nên mình cứ lựa chọn thịt heo tại nơi uy tín, nhìn miếng thịt nào hồng tươi tự nhiên, ấn tay có sự đàn hồi thì tôi nghĩ vẫn yên tâm. Nhà tôi có 2 con nhỏ, chúng chỉ ăn thịt heo mà không chịu ăn cá, nên tôi thường vào siêu thị để lựa thịt, dù sao trong siêu thị qua nhiều lớp kiểm tra, mình cũng yên tâm”.

Người tiêu dùng vẫn tin tưởng lựa chọn thịt heo tại siêu thị

Còn bà Đặng Thị Triều (65 tuổi, ngụ quận 3) cho biết, cách lựa chọn thịt của bà là cứ lựa miếng thịt nào có phần mỡ trắng phau phau đảm bảo là thịt ngon.

Nhằm tạo điều kiện thúc đẩy tiêu thụ cho các hộ chăn nuôi cũng như giảm hiện tượng ép giá của thương lái, mới đây TP.HCM đã có chương trình kết hợp với các đơn vị thu mua heo với HTX chăn nuôi heo Tiên Phong để thu mua heo hơi của bà con nông dân.

Cụ thể, HTX chăn nuôi heo Tiên Phong sẽ tổng hợp các hộ chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGap khi có đàn heo đến tuổi xuất chuồng sẽ đăng ký qua ban chủ nhiệm HTX. Qua đó, Chi Cục Thú y & Chăn nuôi sẽ chuyển danh sách cho đơn vị thu mua.

Quy trình khép kín từ chăn nuôi, giết mổ, sản xuất đến phân phối thông qua mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn bền vững “Từ trang trại đến bàn ăn” sẽ giúp các công ty, HTX trên địa bàn TP.HCM kiểm soát chặt chẽ từ nguồn nguyên liệu đầu vào cho đến thành phẩm xuất ra thị trường.

“Hiện nay, có hai đơn vị thu mua là Công ty Vissan và Công ty San Hà. Trong tuần vừa qua, các đơn vị này đã đăng ký thu mua hơn 600 con heo thịt, với giá thu mua là 41.000 đồng/kg heo hơi từ những trang trại chăn nuôi trên địa bàn Củ Chi, Hóc Môn để đưa vào tiêu thụ. Bằng các kênh này sẽ góp phần tạo đầu ra cho các sản phẩm heo đạt tiêu chuẩn Vietgap cũng như giảm áp lực, tránh thương lái ép giá trong giai đoạn này. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tạo đầu ra cho các hộ chăn nuôi yên tâm”, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y & Chăn nuôi TP.HCM, nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) thông tin, Vissan có những cam kết với người tiêu dùng về quy trình phòng dịch, tăng cường kiểm nghiệm chất lượng, cam kết cung cấp 100% thịt lợn và sản phẩm chế biến từ thịt heo an toàn, 100% nguồn nguyên liệu của Vissan được cung cấp từ các trang trại chăn nuôi của công ty và từ các đối tác ở vùng Đông Nam bộ, không nằm trong vùng dịch bệnh. Với các mặt hàng thực phẩm chế biến, 100% sản phẩm đều được làm chín, thanh trùng hoặc tiệt trùng ở nhiệt độ cao, đảm bảo chất lượng an toàn tuyệt đối.

Cùng với việc thu mua để cung ứng thịt tươi sống cho thị trường, Vissan cũng tăng cường mua heo nguyên liệu để cấp đông nhằm ổn định đầu vào, ổn định giá cả thị trường, phục vụ nhu cầu tiêu thụ thịt heo đạt chất lượng, không có dịch bệnh tại thị trường TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Xem thêm
350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm