| Hotline: 0983.970.780

Trả giá đắt vì đánh bắt vi phạm IUU: [Bài 1] Một lần làm liều, hối hận cả đời

Thứ Ba 02/07/2024 , 06:37 (GMT+7)

Đánh bắt hải sản xâm phạm vùng biển nước ngoài, không chỉ tàu cá bị tịch thu mà tài công còn bị giam giữ, theo sau đó là những bi cảnh bủa vây cuộc sống.

Tài sản mất hết, gánh thêm nợ

Đến nhà chị Đặng Thị Nữ (sinh năm 1987) ở thôn Vĩnh Trường, xã Cát Hanh (huyện Phù Cát, Bình Định) đã giữa buổi chiều, thế nhưng đến giờ này chị mới dứt buổi chợ thất thểu về nhà. Chị Nữ đứng tên chủ tàu cá mang số hiệu BĐ 31224 TS (230CV) vừa bị lực lượng

Chị Đặng Thị Nữ, chủ tàu cá BĐ 31224 TS ở xã Cát Hanh (huyện Phù Cát, Bình Định), trò chuyện với gương mặt thất thần. Ảnh: V.Đ.T.

Chị Đặng Thị Nữ, chủ tàu cá BĐ 31224 TS ở xã Cát Hanh (huyện Phù Cát, Bình Định), trò chuyện với gương mặt thất thần. Ảnh: V.Đ.T.

chấp pháp nước Malaysia bắt vào ngày 4/4/2024 do đánh bắt xâm phạm vùng biển nước này.

Chồng chị Nữ, ngư dân Nguyễn Cư (sinh năm 1977) ở xã Cát Minh (huyện Phù Cát), thuyền trưởng kiêm tài công tàu cá BĐ 31224 TS cùng 5 thuyền viên đi bạn đều bị Malaysia bắt giữ.

Ngư dân Nguyễn Cư bị ngành chức năng Malaysia kêu án 160 ngày tù ở, 5 thuyền viên bị kêu án 60 ngày, chiếc tàu cá vi phạm bị nước sở tại tịch thu. Mất đứt chiếc tàu cá, lao động chính của gia đình là ngư dân Nguyễn Cư bị giam giữ, mọi lo toan cơm áo gạo tiền cho 3 đứa con ăn học trút hết lên đầu chị Nữ, người phụ nữ chân yếu tay mềm.

Tàu cá BĐ 31224 TS do chị Nữ làm chủ tàu bị bắt đến nay đã gần 3 tháng, thế nhưng khi tiếp chúng tôi, gương mặt chị Nữ như vẫn còn nguyên vẻ thất thần. 

Năm 2004, chị Nữ về làm dâu quê biển. Vì nhà chồng có tàu cá, nên chị Nữ làm quen với việc đón tàu cập bờ sau mỗi chuyến biển, liên lạc với chủ nậu đến thu mua cá, sau đó liên hệ với các đại lý cung ứng nhiên liệu, lương thực, đá lạnh… sắm tổn mỗi khi tàu cá mở biển vươn khơi. Do tàu đã cũ kỹ, có công suất nhỏ, lại hành nghề không phù hợp nên chuyến biển nào vợ chồng chị Nữ cũng phải bù tổn vì thu không đủ bù phí. Nản chí, năm 2020, vợ chồng chị Nữ quyết định bán tàu.

Là dân xứ biển, không còn tàu cá, không biết làm nghề gì trên bờ, nên anh Cư đi bạn cho tàu cá khác. Thu nhập của nghề đi bạn cũng bấp bênh, thế nên vào năm 2022, vợ chồng chị Nữ quyết định vay mượn để mua lại chiếc tàu cá BĐ 31224 TS với giá 280 triệu đồng. Vì là tàu cũ, mua về, vợ chồng chị Nữ phải bỏ ra hơn 100 triệu nữa để tu bổ, sửa sang mới có thể vươn khơi hành nghề câu mực, mành mực.

Bình Định xử lý nghiêm những tàu cá đánh bắt hải sản vi phạm IUU. Ảnh có tính chất minh họa. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bình Định xử lý nghiêm những tàu cá đánh bắt hải sản vi phạm IUU. Ảnh có tính chất minh họa. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Từ khi mua tàu, ngư dân Nguyễn Cư chưa 1 lần cho tàu cập bến tại các cảng cá của tỉnh Bình Định. Sau mỗi chuyến biển, tàu cá BĐ 31224 TS được anh Cư cập bờ tại Bà Rịa - Vũng Tàu bán sản phẩm, sắm tổn đi chuyến biển mới. Từ khi mua tàu, trong 2 năm 2022 - 2023, tàu cá BĐ 31224 TS của vợ chồng chị Nữ đi được 7 chuyến biển thì bị lỗ tổn cả 7 chuyến. Không kham nổi nợ nần, vợ chồng chị Nữ lại cho tàu neo bờ đến đầu năm 2024.

Theo chị Nữ, nghề đi bạn bây giờ không còn đi xong chuyến biển về ăn chia như trước đây, mà chủ tàu gần như là phải "mua" bạn. Trước khi tàu ra khơi, không có tiền, chủ tàu cũng phải vay mượn ứng trước cho mỗi thuyền viên 9 triệu đồng. Nếu chuyến biển ấy trúng thì sau khi bán sản phẩm, thuyền viên sẽ được nhận thêm, còn nếu chuyến biển ấy lỗ tổn thì chủ tàu chịu.

“Mấy năm nay, chuyến biển nào cũng lỗ tổn nên nợ chồng nợ. Hiện tại, riêng khoản nợ tín dụng, tôi còn nợ 850 triệu đồng, đó là chưa kể tiền vay nóng bên ngoài để trả tiền ứng trước cho chủ nậu và bù lỗ. Trước mỗi chuyến biển, chủ nậu ứng trước tiền để mình sắm tổn, về bán sản phẩm trừ nợ. Mấy năm nay biển đói quá, đánh bắt không có cá mực nên chuyến biển nào tôi cũng phải vay nóng bên ngoài để trả cho chủ nậu, nợ mới chồng nợ cũ”, chị Đặng Thị Nữ than thở.

Vừa bị thu tàu, vừa bị phạt gần 1 tỷ đồng

Thời gian cho tàu neo bờ đã không có thu nhập, tàu neo bờ tại Bà Rịa - Vũng Tàu, vợ chồng chị Nữ lại phải tốn tiền thuê công giữ tàu. Tháng Chạp năm vừa rồi, anh Cư quyết định cho tàu BĐ 31224 TS của mình đánh bắt chuyến biển xuyên Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 hầu mong kiếm thu nhập để vợ con ăn Tết. Không ngờ chuyến biển ấy lại tiếp tục lỗ tổn.

Bước sang tháng Giêng âm lịch, anh Cư tiếp tục cho tàu vươn khơi chuyến biển thứ 2 trong năm nay, chuyến biển này có may mắn hơn, nhưng thu nhập cũng chỉ đủ bù tổn, vợ chồng chị Nữ không cầm được đồng tiền lãi nào. Đến chuyến biển thứ 3, tàu xuất bến tại Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 26/3 thì đến ngày 4/4/2024 tàu bị lực lượng chấp pháp Malaysia bắt tại vùng biển cách bờ biển Terengganu (Malaysia) 70 hải lý.

Chị Đặng Thị Nữ nhìn lại những giấy tờ liên quan đến tài sản của gia đình là tàu cá BĐ 31224 TS đã bị Malaysia tịch thu với vẻ tiếc nuối. Ảnh: V.Đ.T.

Chị Đặng Thị Nữ nhìn lại những giấy tờ liên quan đến tài sản của gia đình là tàu cá BĐ 31224 TS đã bị Malaysia tịch thu với vẻ tiếc nuối. Ảnh: V.Đ.T.

“Chuyện tàu cá của ngư dân địa phương đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài bị bắt, vợ chồng tôi có nghe, cũng biết sợ. Chắc do thua lỗ nhiều quá, nên chuyến biển này chồng tôi làm liều sang vùng biển Malaysia thì bị bắt.

Tôi vừa liên lạc được với chồng, anh ấy động viên tôi ráng mua bán làm ăn nuôi mấy đứa con ăn học để sau này chúng thoát khỏi nghề biển. Nghe nói tôi vừa nhận quyết định xử phạt 900 triệu đồng của UBND tỉnh Bình Định đối với chủ tàu cá đánh bắt vi phạm IUU, chồng tôi hối hận ghê lắm, vì vừa bị tịch thu mất tàu cá, người thì ở tù, giờ còn bị phạt gần tiền tỷ”, chị Đặng Thị Nữ chia sẻ.

Mất đứt phương tiện làm ăn của gia đình, chồng thì hiện bị ở tù tại nước bạn, con trai đầu thì năm nay thi đại học, đứa giữa lên cấp 3, đứa út còn đi trẻ, lại còn phải lo cho cha chồng hiện đã 73 tuổi đang đau yếu ở quê, bao nhiêu lo toan đang trĩu nặng trên vai chị Nữ.

Sau khi tàu cá BĐ 31224 TS bị bắt giữ, chị Đặng Thị Nữ phải chạy chợ nuôi 3 đứa con ăn học. Ảnh: V.Đ.T.

Sau khi tàu cá BĐ 31224 TS bị bắt giữ, chị Đặng Thị Nữ phải chạy chợ nuôi 3 đứa con ăn học. Ảnh: V.Đ.T.

Đầu óc lại phải lo cho chồng đang tù tội bên nước bạn không biết sức khỏe như thế nào, sự cố đau buồn vừa rồi có khiến chồng bị suy sụp tinh thần hay không, thế nên, ngồi trò chuyện với chúng tôi mà gương mặt chị Nữ thất thần, không còn chút sức sống. Thế mới biết cái giá phải trả của việc đánh bắt hải sản xâm phạm vùng biển nước ngoài là quá đắt.

Hệ lụy hiển hiện là thế, mà chỉ trong tháng 4 và tháng 5/2024, tại huyện Phù Cát (Bình Định) đã có đến 5 tàu cá đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài bị lực lượng chấp pháp bắt giữ.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh này vừa ban hành quyết định xử phạt chủ tàu cá đánh bắt vi phạm IUU, mỗi trường hợp 900 triệu đồng. Ngoài chị Đặng Thị Nữ, các chủ tàu cá Trương Hương, Nguyễn Thị Hiển, Nguyễn Thị Hàng cùng ở xã Cát Minh và Lê Thị Sáng ở thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát) đều nhận quyết định xử phạt tương tự.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.