| Hotline: 0983.970.780

Trại chim cút mỗi ngày xuất hàng trăm ngàn trứng đi Mỹ, Nhật

Thứ Hai 16/10/2023 , 18:20 (GMT+7)

ĐỒNG NAI Mỗi ngày, trang trại cút Hưng Thịnh xuất đi Mỹ, Nhật, Úc hơn 300.000 trứng ăn liền. Trang trại đang phấn đấu sẽ xuất 1 triệu trứng cút mỗi ngày vào năm 2024.

Các sản phẩm trứng cút của Công ty TNHH Vương Gia Hưng Thịnh được xuất khẩu vài chục container đi Nhật Bản, Mỹ, Úc... mỗi  tháng. Ảnh: Lê Bình.

Các sản phẩm trứng cút của Công ty TNHH Vương Gia Hưng Thịnh được xuất khẩu vài chục container đi Nhật Bản, Mỹ, Úc... mỗi  tháng. Ảnh: Lê Bình.

Rất khó để hẹn gặp được anh Phạm Văn Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Vương Gia Hưng Thịnh bởi anh bị guồng quay công việc cuốn theo. Nhất là thời điểm này, anh đang mở rộng sản xuất, từ 400.000 con chim cút hiện tại lên hơn 1 triệu con.

Đúng lịch hẹn, chúng tôi được anh Thịnh tiếp chuyện và dẫn đi tham quan tại trang trại chim cút Hưng Thịnh (xã Thiện Tâm, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) rộng 3,5ha với 10 trại lạnh nuôi chim cút và cơ sở chế biến trứng cút. Đây là trang trại chim cút lớn hàng đầu Việt Nam với thương hiệu trứng sạch, không sử dụng kháng sinh.

Từng đi nhiều trại nuôi chim cút nhưng chúng tôi bất ngờ khi vào trang trại chim cút Hưng Thịnh. Bởi mùi hôi đặc trưng của những trại nuôi chim cút rất khó chịu. Thế nhưng ở trại Hưng Thịnh, dù đứng sát những chuồng chim cút nhưng không hề thấy mùi hôi.

“Đó là cái hay của chuồng lạnh so với nuôi ở chuồng gỗ như trang trại thông thường. Mùi hôi sẽ được máy hút xử lý, phân chim cút cũng được vệ sinh thường xuyên nên gần như không có mùi hôi. Thỉnh thoảng chúng tôi còn "thêm liều" xử lý bằng men vi sinh để cải thiện môi trường sống cho từng chú chim cút”, anh Thịnh lý giải.

Khởi nghiệp từ làng nuôi chim cút Hố Nai với khoảng 700 con chim cút ban đầu, anh Thịnh từng trải quan nhiều thất bại, dịch bệnh…, nhất là đợt dịch bùng phát dịch cúm gia cầm ở Việt Nam vào năm 2003 khiến người nuôi chim cút tại Đồng Nai chới với. Đó cũng là bước ngoặt khiến những người như anh Thịnh buộc phải suy nghĩ, đầu tư khoa học kĩ thuật để trụ vững với nghề nuôi chim cút.

Nhờ nuôi theo phương pháp chuồng lạnh, đảm bảo vệ sinh nên trại chim cút của anh Thịnh không gây ảnh hưởng đến môi trường. Ảnh: Lê Bình.

Nhờ nuôi theo phương pháp chuồng lạnh, đảm bảo vệ sinh nên trại chim cút của anh Thịnh không gây ảnh hưởng đến môi trường. Ảnh: Lê Bình.

Anh Thịnh bắt đầu mày mò tìm hiểu quy trình chăn nuôi khép kín, áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để từ đó định hướng xuất khẩu sản phẩm. Không chỉ xây dựng được trang trại chim cút nuôi lấy trứng quy mô lớn, anh còn hợp tác với người nuôi chim cút với 25 cơ sở vệ tinh để bao tiêu sản phẩm. Số trứng cút được nuôi theo phương pháp hữu cơ của anh Thịnh được xuất khẩu, còn hơn 1 triệu trứng cút thuộc diện bao tiêu từ các hộ dân được phân phối, tiêu thụ trong nước.

Dịch bệnh, giá cả bấp bênh là điều khiến anh Thịnh trăn trở, thôi thúc anh quyết tâm sản xuất trứng cút theo hướng sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm với mục tiêu tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Để có thể xuất khẩu mặt hàng trứng cút vào thị trường khó tính như Nhật Bản, anh Thịnh đã nghiên cứu và hoàn thiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, theo hướng hữu cơ.

Từ năm 2018 - 2022, anh Thịnh kiên trì đàm phán với đối tác Nhật Bản, Úc để xuất khẩu trứng cút ăn liền sang các thị trường khó tính này. Khi vấn đề an toàn dịch bệnh được anh Thịnh giải quyết bằng chuồng lạnh thì phát sinh những khó khăn mới, theo đó trứng cút thành phẩm yêu cầu phải có mẫu mã đẹp, luộc lên giữa lòng đỏ và trắng phải không có quầng đen ở giữa…

Hiện mỗi tháng, Công ty Vương Gia Hưng Thịnh xuất khẩu trực tiếp đi Nhật Bản khoảng 6 container trứng cút ăn liền. Ngoài ra có thêm khoảng 10 container được xuất khẩu đi Mỹ và 10 container sang Úc.

“Để đạt được yêu cầu trên, chúng tôi phải thuê luôn chuyên gia Nhật Bản tư vấn đề kĩ thuật. Đồng thời nhập luôn hệ thống trang thiết bị với quy trình luộc trứng, đóng gói sản phẩm hoàn toàn tự động. Nhờ đó, Công ty cũng tiết kiệm được nhân công trong quy trình chế biến sâu”, anh Thịnh chia sẻ.

Anh Thịnh cho biết đang lên phương án tăng sản lượng trứng cút xuất khẩu từ 300.000 quả như hiện tại lên hơn 1 triệu quả trong năm 2024. Ảnh: Lê Bình.

Anh Thịnh cho biết đang lên phương án tăng sản lượng trứng cút xuất khẩu từ 300.000 quả như hiện tại lên hơn 1 triệu quả trong năm 2024. Ảnh: Lê Bình.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết, Hưng Thịnh là công ty đã thay đổi cục diện của ngành nuôi chim cút Đồng Nai và giúp người dân có hướng nhìn xa hơn với vật nuôi truyền thống này.

“Chúng ta vẫn còn dư địa rất lớn nhưng thiếu sự đầu tư bài bản như Công ty Hưng Thịnh. 2 sản phẩm trứng cút ăn liền và trứng cút tươi của Công ty Hưng Thịnh đã được Đồng Nai công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh trong đợt đánh giá hồi đầu năm 2022.

Chúng tôi cũng mong mỏi trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm nhiều cơ sở nuôi chim cút bằng chuồng lạnh, đầu tư trang thiết bị hiện đại để đưa trứng cút xuất khẩu sang các thị trường khó tính khác”, bà Thanh Mai chia sẻ.

Tiếp chúng tôi nhưng điện thoại của anh Thịnh đổ chuông liên tục, đa số nội dung đến từ việc điều phối từ các công đoạn chế biến, đóng gói sản phẩm cho những container hàng tiếp theo đi Mỹ, Nhật, Úc…

Anh Thịnh cho biết thêm, anh đang được các đối tác nước ngoài yêu cầu tăng gần gấp 3 sản lượng xuất khẩu, có nghĩa sẽ đạt khoảng 1 triệu quả trứng cút xuất đi các nước mỗi ngày. Đây là áp lực lớn và không dễ gì đạt được. Nhưng có nghĩa, cơ hội đang mở ra với người nuôi chim cút của người Đồng Nai nói riêng.

Xem thêm
Cô gái trẻ nuôi gà mát tay

ĐẮK NÔNG Mới 30 tuổi, cô gái này không chỉ chăm sóc vườn cà phê hơn 1ha mà còn khá thành công với mô hình nuôi gà quy mô thuộc loại lớn.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Mô hình lúa chất lượng cao vụ thu đông đạt 7,3 tấn/ha

Trà Vinh Kết quả sơ kết mô hình lúa chất lượng cao tại huyện Châu Thành cho thấy năng suất đạt 7,3 tấn/ha, lợi nhuận tăng 16% và khí thải giảm 20-30% so với ngoài mô hình.