| Hotline: 0983.970.780

Trải nghiệm kinh hoàng với Bamboo Airway: Hơn cả một chuyến bay!

Thứ Tư 23/03/2022 , 14:43 (GMT+7)

Hủy chuyến. Để đuổi khách xuống máy bay, Bamboo Airway chọn giải pháp tắt điều hòa, tắt thông gió... khiến khách hàng bị ngất vì ngạt thở.

Bamboo Airway với slogan 'Hơn cả một chuyến bay' đã cho khách hàng một trải nghiệm kinh hoàng.

Bamboo Airway với slogan "Hơn cả một chuyến bay" đã cho khách hàng một trải nghiệm kinh hoàng.

Liên tục hủy chuyến, hoãn chuyến, delay quá giờ bay

Vừa qua, theo chia sẻ của hành khách trên chuyến bay QH1048 lúc 17g ngày 17/3/2022, từ Côn Đảo đi Sài Gòn của Công ty cổ phần hàng không Tre Việt (Bamboo Airway). Do gặp sự cố quá giờ cất cánh tại sân bay Côn Đảo khiến máy bay không thể cất cánh bay về Sài Gòn theo lịch trình dự kiến và phải quay trở lại sân ga, điều này đã khiến khách hàng rất bức xúc cùng với đó là hành xử thiếu chuyên nghiệp của tổ bay đã khiến khách hàng kiên quyết ở lại trên máy bay để đấu tranh đòi quyền lợi. 

Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, chị Linh Trang là hành khách chuyến bay trên cho biết: Đoàn của chị gồm 6 người đã đặt trước vé của Bamboo Airway cách đây 1 tháng rưỡi. Theo Chị Linh, lịch trình của cả đoàn là bay từ Hà Nội vào Cần Thơ ngày 14/3 rồi đến chiều ngày 15/3 bay ra Côn Đảo, sau đó đến ngày 17/3 sẽ bay ra Hà Nội. Tuy nhiên, sát đến ngày khởi hành, Bamboo Airway đã thông báo chuyển lịch bay sang ngày 15/3 với lý do không còn chỗ.

Do lịch di chuyển đã được ấn định nên đoàn của chị Linh đã không thể chấp nhận yêu cầu này. Sau đó, chị phải gấp rút đi tìm mua vé của hãng khác để bay vào Cần Thơ ngày 14/3 và bay ra Côn Đảo cũng bằng một hãng hàng không khác để đúng với lịch trình đã ấn định. Chị Linh đã yêu cầu hãng BamBoo Airway hoàn tiền vé đã đặt nhưng đến tận bây giờ vụ việc vẫn chưa được giải quyết.

Cũng theo chị Linh, ngày 16/3 nhân viên của Bamboo Airway đã liên hệ với chị thông báo chuyến bay thẳng từ Côn Đảo đi Hà Nội ngày 17/3 đã hết chỗ và đề nghị chị chuyển sang bay vào ngày 18/3. Do lịch trình đi lại, cũng như lịch công tác đã được ấn định, đoàn của chị Linh Trang buộc phải chấp nhận bay từ Côn Đảo vào Sài Gòn rồi từ Sài Gòn bay về Hà Nội, chấp nhận mất thời gian thêm 4 tiếng và đi transit với giá đắt hơn các hãng khác.

Tuy nhiên, có mặt tại phòng chờ ra máy bay lúc 4g chiều ngày 17/3, Bamboo Airway liên tục thông báo hoãn chuyến (delay) từ 17g05 – 17g20 – 17g35 và đến 17g45 hành khách mới được ra xe buýt trung chuyển để lên máy bay. Sau khi máy ra chuyển bánh ra đường băng cất cánh lại bất ngờ quay trở lại vị trí đỗ ban đầu và hành khách nhận được thông báo rằng là hết giờ cất cánh tại sân bay Côn Đảo, yêu cầu hành khách rời khỏi máy bay.

Bamboo Airway cắt điều hòa không khí khiến hành khách bị ngạt thở. Video: Bạn đọc cung cấp.

Tắt điều hòa, thông gió để gây sức ép với hành khách

Theo chị Linh Trang, ngoài đoàn của chị, hầu như các hành khách khác trên máy bay thời điểm trên cũng đều rơi vào hoàn cảnh tương tự là bị hủy chuyến và chấp nhận bay transit tại Sài Gòn. Bức xúc vì việc không được bay, lo sợ trước việc Bamboo Airway lại “đem con bỏ chợ”, đồng thời không biết đi đâu, về đâu vì đã trả hết phòng nghỉ tại Côn Đảo, mặt khác, sân bay Côn Đảo cách trung tâm thị trấn khá xa. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình các hành khách đã cương quyết không dời máy bay cho đến khi hãng giải thích và có phương án khắc phục thỏa đáng.

Thế nhưng chị Linh Trang cho biết, phi hành đoàn lúc đó không thấy đâu, người có trách nhiệm cao nhất của chuyến bay là phi công thì đóng chặt cửa buồng lái không ra ngoài. Người có trách nhiệm giải thích, đàm phán với hành khách là tiếp viên trưởng thì mang điện thoại ra quay hành khách mà theo chia sẻ là với thái độ thách thức khách hàng, các tiếp viên còn lại người thì chạy xuống cuối máy bay kéo rèm, người thì rời khỏi máy bay, người xuống đến giữa máy bay nhưng với thái độ im lặng không trả lời bất cứ câu hỏi, cũng như thắc mắc của hành khách.

An ninh sân bay được gọi lên để giải thích cho khách hàng dù đây là việc giữa Bamboo Airway với khách hàng. Ảnh bạn đọc cung cấp. 

An ninh sân bay được gọi lên để giải thích cho khách hàng dù đây là việc giữa Bamboo Airway với khách hàng. Ảnh bạn đọc cung cấp. 

Sau đó, có 2 nhân viên của Bamboo Airway tại sân bay Côn Đảo đã lên cố gắng giải thích, đàm phán với hành khách nhưng vì 2 nhân viên này không đủ thẩm quyền giải quyết nên các hành khách không nghe và yêu cầu người có trách nhiệm đứng ra cam kết sẽ không hủy chuyến nữa và cam kết lo cho hành khách phải ở lại Côn Đảo đêm ngày 17/3 do các hành khách đã trả hết phòng.

Vậy mà, trong lúc hành khách và hãng chưa tìm được tiếng nói chung, tiếp viên của BamBoo Airway đã gọi an ninh sân bay lên để gây sức ép với hành khách nhưng vì nhận ra không có thẩm quyền giải quyết nên đã rời khỏi máy bay. Sau đó, Bamboo Airway đã tắt điều hòa, thông gió để gây sức ép lên hành khách khiến không khí trong máy bay trở nên ngột ngạt, khiến những hành khách có hệ hô hấp yếu bị ngất xỉu.

Hành khách nôn mửa, ngất xỉu vì thiếu oxy do Bamboo Airway tắt điều hòa, thông gió. Ảnh bạn đọc cung cấp. 

Hành khách nôn mửa, ngất xỉu vì thiếu oxy do Bamboo Airway tắt điều hòa, thông gió. Ảnh bạn đọc cung cấp. 

"Đặc biệt, trong lúc Bamboo Airway tắt điều hòa, mình thấy có bạn tiếp viên chạy ra giữa máy bay mang cáng cứu thương với hộp sơ cấp cứu ra, còn bạn tiếp viên đi xuống cuối máy bay kéo rèm lúc đầu cũng mang sẵn đồ sơ cấp cứu ra”, chị Linh Trang chia sẻ.

Sau khi, khách hàng phản ứng dữ dội, Bamboo Airway mới bật lại điều hòa, hệ thống thông gió. Đồng thời đề nghị mỗi đoàn cử ra một người đại diện xuống may bay để đàm phán. Toàn bộ, hành khách trên chuyến bay đã chấp nhận rời máy bay khi BamBoo Airway cam kết sẽ không hủy chuyến bay vào ngày hôm sau và BamBoo Airway sẽ lo cho chỗ ăn nghỉ đêm 17/3.

Khách hàng đâu phải là "thượng đế"?

Từ sự việc nêu trên, đã khiến dư luận đặt ra rất nhiều câu hỏi về chuyến bay trên. Theo đó, vì sao khách hàng mà ở đây là đoàn khách của chị Linh Trang đã đặt trước vé cách đây 1 tháng rưỡi, tiền đã chuyển, không phải là đặt gấp, sát ngày bay mới đặt mua mà sát đến ngày khởi hành mới báo lại khách là máy bay hết chỗ, phải đổi chuyến sang ngày khác.

Vậy, trong vòng hơn một tháng đó, Bamboo Airway đã làm gì mà không thể sắp xếp nổi chuyến bay mà phải đến sát ngày mới thông báo?

Hành khách kiên quyết ở lại máy bay cho đến khi tìm được tiếng nói chung. Ảnh: Bạn đọc cung cấp. 

Hành khách kiên quyết ở lại máy bay cho đến khi tìm được tiếng nói chung. Ảnh: Bạn đọc cung cấp. 

Cùng với đó, theo chia sẻ của những hành khách trên chuyến bay QH1048, khi rời máy bay, hành khách phải nộp lại vé để lên danh sách cho chuyến bay ngày hôm sau. Với cách giải thích như vậy thì Bamboo Airway không nắm được danh sách hành khách trên chuyến bay QH1048 17g ngày 17/3.

Ngoài ra, theo quan sát của chị Linh Trang trên máy bay ngày 17/3 không kín chỗ với số lượng hành khách chỉ chiếm hơn một nửa chỗ ngồi. Đến ngày hôm sau, số lượng khách có tăng thêm và xuất hiện thêm nhiều gương mặt mới. Bởi cùng nhau trải qua trải nghiệm không mấy “hay ho” của ngày 17/3 nên các hành khách rất nhớ mặt nhau.

Mặt khác, dư luận cũng như các hành khách trên chuyến bay trên đều có chung một thắc mắc đó là, Bamboo Airway có nắm được thời gian cất cánh tại sân bay Côn Đảo hay không. Nếu máy bay gặp sự cố, hoặc do thời tiết thì phải thông báo là gặp sự cố không cất cánh được, thời gian khắc phục vượt quá thời gian cho phép cất cánh tại sân bay Côn Đảo. Nếu máy bay gặp sự cố, hay vì lý do thời tiết, theo chị Linh Trang hành khách vui vẻ, chấp nhận ở lại vì lý do an toàn. Chứ không thể liên tục delay rồi cho hành khách lên máy bay đi một vòng rồi yêu cầu xuống máy bay với lý do hết thời gian cất cánh.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất