Tham gia lớp tập huấn có 50 học viên là các cán bộ quản lý kỹ thuật, doanh nghiệp, HTX và bà con nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Trong 3 ngày, các học viên sẽ được trang bị các kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về nguyên lý nuôi tôm công nghệ cao, thân thiện với môi trường, an toàn và bền vững; quản lý môi trường nuôi tôm; dinh dưỡng, thức ăn nuôi tôm; nguyên lý nuôi tôm thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng ĐBSCL cũng như việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng.
Theo GS.TS Võ Ngọc Út, Hiệu trưởng Trường Thủy sản, hiện nay, nghề nuôi tôm nước lợ đã chuyển dịch sang giai đoạn mới. Người nuôi không chỉ tập trung vào một số biện pháp kỹ thuật đơn thuần như thả giống, chăm sóc, cho ăn… mà con hướng tới ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong quá trình nuôi. Tiêu biểu như công nghệ di truyền để chọn được giống tốt; công nghệ chế biến, sản xuất thức ăn hay những kỹ thuật nuôi tôm tuần hoàn, Biofloc, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa để tăng năng suất và hiệu quả trong nuôi tôm.
Do đó, việc cung cấp kiến thức để bà con nuôi tôm trở nên chuyên nghiệp là rất cần thiết. Từ đó giúp bà con nắm bắt được những nguyên lý nuôi để xử lý được tất cả các vấn đề phát sinh trong quá trình nuôi tôm, từ giai đoạn thả giống, quản lý dịch bệnh, đảm bảo môi trường…
Bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng đánh giá, chương trình tập huấn lần này có ý nghĩa rất lớn đối với bà con nông dân trong tỉnh, giúp thay đổi tư duy sản xuất, tiếp thu kiến thức mới để vận dụng tốt hơn trong vụ nuôi năm 2024.
Theo bà Bình, hiện nay trong công tác tập huấn về thủy sản cho nông dân, tỉnh Sóc Trăng đã có sự dịch chuyển theo hướng phối hợp với các viện, trường để tập trung đào tạo chuyên sâu, cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực cho hộ nuôi để bà con dễ hiểu và dễ áp dụng, góp phần vào thành công chung của Đề án nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2023 – 2025.
Trước đó, từ tháng 3/2022, trong khuôn khổ Dự án Xây dựng tổ nhóm đổi mới sáng tạo trong nuôi thủy sản ĐBSCL thuộc Dự án Nông nghiệp và Thực phẩm (MAIC – RAF) do Tổ chức Nghiên cứu công nghiệp và Khoa học khối Thịnh vượng chung (CSIRO) Úc tài trợ, Trường Thủy sản cũng đã triển khai tập huấn cho 30 hộ nuôi tôm ở tỉnh Sóc Trăng.
Với sự hỗ trợ kinh phí từ Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), ông Hồ Minh Phong, điều phối hiện trường GIZ mong muốn nhân rộng và ứng dụng những công nghệ đổi mới sáng tạo trong thủy sản để hỗ trợ việc phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững ở Việt Nam.
Hiện GIZ đang phối hợp với Trường Thủy sản và sở NN-PTNT một số địa phương vùng ĐBSCL triển khai các mô hình tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức cho người nuôi tôm, ứng dụng đổi mới sáng tạo, hướng nghề nuôi phát triển bền vững, thân thiện với môi trường...