| Hotline: 0983.970.780

Đẩy mạnh nuôi tôm công nghệ xanh, thân thiện môi trường

Thứ Tư 27/12/2023 , 18:15 (GMT+7)

Sóc Trăng Bên cạnh đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nước thải bài bản, nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ xanh ở Sóc Trăng đã chứng minh được hiệu quả bảo vệ môi trường.

Những năm qua, tỉnh Sóc Trăng xác định lĩnh vực thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, trong đó tôm nước lợ là đối tượng nuôi chủ lực.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh, ngành tôm có vai trò rất quan trọng đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Điển hình, kim ngạch xuất khẩu ngành tôm chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh và chiếm từ 20 – 25% kim ngạch xuất khẩu ngành tôm của cả nước.

Bên cạnh những khó khăn về điều kiện nuôi do biến động môi trường dẫn đến dễ phát sinh dịch bệnh. Môi trường nuôi cũng đang chịu áp lực không nhỏ cùng với sự phát triển của ngành. Thời gian qua, nhiều mô hình nuôi tôm tiên tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao đã được doanh nghiệp, hộ nuôi phát triển, nhân rộng, phát huy hiệu quả cao.

Bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nước lợ nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy ngành tôm phát triển bền vững. Ảnh: Kim Anh.

Bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nước lợ nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy ngành tôm phát triển bền vững. Ảnh: Kim Anh.

Đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có trên 5.000ha nuôi tôm theo hình thức thâm canh, siêu thâm canh, công nghệ cao với hình thức lót bạt. Công tác bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản luôn nhận được sự quan tâm của nhiều cấp, ngành ở tỉnh Sóc Trăng. Trong đó, ưu tiên phát triển ngành tôm nước lợ theo hướng nâng cao giá trị, tập trung hướng dẫn người nuôi về kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp, hiệu quả, ứng dụng công nghệ mới như: công nghệ nano, vi sinh… vào quá trình nuôi.

Ý thức được điều này, nhiều cơ sở, hộ nuôi trên địa bàn tỉnh đã có sự đầu tư bài bản hệ thống xử lý chất thải trong quá trình phát triển nghề nuôi.

Khu nuôi rộng 49.000m2 của ông Lý Văn Rắt ở ấp Cảng Buối, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu đang áp dụng quy trình nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn, với hình thức lót bạt đáy. Ngoài diện tích 3 ao nuôi chỉ chiếm 1.200m2, còn lại ông Rắt đầu tư xây dựng hệ thống xử lý gồm ao lắng, ao xử lý nước, nuôi tôm theo hình thức tuần hoàn nước khép kín.

Cụ thể, khi thực hiện xi phông thay nước, vỏ tôm, phân tôm và nguồn thức ăn thừa từ ao nuôi sẽ được tách riêng bằng túi lọc. Chất thải rắn còn lại sẽ được chuyển ra khu vực chứa thải. Nguồn nước đầu vào từ kênh cấp nước sẽ trải qua 6 ao lắng, nước từ các ao lắng đã qua xử lý sẽ chứa vào ao sẵn sàng để cung cấp cho ao ương hoặc ao nuôi. Nhờ đó, tôm nuôi sinh trưởng tốt, ít phát sinh dịch bệnh, năng suất đạt cao hơn.

Cũng thực hiện quy trình nuôi 3 giai đoạn, ứng dụng công nghệ cao, ông Châu Minh Tâm ở thị trấn Long Phú, huyện Long Phú đã đầu tư hẳn hệ thống biogas. Hệ thống này có tác dụng đưa toàn bộ nước thải, phân và vỏ tôm từ hố xi phông vào hầm biogas xử lý, trước khi đưa vào ao lắng và thải ra môi trường bên ngoài.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng tìm hiểu về công tác bảo vệ môi trường tại một số doanh nghiệp thủy sản trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Kim Anh.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng tìm hiểu về công tác bảo vệ môi trường tại một số doanh nghiệp thủy sản trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Kim Anh.

Bên cạnh đó, hiện nay tại tỉnh Sóc Trăng xuất hiện một số mô hình nuôi tôm ao nổi theo công nghệ xanh, tuần hoàn do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) phối hợp với doanh nghiệp hỗ trợ người dân chuyển đổi sang phương thức nuôi tôm theo xu hướng thân thiện môi trường.

Khác với mô hình nuôi tôm công nghiệp tuần hoàn nước, mô hình nuôi tôm công nghệ xanh được thực hiện theo nguyên lý, đưa nước từ ao nuôi ra túi biogas trước khi cho ra hệ thống kênh xả thải. Sau đó, dẫn nước trở lại trong ao nuôi để tái sử dụng, nhờ đó, hầu như không xảy ra tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm từ các chất thải tồn đọng trong quá trình nuôi.

Được biết, mô hình này đã được tổ chức GIZ triển khai tại 3 tỉnh thành nuôi tôm trọng điểm của vùng ĐBSCL là Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Việc phát triển các mô hình nuôi tôm công nghệ xanh ao nổi sẽ hướng nghề nuôi tôm phát triển ổn định và hiệu quả cao hơn.

Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có hơn 4.000 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, tập trung chủ yếu tại các huyện Trần Đề, Long Phú, Cù Lao Dung và TX Vĩnh Châu. Số liệu khảo sát của Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh cho thấy, khối lượng chất thải trong hoạt động nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh tương đối lớn. Cụ thể, lượng bùn thải từ 4,81 – 6,93 triệu m3/năm và nước thải từ 433,2 - 563,1 triệu m3/năm. Nếu lượng chất thải này không được thu gom và xử lý đúng quy định sẽ gây ảnh hưởng lớn đến môi trường.

Nhiều cơ sở, hộ nuôi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đầu tư bài bản hệ thống xử lý chất thải trong quá trình phát triển nghề nuôi. Ảnh: Kim Anh.

Nhiều cơ sở, hộ nuôi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đầu tư bài bản hệ thống xử lý chất thải trong quá trình phát triển nghề nuôi. Ảnh: Kim Anh.

Ông Bùi Như Ý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng cho biết, đơn vị đang phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ thực hiện đánh giá, lấy mẫu phân tích chất lượng nước thải môi trường ao nuôi. Từ đó, tạo cơ sở khoa học đưa ra những quy trình cũng như khuyến cáo cụ thể cho người nuôi. Trên cơ sở đó, đơn vị cũng đã xây dựng sổ tay, đề xuất giải pháp xử lý nước thải, bùn thải đảm bảo an toàn môi trường trong quá trình nuôi tôm.

Cùng với sự hỗ trợ về quy trình kỹ thuật và nguồn vốn tín dụng để phát triển các mô hình nuôi hiệu quả, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cũng đã xây dựng các giải pháp phát triển nghề nuôi tôm nước lợ mang tính bền vững. Nhất là tăng cường quản lý các cơ sở và hộ nuôi vừa sản xuất, vừa đảm bảo công tác bảo vệ môi trường.

Ông Bùi Như Ý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Sóc Trăng cho biết, đơn vị đang phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ lấy mẫu phân tích chất lượng nước thải ao nuôi, từ đó đưa ra khuyến cáo phù hợp cho người nuôi. Ảnh: Kim Anh.

Ông Bùi Như Ý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Sóc Trăng cho biết, đơn vị đang phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ lấy mẫu phân tích chất lượng nước thải ao nuôi, từ đó đưa ra khuyến cáo phù hợp cho người nuôi. Ảnh: Kim Anh.

Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cũng tăng cường củng cố, thành lập mới các hợp tác xã trong lĩnh vực thủy sản. Bởi hiện trạng đất đai riêng lẻ sẽ khó phát huy hiệu quả sản xuất và tính cộng đồng trong bảo vệ môi trường.

Với vòng quay sản xuất nhanh, hạn chế tối đa thiệt hại trên tôm nuôi, mô hình nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh đang là xu hướng phát triển của ngành tôm. Tuy nhiên, chỉ khi vấn đề đảm bảo môi trường được đặt song hành với lợi ích kinh tế và một quy trình nuôi bài bản mới phát huy được hiệu quả, giữ cho ngành tôm phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và giữ vững vị thế là ngành kinh tế mũi nhọn của Sóc Trăng.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.