| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đổi sản xuất tuần hoàn, giữ an toàn môi trường nuôi trồng thủy sản

Thứ Hai 25/12/2023 , 08:28 (GMT+7)

SÓC TRĂNG Kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm trong hoạt động nuôi trồng thủy sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm song hành với sự phát triển của ngành thủy sản tỉnh Sóc Trăng.

Ngày 26/4/2023, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 80/KH-UBND nhằm triển khai kịp thời, hiệu quả Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 29/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 – 2030.

Địa phương này đề ra mục tiêu phòng ngừa, kiểm soát nguồn thải trong các hoạt động thủy sản có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Từ đó có những đánh giá tổng thể về nguồn thải trong hoạt động khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản nhằm chủ động giải quyết các vấn đề môi trường phát sinh.

Năm 2023, ngành thủy sản tỉnh Sóc Trăng cơ bản hoàn thành chỉ tiêu về diện tích xuống giống và sản lượng thu hoạch. Ảnh: Kim Anh.

Năm 2023, ngành thủy sản tỉnh Sóc Trăng cơ bản hoàn thành chỉ tiêu về diện tích xuống giống và sản lượng thu hoạch. Ảnh: Kim Anh.

Đặc biệt, kế hoạch này nhấn mạnh đến việc thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong nuôi trồng thủy sản. Cụ thể là áp dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên thủy sản. Thực hiện chuyển đổi sản xuất thủy sản hữu cơ, sử dụng nguồn nguyên liệu thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trên tinh thần đó, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng đã tích cực lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch này vào các chương trình mục tiêu quốc gia và dự án phát triển thủy sản bền vững của tỉnh. Tăng cường tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng gắn liền với công tác bảo vệ môi trường, nhất là các kỹ thuật tuần hoàn nước, cải tạo ao.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, trong năm 2023, đơn vị đã tổ chức được 10 lớp tập huấn cho bà con nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Trọng tâm của những lần tập huấn này là giúp hộ nuôi nhận diện được các mối nguy gây mất an toàn môi trường, cũng như biện pháp khắc phục khi có sự cố môi trường phát sinh trong quá trình nuôi.

Đồng thời, ngành thủy sản tỉnh cũng phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Mỹ Xuyên và Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu giới thiệu hộ tự nguyện tham gia mô hình ứng dụng túi biogas.

Tại hội nghị tổng kết kết quả sản xuất thủy sản năm 2023, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, bà Quách Thị Thanh Bình (ảnh), Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng đánh giá, công tác bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: Kim Anh.

Tại hội nghị tổng kết kết quả sản xuất thủy sản năm 2023, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, bà Quách Thị Thanh Bình (ảnh), Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng đánh giá, công tác bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: Kim Anh.

Ngoài ra, bà con nông dân cũng được tổ chức đi tham quan, học tập kinh nghiệm trong việc ứng dụng hố, túi biogas, bể composite để chứa chất thải trong nuôi tôm tại tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.

Những cách làm này bước đầu giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của các hộ nuôi, chung tay cùng ngành nông nghiệp giữ vững đa dạng sinh học, an toàn môi trường và từng bước nhân rộng, lan tỏa ra cộng đồng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh.

Bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng đánh giá, năm 2023, ngành thủy sản nói chung và nghề nuôi tôm nước lợi nói riêng trên địa bàn tỉnh đối diện với nhiều khó khăn, thăng trầm. Tuy nhiên, những tháng cuối năm đã bước vào giai đoạn ổn định và đến thời điểm này, tỉnh Sóc Trăng đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu về diện tích xuống giống và sản lượng thu hoạch.

Cụ thể, kết quả thả nuôi cả năm 2023 đạt trên 53.500ha, vượt gần 5% kế hoạch. Tỷ lệ thiệt hại được khống chế ở mức dưới 4,7%. Sản lượng tôm nuôi tính đến cuối năm ước đạt hơn 206.300 tấn.

Đánh giá về chất lượng môi trường trong nuôi trồng thủy sản những năm gần đây, lãnh đạo ngành thủy sản tỉnh Sóc Trăng phấn khởi khi đã có nhiều chuyển biến. Nhất là người dân ý thức được việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của cộng đồng. Đồng thời, đây cũng là một trong những giải pháp giúp việc nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả hơn, hạn chế dịch bệnh.

Thời gian tới, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh triển khai các mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng tuần hoàn, thu gom, xử lý chất thải để tạo thành phân hữu cơ hoặc chất đốt. Ảnh: Kim Anh.

Thời gian tới, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh triển khai các mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng tuần hoàn, thu gom, xử lý chất thải để tạo thành phân hữu cơ hoặc chất đốt. Ảnh: Kim Anh.

Tại HTX Thủy sản Toàn Thắng ở xã Vĩnh Hiệp (thị xã Vĩnh Châu) có 72 thành viên, canh tác 165ha tôm nước lợ. Trong đó, 40% thành viên đã ứng dụng nuôi tôm 2 – 3 giai đoạn. Ngoài ra, khoảng 125ha đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn ASC. Nhờ đó, giá bán tôm của bà con xã viên trong HTX luôn cao hơn thị trường 2.500 đồng/kg.

Đi đến thành công này, ông Phạm Văn Mừng, Giám đốc HTX Toàn Thắng cho rằng chính là nhờ chiến lược “giảm rủi ro, tăng lợi nhuận” đã được HTX vạch ra bài bản. Cụ thể, HTX đã lập ra 5 nhóm quản lý, mỗi nhóm có từ 10 – 15 thành viên và nhắc nhở nhau trong việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, tuân thủ tốt lịch thời vụ của ngành chuyên môn khuyến cáo. Đồng thời, thả tôm tùy theo điều kiện thời tiết, thị trường, thả thăm dò, không ồ ạt.

Ông Mừng tự tin hiện nay, bà con xã viên HTX Toàn Thắng đang thực hiện khá tốt những cam kết về bảo vệ môi trường.

“Được chứng nhận ASC nếu không làm tốt việc bảo vệ môi trường sẽ rất có lỗi. Mỗi thành viên HTX đều thực hiện nuôi theo quy trình khép kín, xử lý tuần hoàn nước. Bên cạnh đó, chúng tôi có ao lắng lọc và ao thải rõ ràng, không bơm ra kênh rạch”, ông Mừng cho biết.

Cùng với việc đầu tư các công trình, phân việc cụ thể thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng thực hiện lồng ghép nhiều chính sách để hỗ trợ người nuôi tôm ứng dụng máy móc, trang thiết bị, công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả quản lý môi trường.

Áp dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi sản xuất thủy sản hữu cơ... là những bước đi hiện thực hóa công tác bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

Áp dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi sản xuất thủy sản hữu cơ... là những bước đi hiện thực hóa công tác bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

HTX Thủy sản Toàn Thắng đã được tỉnh hỗ trợ máy đo quan trắc nguồn nước. Thiết bị này phục vụ đắc lực cho công tác quản lý ao nuôi trước những biến động của môi trường.

Thời gian qua, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cũng tích cực phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) tuyên truyền những quy định của pháp luật để người dân hiểu và thực hiện đúng theo quy định. Đồng thời phối hợp với Phòng Kinh tế, Phòng NN-PTNT các huyện, thị xã tham quan học hỏi những mô hình hay. Khi triển khai thực tế, đơn vị cũng xây dựng các quy trình nuôi vừa đảm bảo phát huy hiệu quả nuôi trồng, vừa góp phần bảo vệ môi trường, đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu.

Năm 2024, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng dự kiến triển khai thêm một số mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng kinh tế tuần hoàn; thu gom, xử lý chất thải để tạo thành phân hữu cơ hoặc chất đốt, tăng thêm nguồn thu, lợi nhuận cho hộ nuôi.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.