| Hotline: 0983.970.780

Trang trại khép kín từ giống, thức ăn tới chế biến sản phẩm

Thứ Sáu 02/02/2018 , 08:50 (GMT+7)

Thành lập hơn 20 năm nay, trang trại Gia Phát (xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi) hiện đang là một trong những trại chăn nuôi heo co quy mô lớn nhất ở ngoại thành TP HCM.

Đây là một mô hình chăn nuôi an toàn khép kín từ con giống, thức ăn chăn nuôi tới heo thương phẩm và sản phẩm chế biến từ thịt heo cung cấp ra thị trường.

16-14-49_tri-heo-gi-pht
Trại sản xuất giống của trang trại Gia Phát (Ảnh: TS)

Trang trại chăn nuôi heo Gia Phát được ông Trầm Quốc Thắng thành lập từ năm 1997 trên diện tích 2 ha, với quy mô 200 con heo thịt. Sau hơn 20 năm phát triển, đến nay, diện tích của trang trại đã rộng gấp tới 7,5 lần (15 ha) so với hồi mới hình thành. Trang trại Gia Phát hiện gồm 2 khu chăn nuôi. Một khu chuyên sản xuất heo giống với quy mô đàn nái là 1.000 con. Khu kia chuyên nuôi heo hậu bị và heo thương phẩm, quy mô 5.000 con.

Trong suốt nhiều năm sau khi thành lập, Gia Phát chủ yếu tập trung nuôi heo thương phẩm bán cho thương lái. Từ năm 2012, Gia Phát đầu tư vào sản xuất heo giống chất lượng cao. Với khoản vốn vay 20 tỷ đồng từ Agribank Chi nhánh Củ Chi và được sự hỗ trợ lãi suất của TP theo chương trình khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, Gia Phát đã xây dựng được khu trại giống heo hiện đại.

Để có được đàn heo giống chất lượng cao, ông chủ Trầm Quốc Thắng đã nhiều lần lặn lội sang tận các nước có nền chăn nuôi phát triển như Canada, Mỹ … tìm mua con giống cụ kỵ. Bên cạnh đó, trang trại Gia Phát vẫn thường xuyên NK thêm con giống có chất lượng cao từ nước ngoài. Với quy mô đàn nái như trên, từ lâu, Gia Phát đã chủ động hoàn toàn nguồn con giống cung ứng cho nhu cầu nuôi thương phẩm của trang trại và cung ứng cho cả các trang trại khác trong HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong. Nguồn heo giống do Gia Phát sản xuất đảm bảo yêu cầu sạch bệnh, có khả năng tăng trưởng tốt khi nuôi thương phẩm.

Gia Phát cũng là một trong số ít trang trại tự chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi. Vốn là tốt nghiệp Khoa Chăn nuôi – Thú y (ĐH Nông Lâm TP HCM), lại đã từng là chủ một đại lý lớn ở Củ Chi về TĂCN, Trầm Quốc Thắng đã tích lũy được những kiến thức sản xuất TĂCN an toàn, bảo đảm sự tăng trưởng và hiệu quả kinh tế cho đàn heo. Trên cơ sở đó, ông chủ trại Gia Phát đã tổ chức sản xuất thức ăn đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn để cung ứng cho toàn bộ đàn heo của trang trại.

Năm 2009, Gia Phát cùng 7 trang trại heo khác ở các huyện Củ Chi và Hóc Môn, đã liên kết với nhau, cùng thành lập HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong. Toàn bộ các trại đều tiến hành chăn nuôi theo đúng quy trình an toàn sinh học, để sản xuất ra thịt heo đạt tiêu chuẩn ATVSTP. Nhờ vậy, trang trại Gia Phát đã được chứng nhận VietGAHP từ nhiều năm nay.

Không dừng ở khâu chăn nuôi xuất bán cho thương lái, trong năm 2017, Trầm Quốc Thắng đã mạnh dạn vay thêm vốn từ Agribank, đầu tư xây dựng một xưởng chế biến các sản phẩm từ thịt heo như xúc xích, giò chả…, đảm bảo các tiêu chuẩn ATTP về chế biến thực phẩm. Đây là một bước đi táo bạo, vừa làm tăng giá trị cho con heo, vừa giảm áp lực tiêu thụ heo thương phẩm mỗi khi thị trường không thuận lợi. Đến thời điểm này, xưởng chế biến của Trầm Quốc Thắng đã sản xuất được 60% mã hàng theo dự kiến ban đầu, với sản lượng 1 tấn sản phẩm/ngày (công suất thiết kế là 3 tấn sản phẩm/ngày). Những sản phẩm đầu tiên đã bắt đầu được đưa ra thị trường trong khu vực và được khách hàng đón nhận.

Do áp dụng quy trình chăn nuôi hiện đại, khép kín đảm bảo ATTP, giảm được đáng kể chi phí sản xuất, nên trong nhiều năm qua, kể cả những khi thị trường không thuận lợi, trang trại Gia Phát vẫn luôn phát triển một cách ổn định, vững vàng, đạt hiệu quả kinh doanh.

Hiện tại, bình quân mỗi tháng, Trang trại Gia Phát có doanh thu từ heo thương phẩm vào khoảng 5 tỷ đ/tháng. Còn ở khâu chế biến, khi đi vào ổn định, doanh thu mỗi tháng ước đạt khoảng 6 tỷ đồng. Với lợi nhuận khoảng 10%, có thể nói Gia Phát đang là một trong những trang trại heo hàng đầu ở TP HCM cả về quy mô và hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, trang trại đã xây dựng thành công mô hình khép kín, đảm bảo ATTP từ con giống, thức ăn tới nuôi thương phẩm và chế biến các sản phẩm từ thịt heo.

 

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hỗ trợ vật tư cho vùng măng tây lớn nhất Ninh Thuận

NINH THUẬN 08 hộ dân thực hiện mô hình trồng thâm canh cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại xã An Hải (huyện Ninh Phước) được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV...

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.