| Hotline: 0983.970.780

Trang trại rau quả người mua tấp nập vào tự chọn, tự hái, tự trả tiền

Thứ Tư 19/04/2023 , 14:41 (GMT+7)

HƯNG YÊN Trang trại của ông Sử sản xuất rau quả theo hướng hữu cơ, kết hợp với hoạt động trải nghiệm, không chỉ giúp sản phẩm tiêu thụ dễ dàng mà còn có giá rất cao.

Vườn dưa lê Hàn Quốc mới xuống giống. Ảnh: Hải Tiến.

Vườn dưa lê Hàn Quốc mới xuống giống. Ảnh: Hải Tiến.

Đến thăm trang trại sản xuất rau quả theo hướng hữu cơ của ông Bùi Xuân Sử ở xã Hồng Nam, TP Hưng Yên (Hưng Yên), chúng tôi đã bị thuyết phục bởi sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, đạt hiệu quả cao của ông chủ trang trại này.

Trên diện tích 6ha mới thuê mượn, ông Sử gieo trồng đủ các loại rau quả theo phương châm mùa nào thức ấy. Bên cạnh sản xuất nhiều thứ rau ăn lá như cải canh, cải ngọt, rau ngót, rau dền, mồng tơi, rau muống, rau đay..., ông Sử còn trồng nho, dâu tây, chưa chuột và dưa lê Hàn Quốc. Ngoài ra, ông còn trồng gần 200 gốc nhãn Hương Chi ở vườn nhà trong làng. Tất cả số rau quả này đều canh tác theo hướng hữu cơ bền vững, không dùng giống biến đổi gien, không bón phân hoá học và không chất kích thích sinh trưởng.

Dâu tây sản xuất theo hướng hữu cơ tại trang trại ông Sử. Ảnh: Hải Tiến.

Dâu tây sản xuất theo hướng hữu cơ tại trang trại ông Sử. Ảnh: Hải Tiến.

Để đảm bảo đủ dinh dưỡng cân đối cho cây trồng, ông Sử phải mua gần 100 tấn phân gà, hạt đậu tương và phụ phẩm cá nước ngọt các loại, sau đưa vào ngâm, ủ với chế phẩm vi sinh tới hoai mục mới đem bón hoặc pha tưới cho đồng ruộng.

Trong phòng trừ sâu bệnh hại rau quả, ông Sử cũng luôn ưu tiên sử dụng thuốc BVTV sinh học, chỉ dùng thuốc hoá học khi sâu bệnh hại vượt ngưỡng kinh tế cho phép (trên 5%) và cũng chỉ phun và dùng thuốc theo hướng dẫn của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản của tỉnh nhà.

Nhằm chủ động nguồn phân bón vi sinh tại chỗ với giá thành thấp, chất lượng đảm bảo, ông Sử đã lên Học viện Nông nghiệp Việt Nam hỏi cách lên men chuối chín, sử dụng nước mưa, mật rỉ đường với chế phẩm EM rồi tự chế thành công, chắt lấy dung dịch, pha loãng tưới cho cây rau. Để tăng thêm diện tích gieo trồng, ông Sử luôn khai thác triệt để đặc tính sinh lý các loại cây trồng cho xen canh, gối vụ như trồng nho xen với dâu tây...

Nho trồng trong trang trại của ông Sử. Ảnh: Hải Tiến.

Nho trồng trong trang trại của ông Sử. Ảnh: Hải Tiến.

Theo ông Sử tự chế được dung dịch vi sinh, kết hợp với bón lót tro bếp mục trước khi gieo trồng, cho phép thay thế hoàn toàn lượng kali hoá học cần bón trên cây trồng, giúp cây khai thác triệt để tiềm năng dinh dưỡng có trong phân hữu cơ và keo đất. Nhờ đó, cây trồng sinh trưởng khoẻ hơn, mầm lá xanh non mỡ màng hơn và tiết kiệm được đáng kể chi phí mua phân bón trong vườn.

Đáng chú ý, trong khâu tiêu thụ sản phẩm làm ra, ông Sử luôn khuyến khích khách mua trực tiếp vào vườn, tự lựa chọn thu hái các loại rau quả theo chất lượng và số lượng như ý, sau trả tiền trực tiếp hoặc trực tuyến qua tài khoản ngân hàng ghi trên biển hiệu nhà vườn, rất tiện dụng cho người mua hàng.    

Bằng những cách làm mới và sáng tạo này, các loại rau quả làm ra từ trang trại của ông Sử luôn bán được với giá cao hơn sản phẩm cùng loại ở bên ngoài từ 50 - 120%. Điển hình như dâu tây ngoài chợ bán 100.000 đồng/kg, ông Sử bán tại vườn 250.000 đồng/kg, dưa chuột ngoài chợ bán 20.000 đồng/kg, trong trang trại bán 37.000 đồng/kg... mà khách hàng vẫn đến mua và tự chọn hái rau quả tấp nập, sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu.

Phân gà ủ với chế phẩm Trichoderma dùng bón thay hoàn toàn cho phân NPK. Ảnh: Hải Tiến.

Phân gà ủ với chế phẩm Trichoderma dùng bón thay hoàn toàn cho phân NPK. Ảnh: Hải Tiến.

Vụ thu đông 2022 vừa qua, ông Sử mới trồng thử nghiệm 3 sào dâu tây, 5 sào nho và hơn 1ha rau các loại, thu được 370 triệu đồng (trừ hết mọi chi phí đầu tư), riêng quý I/2023 này, ông Sử đã thu được 80 triệu đồng.

Đặc biệt, vườn nhãn hữu cơ của ông Sử cũng đã được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đến thăm, động viên, khích lệ. Vườn nhãn của ông thời gian qua đã thu hút được gần 3.000 khách hàng và nhà nông từ khắp các địa phương tới thăm quan, học hỏi và mua nhãn quả làm quà.

Phát huy kết quả thu được, năm 2023 này, ông Sử tiếp tục mở rộng, nâng diện tích trồng dâu tây lên 2 mẫu (7.200m2) và 1,3 mẫu nho, 0,8 mẫu dưa lê Hàn Quốc, còn lại trồng dưa chuột và rau ăn lá theo mùa. Trong đó làm mới 2.000m2 nhà màng, nhà lưới trồng các loại rau mẫm cảm cao với sâu bệnh nhằm khai thác lợi thế của nhà màng, nhà lưới, nhất là tránh được sâu bệnh hại và rủi ro thời tiết.

Thùng ngâm cá nước ngọt phế phẩm với chế phẩm vi sinh để bón cho cây rau thay đạm hoá học. Ảnh: Hải Tiến.

Thùng ngâm cá nước ngọt phế phẩm với chế phẩm vi sinh để bón cho cây rau thay đạm hoá học. Ảnh: Hải Tiến.

Để tiêu thụ hết sản lượng rau quả sản xuất ra từ trang trại, bên cạnh hình thức bán tự chọn, tự thu hái tại vườn, ông Sử còn nhận hợp đồng cung ứng rau xanh cho bếp ăn tập thể, các trường học trên địa bàn TP Hưng Yên và phụ cận...

“Có được thành công ngoài sự mong đợi này là nhờ trang trại luôn được Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản (Sở NN-PTNT Hưng Yên) tư vấn kỹ thuật trồng, hỗ trợ kiểm nghiệm và chứng nhận rau quả an toàn kip thời trước khi tới tay người tiêu dùng”, ông Bùi Xuân Sử phấn chấn khoe.  

Xem thêm
Phó Cục trưởng NAFIQPM: 'Giá lợn hơi sẽ duy trì ở mức cao'

Theo dự báo, giá lợn hơi sẽ duy trì ở mức cao, tuy nhiên khó có khả năng tăng đột biến nếu công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện tốt.

Chạy đua tiêm phòng vacxin đợt 1 cho đàn vật nuôi

HÀ TĨNH Để đảm bảo kết thúc tiêm phòng cho đàn vật nuôi xong trước ngày 30/5, tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương chỉ đạo lực lượng chuyên môn đẩy nhanh tiến độ tiêm.

Những mầm xanh vươn lên từ vùng đất khắc nghiệt

SƠN LA Từ nương rẫy bạc màu, chị Hường vươn lên với mô hình ươm cây giống trong nhà màng, mở ra hướng đi bền vững cho nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Vân Hồ.

Đại sứ Colombia: ‘Chính sách tốt bắt nguồn từ cơ sở khoa học vững chắc’

Bà Camila nhấn mạnh điều này khi trao đổi với CIAT và cho rằng Chính phủ các quốc gia phải có trách nhiệm trong việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

Bảo tồn giống cây trồng bản địa của Bình Định

Để giữ gìn tri thức bản địa miền núi Bình Định, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đã bảo tồn các giống lúa rẫy, ngô nếp, sắn ngọt…

TP Hạ Long thả 200.000 con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản

QUẢNG NINH Lãnh đạo cùng nhân dân TP Hạ Long đã tiến hành thả 200.000 con giống thủy sản, bao gồm các loại tôm sú, cá vược, cá tráp về môi trường tự nhiên.

Hơn 10 nghìn ha nứa, vầu, luồng chết khô, người dân ngồi trên đống lửa

THANH HÓA Theo thống kê ban đầu, hiện toàn huyện Quan Sơn đã có trên 10 nghìn ha nứa, vầu, luồng bị chết khô (khuy sinh học).

Bình luận mới nhất