Trang trại thuộc Cty TNHH Dịch vụ Bảo Ngọc, trụ sở đóng tại xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn do anh Dương Tiến Thành làm giám đốc.
Giám đốc Dương Tiến Thành (cầm sổ tay) đang hướng dẫn cho khách cách nuôi trùn quế
Gặp tôi, Thành bảo: "Cty của em từ trước tới nay chủ yếu là SX phân hữu cơ vi sinh, đầu vào là nguồn phân bò của trang trại bò sữa TH và mùn mía của Cty Mía đường Nghệ An (Nasu). Xét thấy trùn quế là một sản phẩm mà nông dân rất ưa chuộng để phát triển nghề chăn nuôi gia cầm, thủy sản, do vậy qua tìm tòi học tập trong sách, báo, lại được một số nhà khoa học động viên, nên mấy năm trước em đã vào các trang trại nuôi trùn quế ở huyện Củ Chi học hỏi kinh nghiệm rồi mua giống về SX thử nghiệm.
Kết quả là giống trùn quế tại đây phát triển rất mạnh, vì chúng rất thích nghi với nguồn thức ăn từ phân bò đã qua xử lý. Cũng từ đây Dương Tiến Thành đầu tư mở rộng cơ sở SX trùn quế thành một trang trại có quy mô lớn nhất tỉnh.
Tổng diện tích nuôi nằm trên khuôn viên 1.200m2, được chia thành 6 luống nuôi. Mỗi luống có kích thước: Dài 37m, rộng 5m và chiều cao mỗi luống 0,6m. Khoảng cách giữa các luống có chiều rộng 2,5m để tạo đường đi cho xe chuyên dùng cung cấp nguồn phân lên mặt luống cho trùn ăn và thu hoạch sản phẩm. Như vậy thể tích sinh khối cho một luống nuôi là 111m3. Phía trên dàn nuôi được bố trí lắp đặt bằng mái tôn chống nóng, tuy nhiên về mùa hè mái tôn luôn được làm mát, bằng cách bơm phun nước từ giếng khoan lên.
Công nhân Cty Bảo Ngọc kiểm tra mức độ sinh sản của trùn
Về quy cách chăn nuôi, Thành cho biết: Hàng ngày xe máy chuyên dùng phải chạy vào các luống rải lên bề mặt một lớp phân đã qua xử lý, có chiều dày 1 - 2cm. Sau đó lại phải bơm phun bằng nước sạch, để cho phân có độ ẩm từ 40- 45% (có thể dùng tay nắm chặt phân có nước rịn ra là được).
Kết quả, theo Thành thì khi mới nuôi từ ấu trùng đến lúc thu hoạch phải mất 6 tháng. Nhưng sau đó thì cứ 2 tháng Thành lại thu hoạch 1 lần. Đầu tháng này Thành thu hoạch được 1,8 tấn trùn thương phẩm/1 luống nuôi. Với giá bán tại chỗ được 25.000 đ/kg, thành ra mỗi luống thu được 45 triệu đồng. Với cách thu hoạch theo hình thức cuốn chiếu, trong 2 tháng Thành đã thu được 270 triệu đồng/ 6 luống nuôi. Tính ra mỗi năm Thành thu hoạch 6 lần được 1,6 tỷ đồng.
Thành phân tích thêm, ngoài thu hoạch trùn thương phẩm, chủ yếu bán cho các trang trại lớn chuyên SX chăn nuôi gia cầm và thủy sản ở Thanh Hóa, Hà Nội, thì mùn phân của trùn cũng là mặt hàng rất hút khách. Bởi đây là loại phân hữu cơ rất thích hợp cho các nhà vườn chuyên sản xuất rau củ quả sạch. Số tiền thu được từ mùn phân trùn, giá 1.200 đ/kg đã bù đắp một lượng kinh phí rất cho chi phí chăn nuôi trùn thương phẩm.
Dưới lớp phân bò, trùn sinh sôi dày đặc
Đánh giá về thị trường sản xuất trùn quế hiện nay, vị giám đốc trẻ này cho biết: Nuôi trùn quế không phức tạp, nhà nông nào cũng làm được để làm thức ăn cho gia cầm và thủy sản. Thế nhưng để duy trì thường xuyên thì rất khó, bởi nguồn thức ăn cho trùn chủ yếu là phân trâu, bò. Mà phân trâu, bò của các nông hộ thì hầu như nhỏ lẻ. Thế nên trang trại nuôi trùn quế này chắc chắn sẽ ổn định phát triển đi lên, bởi nguồn phân của tập đoàn bò sữa TH là rất lớn. |