Theo đó cảnh quay video cho thấy một cánh đồng lúa mì ở Trung Quốc đã bị phá bỏ ngay trước khi chín và sắp đến thời kỳ thu hoạch đúng vào thời điểm giá lúa mì thế giới đang tăng vọt đã gây ra nhiều tranh cãi, cả trên cộng đồng mạng lẫn giới chuyên gia nông nghiệp.
Có người thì đặt dấu hỏi, nghi ngờ về chất lượng lúa mì của Trung Quốc ở một số khu vực không đảm bảo. Trong khi đó các luồng dư luận khác thì khẳng định nông dân gặt lúa mì còn xanh để bán làm thức ăn ủ chua cho gia súc, hay có nguồn thì nói, cánh đồng lúa mì đang được giải phóng mặt bằng cho các dự án xây dựng.
"An ninh lương thực có thể được đảm bảo miễn là nông dân có thể kiếm tiền bằng cách trồng ngũ cốc", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc Đường Nhân Kiện phát biểu như trên tại một cuộc họp báo hồi tháng Hai. “Chúng tôi cam kết sẽ cải thiện hệ thống để bảo vệ thu nhập của nông dân trồng ngũ cốc và tăng giá thu mua lúa mì tối thiểu một cách hợp lý”, ông Đường tuyên bố.
Theo một số trang tin địa phương, hiện Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đang cử lực lượng chức năng điều tra nguyên nhân cụ thể xem liệu có hay không việc phá bỏ trái phép đối với cây lúa mì.
Hầu hết nông dân đều cho rằng, việc người dân thu hoạch lúa mì non là để bán cho các xi lô làm thức ăn ủ chua cho gia súc bởi lợi nhuận cao hơn. Một số chuyên gia và những người trong ngành đồng thời cho biết, diện tích các cánh đồng lúa mì được thu hoạch non để ủ chua “quá ít để có thể gây ra bất kỳ cuộc khủng hoảng lương thực nào”.
Các nguồn tin địa phương cho biết, hiện giá mỗi mu lúa mì của họ đang được bán với giá 1.500 nhân dân tệ (tương đương 220 đô la Mỹ). Trong khi đó lúa mì chín thu hoạch sau đó chỉ có thể bán được bán với giá trung bình từ 1.000 đến 1.300 nhân dân tệ/mu .
Hiện vẫn chưa rõ video đã được quay cụ thể ở đâu, cũng như diện tích đất trồng trọt có liên quan. Đoạn video xuất hiện chỉ vài tuần trước thời kỳ thu hoạch lúa mì vào cuối tháng Năm hoặc đầu tháng Sáu.
Các chuyên gia trong ngành cho biết, nông dân hoàn toàn có thể bán lúa mì non của họ làm thức ăn ủ chua để bù đắp cho sự thiếu hụt ngô – loại cây trồng chính vẫn được sử dụng làm nguồn thức ăn gia súc do năng suất và giá trị dinh dưỡng cao hơn.
Ông Xu Yuanlin, một người quản lý tại một trang trại bò sữa ở tỉnh Thiểm Tây nói rằng, hiện nhiều trang trại chăn nuôi đang thiếu nguồn thức ăn cho gia súc do đã không dự trữ đủ ngô. Nguyên nhân chính là do các đợt lũ lụt và mưa lớn hồi mùa thu năm ngoái đã ảnh hưởng mạnh đến năng suất ngô, đặc biệt ở tỉnh Hà Nam miền trung nước này - nơi sản xuất khoảng 1/4 lượng lúa mì của cả nước - sau trận lũ lụt kinh hoàng hồi tháng 7 năm ngoái.
Người đàn ông 57 tuổi này cho biết: “Chúng tôi đang phải mua lúa mì làm thức ăn cho gia súc với giá khoảng 600 nhân dân tệ/ tấn, trong khi đó giá ngô thường ở mức 450 nhân dân tệ/ tấn. Tuy nhiên các si lô ngô ủ chua dự kiến sớm thì cũng phải tới cuối tháng 9 năm nay mới có nguyên liệu, cho nên chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài lúa mì”.
Số liệu chính thức cho thấy, vào năm 2021, sản lượng lúa mì của Trung Quốc đạt diện tích 354 triệu mu, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020, đảo ngược đà giảm trong 4 năm liên tiếp.
Một chuyên gia phân tích tài chính đã viết trong một báo cáo hôm thứ Tư rằng, giá lúa mì thấp trong thời gian dài những năm vừa qua cộng với chi phí phân bón, máy móc nông nghiệp và các chi phí sản xuất khác trong năm nay có thể là nguyên nhân thúc đẩy một số nông dân cắt lúa mì sớm. Báo cáo lưu ý rằng đó là hành vi ngắn hạn trên quy mô hạn chế và phần lớn không có khả năng làm gián đoạn nguồn cung ngũ cốc.
Mặc dù vậy, các video lan truyền cùng nhiều tranh cãi trên mạng xã hội và giới truyền thông cũng đã thu hút sự chú ý của các nhà chức trách. Bộ Nông nghiệp và Nông thôn đã yêu cầu chính quyền các địa phương tiến hành điều tra nguyên nhân phá bỏ lúa mì non và xử phạt các trường hợp vi phạm. Chính quyền tỉnh Hà Nam cũng thì khẳng định rõ không ai “được hủy hoại lúa mì vì bất kỳ lý do gì hoặc sử dụng lúa mì để ủ chua”.
Trên nền tảng mạng xã hội Weibo, nhiều người dùng trực tuyến đã chỉ trích nông dân “vì lợi nhuận riêng trước an ninh lương thực vào thời điểm cả thế giới đang lo ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Tuy nhiên một số ý kiến lại cho rằng điều quan trọng là phải đảm bảo sinh kế của nông dân.
(1 mu bằng 0,066666667 ha)