| Hotline: 0983.970.780

Trao quyền tự chủ đơn vị sự nghiệp công

Thứ Tư 15/07/2015 , 09:53 (GMT+7)

Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, đơn vị bảo đảm kinh phí hoạt động càng nhiều thì mức độ tự chủ càng cao.

Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (NĐ 16) đã kịp thời đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của hoạt động sự nghiệp công theo hướng tăng cường trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; khuyến khích các đơn vị có điều kiện vươn lên tự chủ.

Tại hội nghị hướng dẫn triển khai, quán triệt NĐ 16, được Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 14/7, bà Nguyễn Thị Hải, Trưởng phòng Sự nghiệp Kinh tế, Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, việc ban hành NĐ 16 (có hiệu lực từ ngày 6/4/2015) thay thế NĐ 43/2006/NĐ-CP đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới, phát triển của hoạt động sự nghiệp công trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều điểm mới nổi bật.

Thứ nhất, căn cứ vào mức độ tự đảm bảo kinh phí chi phí đầu tư và chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập được phân chia thành 4 loại: Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi phí thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Thứ hai, đơn vị bảo đảm kinh phí hoạt động càng nhiều thì mức độ tự chủ càng cao để khuyến khích các đơn vị tăng thu, giảm dần bao cấp từ ngân sách nhà nước (NSNN).

Cụ thể, các đơn vị sự nghiệp công lập  tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được giao quyền tự chủ khá rộng như được quyết định số lượng người làm việc, được vay vốn tín dụng ưu đãi của nhà nước hoặc hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư sử dụng vốn vay của các tổ chức tín dụng theo quy định, được tự quyết định mức trích quỹ bổ sung thu nhập mà không bị khống chế như các loại hình đơn vị sự nghiệp khác.

Bên cạnh đó, để có bước đi phù hợp nhằm tạo điều kiện từng bước thực hiện tính đủ giá dịch vụ sự nghiệp công vào chi phí, NĐ 16 đã dành một mục quy định cụ thể về giá, phí dịch vụ sự nghiệp công.

Trong đó quy định rõ về cách xác định giá dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí NSNN và giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN.

Đồng thời quy định lộ trình tính giá cho từng giai đoạn.

Ví dụ, đến năm 2016, mức giá tính đủ tiền lương; đến năm 2018, mức giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý (chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định); đến năm 2020, mức giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.

Về tiến độ thực hiện nhiệm vụ tài chính trong triển khai NĐ 16, ông Phạm Văn Hưng, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ NN-PTNT) cho biết ngày 13/4/2015, Vụ Tài chính đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan đề xuất danh mục sự nghiệp công sử dụng NSNN, đến nay có 71/90 đơn vị đã báo cáo gửi về Bộ. Các đơn vị chưa báo cáo thì trước ngày 30/7/2015 phải gửi về Bộ.

Ngày 6/7/2015, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định số 2666/QĐ-BNN-TCCB thành lập Tổ công tác xây dựng và thẩm định danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN bao gồm các Vụ: Tài chính, Tổ chức cán bộ, KH-CN và MT, Pháp chế.

Tổ công tác sẽ lên kế hoạch thảo luận và làm việc với một số đơn vị theo khối: Sự nghiệp khoa học, sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp y tế, sự nghiệp đào tạo… trong tháng 8/2015, sau đó tổng hợp và xin ý kiến các đơn vị, báo cáo Bộ để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2015.

Về kế hoạch xây dựng ngân sách 2016, ông Hưng lưu ý: Riêng khối sự nghiệp khoa học, khi xây dựng và phân bổ dự toán của các đơn vị sự nghiệp thực hiện theo NĐ 16, cách thức sẽ có sự thay đổi theo hướng đặt hàng trên cơ sở giá dịch vụ công; đặc biệt các Cục: Quản lý chất lượng, BVTV, Thú y sẽ có sự tách bạch rõ ràng giữa cơ quan và tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ.

Ông Nguyễn Minh Nhạn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NN-PTNT), nhận định:

Khi thực hiện NĐ 16, hoạt động của các đơn vị trong khối KHCN sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bởi có nhiều dịch vụ công rất khó xã hội hóa nhằm tự chủ nguồn tài chính nếu không có NSNN.

Bên cạnh đó, từ 1/1/2017, Luật NSNN sửa đổi, phí, lệ phí có hiệu lực ảnh hưởng tới việc xây dựng và phân giao dự toán, đặc biệt là các đơn vị sự nghiệp thực hiện thu phí, lệ phí ở lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thú y, bảo vệ thực vật, thủy sản…

Vì thế, các đơn vị cần chủ động rà soát, bố trí lại cơ cấu tổ chức hợp lý và lập kế hoạch thực hiện quy định của NĐ 16 khoa học, bài bản.

 

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.