Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm Lô Mạnh Quân giúp dân bản làm chuồng nuôi nhốt gia súc |
Chúng tôi gặp Lô Mạnh Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn tại khu sản xuất Khe Nhinh khi Quân đang hướng dẫn ông Kha Văn Uôn sửa lại chuồng nuôi nhốt gia súc. Đây là khu sản xuất nằm giữa thung lũng, cách khu dân cư bản Na Lượng 1 khoảng 3km.
Ông Uôn cho biết, khu sản xuất khe Nhinh có từ lâu đời. Nhưng khi di dời ra sát QL7, khu sản xuất bị bỏ bẵng đi một thời gian. Do thiếu đất sản xuất, người dân quay trở lại trồng trỉa nhưng mạnh ai nấy làm, thiếu quy hoạch nên không hiệu quả. Trồng cây gì cũng không có thu hoạch, nuôi con gì cũng héo hon.
“Đất đai phì nhiêu nhưng nằm sát rừng, nếu không quy hoạch thì người dân tranh giành nhau rồi đốt rừng, làm rẫy. Nhưng năm 2015, khi có phó chủ tịch Quân “ra tay” thì sản xuất đã quy củ. 30 hộ vào đây đang khoanh vùng chăn nuôi gia súc, trồng màu. Vừa rồi bản được hỗ trợ trồng rau an toàn, tăng thêm thu nhập nên nhà nào cũng phấn khởi. Mong sao phó chủ tịch Quân tiếp tục ở lại để hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, thoát nghèo”, ông Uôn cho biết.
Theo đề án 600 trí thức trẻ, Quân được bố trí làm Phó Chủ tịch xã Hữu Kiệm. Lúc đầu Quân lo lắng lắm vì dù sao mình cũng còn trẻ, vừa tốt nghiệp ra trường, kinh nghiệm chưa nhiều, lại là người xã bên, nếu không cải thiện được cuộc sống cho đồng bào thì gia đình Quân “mất mặt” với dân làng.
Dân bản vốn quen với tập tục canh tác cũ, thọc lỗ, tra hạt, đốt nương làm rẫy. Con trâu, con bò quanh năm suốt tháng thả rông trong rừng, chỉ lúc đem bê con về mới biết nhà có thêm con bò nữa. Con nào chết bệnh, ốm yếu nằm đâu người nuôi cũng không hay biết.
Các đội viên của dự án được đồng bào tin cậy, yêu mến |
Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Quân quyết tâm thay đổi dần tập quán canh tác của đồng bào. Qua lồng ghép các chương trình, con đường nối từ bản vào khu sản xuất được bê tông hóa. Trên 30 hộ vào đây được chia đất đai, có vườn cây, ao cá, có ruộng lúa để sản xuất, ai nấy đều phấn khởi.
“Thế nhưng, dân bản chỉ tin khi cán bộ xắn tay vào làm và có thành quả. Nếu thất bại một lần đồng bào dễ mất niềm tin, mọi công sức coi như đổ xuống sông, xuống bể. Em nghĩ, muốn phát triển được sản xuất thì nhất quyết tuyến đường cheo leo nối từ bản vào đây phải được cải thiện.
Sau bao nhiêu ngày xẻ núi, khu sản xuất đã có một con đường thuận tiện cho việc đi lại của người dân. Tiếp theo, UBND xã Hữu Kiệm, UBND huyện triển khai nhiều mô hình khuyến nông. Mới đây nhất là mô hình sản xuất rau an toàn, bán được giá, được mùa nên bà con tin tưởng lắm”, Quân chia sẻ.
Ông Uôn đứng bên xen vào: “Ngày nào phó chủ tịch Quân cũng xắn quần vào đây giúp đồng bào làm chuồng, be bờ, giữ nước trồng lúa nước, cải tạo vườn tạp. Sâu nhiều lắm nhưng cán bộ không cho phun thuốc, chỉ động viên dân bản bắt sâu, bẫy chuột, dùng thuốc sinh học để phòng trừ.
Vì thế, rau màu bán được giá, có tiền, dân bản mua sắm máy cày, máy cắt lúa. Phó chủ tịch Quân hướng dẫn bà con làm chuồng trâu bò ở nơi cao ráo, tránh nắng nóng mùa hè và gió thốc vào mùa mưa. Con nào bị bệnh thì phải tách ra để chữa trị. Nhờ thế, hai ba năm nay, đàn bò nhà ta không con nào bị bệnh, nay đã có 10 con bò rồi”.
Kết thúc thời gian thí điểm 5 năm, dù là người địa phương khác về đây nhưng điều đáng mừng là đi đến đâu, hỏi về vị phó chủ tịch trẻ, chúng tôi đều nhận được những lời ngợi khen. Vì thế, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Quân cũng như nhiều trí thức trẻ đều được ghi nhận và tiếp tục bố trí công tác trong vai trò phó chủ tịch UBND xã.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, 25 trí thức trẻ tại Nghệ An thuộc dự án 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã đều hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ. Đến nay 17/25 đã được cử đi học trung cấp lý luận chính trị. Một một số được địa phương tạo điều kiện cho tham gia các lớp đào tạo thạc sỹ để nâng cao trình độ. 25/25 đội viên là đảng viên, trong đó có 20 được kết nạp trong thời gian công tác. 25/25 được chính quyền quy hoạch chức danh lãnh đạo cấp phó phòng, ban chuyên môn của huyện. 16 đội viên dự án đã được bầu vào làm phó chủ tịch UBND xã chính thức nhiệm kỳ 2016 - 2021 theo Luật Chính quyền địa phương UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có văn bản đề nghị Trung ương có chế độ đãi ngộ đối với các đội viên dự án bằng cách bổ sung biên chế cho tỉnh để bố trí công việc cho 25 đội viên theo quy hoạch. |
Luôn mang trong mình một trái tim nồng Có thể nói, hầu hết các bạn trẻ về làm phó chủ tịch xã ở Nghệ An trong "dự án 600" đều thực sự có năng lực và có khát khao cống hiến. Họ lăn vào công việc không chỉ để hoàn thiện mình mà còn mong muốn thay đổi cuộc sống người dân. Lương Thị Hiên, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Giám, huyện Tương Dương là người như vậy. Hiên quê ở xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn. Em đến với vùng đất mới này hoàn toàn tình cờ. Khi đăng ký tham gia dự án cũng là lúc Hiên sắp tốt nghiệp Đại học, hồ sơ được gửi thẳng ra Bộ Nội vụ. Bản thân Hiên cũng nghĩ, chắc mình sẽ được phân công ở một tỉnh phía Bắc. Xác định dù xa nhà nhưng đã mang trong mình trái tim nồng thì dù công tác ở đâu, vị trí nào em cũng quyết tâm. “Sau 5 năm, nếu không đáp ứng kỳ vọng của dự án thì bọn em vẫn còn trẻ, con đường phía trước còn dài, lo gì không tìm được bến đỗ mới? Chúng em đã trải qua 5 năm thực sự khó khăn nhưng đã được ghi nhận. Đó là một điều tuyệt vời”. Ông Lương Văn Ngoạn, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Giám không ngớt lời khen ngợi nữ trí thức trẻ này. Ở Hiên có sự quyết tâm, quyết đoán đến khó tưởng tượng, là người dám thử nghiệm cái mới, dám đem lý thuyết của một cử nhân mới ra trường để “đối chứng” với cung cách làm việc theo kinh nghiệm lâu nay của cán bộ địa phương. "Phải nói, việc Thạch Giám về đích NTM sớm có công rất lớn của em”, ông Ngoạn phấn khởi. |