| Hotline: 0983.970.780

Triển khai 'cấp hộ chiếu’ cho ớt xuất khẩu

Thứ Ba 16/11/2021 , 06:30 (GMT+7)

THANH HÓA Để ớt được xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Malaysia, huyện Yên Định (Thanh Hóa) xây dựng 15 vùng với tổng diện tích 135 ha để cấp mã số vùng trồng.

Tại Thanh Hóa, Yên Định được coi là “thủ phủ” của cây ớt với diện tích gieo trồng hàng năm đạt 1.000 - 1.300 ha. Cây ớt có thời gian lưu gốc 6 - 7 tháng, cho năng suất khoảng 16 - 18 tấn/ha/năm. Có thời điểm, giá ớt thu mua tại ruộng đạt kỷ lục 100.000/kg nên những năm gần đây, diện tích ớt ở Yên Định tăng ổn định.

Theo kế hoạch, vụ đông 2021, huyện Yên Định gieo trồng 1.000 ha ớt. Đến thời điểm này, toàn huyện đã gieo trồng được 800 ha ớt.

Việc được cấp mã số vùng trồng sẽ giúp cây ớt tại Yên Định bay cao ở thị trường nước ngoài. Ảnh: Võ Dũng.

Việc được cấp mã số vùng trồng sẽ giúp cây ớt tại Yên Định bay cao ở thị trường nước ngoài. Ảnh: Võ Dũng.

Những năm trước, hầu hết sản phẩm ớt sau thu hoạch sẽ được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Malaysia, một số nước Châu Âu và tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, gần đây, các đối tác nhập khẩu là Trung Quốc và Maliaysia yêu cầu ớt phải có mã số vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng.

Vì vậy, để bảo đảm thị trường tiêu thụ, giữ và nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế cho diện tích trồng ớt và “mở đường” cho việc xuất khẩu các nông sản khác, thời gian qua, huyện Yên Định đã và đang nỗ lực xây dựng mã số vùng trồng cho diện tích trồng ớt xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Định cho hay, việc xây dựng mã số vùng trồng gặp nhiều khó khăn do người dân vẫn chủ yếu canh tác manh mún, nhỏ lẻ. Mã số vùng trồng yêu cầu quy trình sản xuất nghiêm ngặt, công lao động và chi phí đầu tư tăng cao, trong khi đó năng suất có thể giảm so với sản xuất thông thường nên nhiều hộ dân có tâm lý e ngại không muốn tham gia.

Quá trình xây dựng mã số vùng trồng cần chi phí kiểm định mẫu đất, mẫu nước ban đầu khá cao (khoảng 18 triệu đồng/vùng). Trong khi đó, UBND huyện Yên Định lại chưa bố trí được nguồn kinh phí hỗ trợ, nên chưa tạo được động lực cho người dân.

Để khắc phục những khó khăn, cùng với việc đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, vận động, khuyến khích các hộ dân xây dựng vùng chuyên canh trồng ớt, UBND huyện Yên Định đã mời Trung tâm Kiểm dịch thực vật nội địa tổ chức tập huấn cho giám đốc các HTX dịch vụ nông nghiệp, công chức phụ trách nông nghiệp, cán bộ khuyến nông của 14 xã, thị trấn về nội dung hướng dẫn thực hiện thiết lập mã số vùng trồng.

UBND huyện Yên Định cũng đã làm việc với 2 doanh nghiệp và 11 HTX có đăng ký thiết lập mã số vùng trồng về việc xây dựng mã cơ sở đóng gói.

Trên cơ sở hồ sơ, đề nghị của UBND huyện Yên Định, đoàn công tác chuyên ngành của Trung tâm Kiểm dịch thực vật nội địa, thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã đi kiểm tra toàn bộ 24 vùng có tờ khai kỹ thuật. Kết quả đánh giá cho thấy, huyện Yên Định có 15 vùng sản xuất, với 135 ha và 2 cơ sở đóng gói của 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tình Cầm và Công ty Cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu thực phẩm Sao Mai bảo đảm yêu cầu có thể đăng ký cấp mã số vùng trồng.

Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết thêm, toàn bộ diện tích ớt được cấp mã số vùng trồng sẽ được các doanh nghiệp thu mua toàn bộ sản lượng. Còn số diện tích ớt hiện chưa được cấp mã số vùng trồng, UBND huyện Yên Định đang hướng dẫn người dân trồng và chăm sóc theo đúng quy chuẩn, khi đủ điều kiện thuận lợi sẽ cấp mã số vùng trồng đề đủ điều kiện xuất khẩu và nâng cao hiệu quả của cây ớt.

  • Tags:
Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.