Toàn cảnh hội nghị |
Chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục được Bộ GD- ĐT ban hành vào tháng 12/2018. Chương trình chia làm 2 giai đoạn là giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện theo lộ trình: Từ năm học 2020- 2021 đối với lớp 1; 2021- 2022 đối với lớp 2 và lớp 6; 2022- 2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; 2023- 2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; 2024- 2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
So với Chương trình GDPT hiện hành, Chương trình GDPT mới đã kế thừa nhiều ưu điểm về mục tiêu giáo dục, phương châm giáo dục, nội dung giáo dục và hệ thống môn học.
Đặc biệt về thời lượng dạy học, tuy chương trình mới có thực hiện giảm tải so với chương trình hiện hành nhưng những tương quan về thời lượng dạy học giữa các môn học không có sự xáo trộn. Về phương pháp giáo dục, chương trình GDPT mới định hướng phát huy tính tích cực của học sinh, khắc phục nhược điểm của phương pháp truyền thụ một chiều. Từ nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT đã phổ biến và chỉ đạo áp dụng nhiều phương pháp giáo dục mới (như mô hình trường học mới, phương pháp bàn tay nặn bột, giáo dục STEM,…), do đó, hầu hết giáo viên các cấp học đã được làm quen, nhiều giáo viên đã vận dụng thành thạo các phương pháp giáo dục mới.
Để có thế thực hiện mục tiêu đổi mới, Chương trình GDPT mới phải vừa kế thừa những ưu điểm của Chương trình GDPT hiện hành, phải vừa khắc phục những hạn chế, bất cập vẫn còn tồn tại. Vì vậy Chương trình GDPT mới đã có nhiều sự khác biệt so với Chương trình hiện hành...