| Hotline: 0983.970.780

Triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP với tinh thần trách nhiệm, cách làm sáng tạo

Thứ Sáu 06/08/2021 , 13:15 (GMT+7)

Về việc triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương tập trung hỗ trợ các nhóm cơ bản: F0, F1, trẻ em, lực lượng lao động, doanh nghiệp.

Hội nghị trực tuyến giao ban đôn đốc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg tại địa phương của Bộ LĐ-TB&XH.

Hội nghị trực tuyến giao ban đôn đốc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg tại địa phương của Bộ LĐ-TB&XH.

Sức nóng của việc triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQCP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 5/8, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức Hội nghị giao ban đôn đốc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg tại địa phương theo hình thức trực tuyến.

Sau khi nghe các địa phương báo cáo tiến độ triển khai Nghị Quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: Đảng và Nhà nước luôn kiên định thực hiện các giải pháp thực hiện các mục tiêu kép một cách linh hoạt. Theo đó, nơi nào an toàn thì tập trung sản xuất, nơi nào có dịch thì tập trung chống dịch, đặt mục tiêu lớn nhất về an toàn tính mạng, sức khỏe và đời sống của người dân lên hàng đầu.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tuy mới có 2 tuần triển khai Nghị Quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, nhưng tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng đã được Quốc hội yêu cầu báo kết quả thực hiện. Điều đó cho thấy sức nóng của việc triển khai Nghị quyết như thế nào.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhận định, việc triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg đang đi đúng hướng, thiết thực và phù hợp với điều kiện hiện nay. Chính sách đã thông thoáng, cởi mở, tạo điều kiện tối đa để người lao động và người sử dụng lao động dễ tiếp cận các chính sách, địa phương dễ triển khai.

Theo Bộ trưởng, trong triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg công tác phối hợp, triển khai thực hiện giữa ngành LĐ-TB&XH, chính quyền địa phương, Ngân hàng Chính sách Xã hội và Bảo hiểm Xã hội khá nhịp nhàng.

Đến nay, cả 63/63 địa phương đã ban hành các Kế hoạch/ Quyết định/Công văn/Hướng dẫn triển khai thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành, UBND các cấp tại địa phương triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.

“Nhiều địa phương đã triển khai giải ngân với số tiền lớn như: Hải Dương 107 tỷ đồng, Bắc Ninh 75 tỷ đồng, Bắc Giang 63 tỷ đồng, Thanh Hóa 74 tỷ đồng, Thái Nguyên 57 tỷ đồng…So với tiến độ thực hiện của Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020 là một bước tiến bộ vượt bậc”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá

Cũng theo Bộ trưởng, nhiều chính sách đã được các địa phương triển khai xong, đạt kết quả tốt nhưng không phải thêm một thủ tục hành chính nào. Đặc biệt chính sách hỗ trợ lao động tự do – nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sâu nhất, nặng nề nhất đợt này đã được triển khai rất tốt. Điển hình trong số đó là TP. HCM.

Không được thờ ơ

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra sự chậm trễ trong việc triển khai chính sách tại một số địa phương.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thẳng thắn chỉ ra sự chậm trễ trong việc triển khai chính sách tại một số địa phương.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thẳng thắn chỉ ra sự chậm trễ trong việc triển khai chính sách tại một số địa phương.

“Nhu cầu xã hội bức bách như thế nhưng bên cạnh những địa phương làm tốt thì nhiều địa phương còn coi nhẹ chủ trương, không chú ý đến đời sống người dân. Trong số các địa phương làm tốt lại là các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Như vậy không phải khó khăn là không thực hiện tốt mà cho thấy những địa phương dễ nhất thì lại làm không tốt. Dân người ta khát khao lắm rồi, cần lắm rồi nên chúng ta đừng thờ ơ với việc này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu, nơi nào chưa làm tốt thì phải xem lại mình, nơi nào chưa sáng tạo thì phải sáng tạo. Từ lãnh đạo các đơn vị trong Bộ và các địa phương phải tư duy tìm ra cách làm mới, năng động sáng tạo. Trong cái khó, tìm ra cái mới. Làm lãnh đạo thì phải có mưu, cấp giúp việc phải có mẹo.

Nơi nào làm tốt rồi thì làm tốt hơn, nơi nào chưa quan tâm thì phải quan tâm hơn. Ngành phải tự tin vượt lên chính mình, qua công việc này để khẳng định vị trí vai trò ngành mình. Phối hợp chặt chẽ với các ngành để triển khai. Theo nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian. Không được tăng thời gian về xử lý quy trình. Những vẫn đề thuộc thẩm quyền ngành LĐ-TB&XH phải xử lý ngay phân cấp triệt để.

Với phương châm đó, Bộ trưởng lưu ý: “Tất cả các đơn vị rà soát lại công việc. Đơn vị nào chưa có kế hoạch chi tiết với từng nhóm đối tượng và phân công theo dõi từng đối tượng. Phải cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân, không có khái niệm chung chung tập thể”.

Bộ trưởng đề nghị các địa phương tập trung hỗ trợ vào mấy nhóm cơ bản: Nhóm phát tiền mặt F0, F1, trẻ em, lực lượng lao động, doanh nghiệp. Các địa phương chủ động tìm đến các đối tượng hỗ trợ. Không thể thụ động chờ đợi.

Đồng thời, tăng cường rà soát, nắm bắt đời sống nhóm đối tượng lao động tự do nhất là các khu vực giãn cách xã hội, phong tỏa gắn với đó là vận động cộng đồng, toàn dân thực hiện các chính sách hỗ trợ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu các tỉnh thành chia 3 nhóm: Các tỉnh đang bình yên, ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19, phấn đấu trong 10 ngày giải quyết xong các chính hỗ trợ “tiền tươi, thóc thật” và các chính sách liên quan đến Bảo hiểm Xã hội.

Nhóm các tỉnh có dịch nhưng chưa thực hiện Chỉ thị 16 cần phân loại 3 nhóm hỗ trợ: Nhóm hỗ trợ tiền mặt thì khẩn trương triển khai. Đồng thời tập trung triển khai các chính sách giãn hoãn, miễn đóng từ Bảo hiểm Xã hội và chính sách hỗ trợ tiền lương cho vay.

Riêng nhóm 26 tỉnh hiện nay đang thực hiện Chỉ thị 16 phương châm lúc này tập trung cái ăn, mặc cho người dân, lao động trên nguyên tắc đảm bảo người dân không bị thiếu đói.

Bộ trưởng đề nghị, UBND các tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã khẩn trương lập danh sách, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và chi trả hỗ trợ, nhất là hỗ trợ tiền mặt cho các nhóm đối tượng, trong đó cần đẩy mạnh việc nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ qua dịch vụ bưu chính, Cổng dịch vụ công quốc gia để đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ theo NQ 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg trên các phương tiện thông tin đại chúng với các hình thức đa dạng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện; đồng thời, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ động triển khai giám sát, đánh giá việc rà soát, lập danh sách, phê duyệt và chi trả hỗ trợ.

Yêu cầu cập nhật báo cáo theo quy định trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và báo cáo về Bộ LĐ-TB&XH định kỳ theo quy định.

Xem thêm
Xuất khẩu chè của Việt Nam 11 tháng đạt gần 235 triệu USD

Tính chung 11 tháng năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam sang các thị trường chính tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Tập đoàn Mavin 20 năm 'Kiến tạo - Nâng tầm - Bứt phá'

HÀ NỘI Đây là dịp đặc biệt và ý nghĩa để nhìn lại hành trình phát triển vinh quang của Mavin trong 2 thập kỷ qua, khơi dậy niềm tự hào, động lực hướng tới tương lai.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.