Thực hiện chính sách này, các sở ngành, UBND các huyện, thành phố đã khẩn trương chỉ đạo các xã, phường, thị trấn và cá nhân liên quan chú trọng việc lập hồ sơ; chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt quyết định hỗ trợ cho người lao động và người dử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tổng số tiền dự kiến chi trả cho các đối tượng là hơn 9,6 tỷ đồng, đến nay các địa phương đã thực hiện chi trả được hơn 870 triệu đồng.
Chị Ma Thị Huệ, thôn Bản Lai, xã Phúc Sơn, huyện Lâm Bình bị nhiễm Covid-19 phải điều trị 44 ngày tại cơ sở y tế do tái nhiễm. Chị Huệ đã được nhận số tiền hỗ trợ là 3,5 triệu đồng. Chị Huệ cho biết, số tiền tuy không thực sự lớn nhưng là nguồn động viên phần nào trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh cho chị và gia đình.
Đến nay, huyện Na Hang đã tiến hành rà soát và lập hồ sơ các trường hợp người lao động thuộc diện được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Trên tinh thần nghiêm túc, khẩn trương, UBND huyện Na Hang đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn lập danh sách các đối tượng thuộc diện hỗ trợ.
Qua rà soát, thẩm định có 139 trường hợp đủ điều kiện được đề nghị hỗ trợ với kinh phí trên 387 triệu đồng. Ngay sau khi có quyết định của UBND tỉnh, huyện sẽ triển khai hỗ trợ cho người dân, để người dân được hỗ trợ phần nào trang trải cuộc sống giai đoạn khó khăn.
Chị Hoàng Thị Sứ ở tổ 13, thị trấn Na Hang, huyện Na Hang là một trong những lao động đầu tiên của huyện Na Hang được nhận hỗ trợ trong đợt này. Chị Sứ cho biết, gia đình chị có nghề làm đậu phụ, đợt trước trong thời gian dịch diễn biến phức tạp vợ chồng chị tiếp xúc với trường hợp F0 và phải thực hiện cách ly tập trung dài ngày, cuộc sống càng khó khăn. Sau khi hoàn thành cách ly trở về nhà, vợ chồng chị được nhận hỗ trợ kịp thời với số tiền 3,36 triệu đồng. Đây thực sự là sự động viên lớn giúp gia đình chị vượt qua khó khăn trước mắt để ổn định cuộc sống.
Dù việc triển khai hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn vì Covid-19 ở Tuyên Quang đã đạt được một số kết quả nhất định, song vẫn còn những khó khăn tồn, tại nhất định. Một số sở, ngành, UBND huyện như Sở Y tế, Cục Thuế, UBND huyện Chiêm Hóa, Sơn Dương việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 còn chậm. Việc thông tin tuyên truyền về chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động còn hạn chế; công tác triển khai, rà soát, xác định đối tượng còn lúng túng chưa xác định được đối tượng để đề nghị phê duyệt.
Ông Hoàng Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong thời gian tới Sở tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quyết định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng lao động đặc thù khó khăn do đại dịch Covid-19; phối hợp với các sở ngành, UBND các huyện thành phố thực hiện chi trả kịp thời, đúng đối tượng, đảm bảo công khai, minh bạch…
Song song với công tác hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn vì Covid-19, ngành LĐTB&XH tỉnh Tuyên Quang cũng thực hiện tư vấn về việc làm, học nghề cho trên 6900 lượt người lao động, học sinh, sinh viên, đoàn viên, hội viên.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho 2.427 lao động đến giao dịch tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tuyên Quang và văn phòng bảo hiểm thất nghiệp huyện Chiêm Hóa, Sơn Dương. Trong số này có hơn 2.200 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng chú trọng việc tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động đang hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động.