| Hotline: 0983.970.780

Triển lãm mang tên 'Đối thoại cuộc hành trình'

Thứ Sáu 17/08/2018 , 08:24 (GMT+7)

Ngày 20/8/2018 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khai mạc triển lãm tranh cá nhân của họa sỹ, nhà điêu khắc Phạm Sinh. Triển lãm mang tên "Đối thoại cuộc hành trình". 

Triển lãm trưng bày 45 tác phẩm hội họa khổ lớn, vẽ trên giấy với nhiều chất liệu khác nhau của Phạm Sinh. Đây là thành quả lao động mới của nghệ sỹ, các tác phẩm ghi dấu một bước chuyển mạnh mẽ, nhiều khác biệt trong tiến trình lao động nghệ thuật của anh.

12-07-38_6-_vet_thoi_gin_yeu
Tác phẩm của Phạm Sinh

Người xem vào phòng tranh của Phạm Sinh sẽ không còn thấy màu thấy nét mà thấy cảm xúc như vỡ òa, tuôn chảy, như không kìm nén nổi. Rất khó cắt nghĩa, rất khó lý giải chỗ này chỗ kia. Mỗi người xem, với kiến thức và mỹ cảm của mình sẽ tìm thấy nơi ấy những đồng cảm, những nghi hoặc hay câu trả lời cho riêng mình. Khám phá bản thân, khám phá cảm xúc như để tìm về nơi sơ khai, khởi nguyên của sự sống, sự vận động biến ảo vô cùng của vạn vật. Đâu đó người xem như thấy sự va đập, sự hòa quyện, chuyển động, bùng nổ, sinh sôi của thế giới vật chất qua một lăng kính cận cảnh. Lại như thấy ở một góc nhìn khác đó là sự bao la không có điểm tận cùng của vũ trụ, của không gian thiên hà.

Giới mỹ thuật và công chúng từng biết đến nhà điêu khắc Phạm Sinh qua các triển lãm mỹ thuật toàn quốc, triển lãm chuyên ngành điêu khắc với các giải thưởng cao. Đặc biệt là các công trình điêu khắc quy mô lớn trên nhiều vùng miền khác nhau. Không thỏa mãn với những thành tựu đó, không muốn dừng chân ở địa hạt điêu khắc, nghệ sĩ vẫn luôn tìm tòi, luôn khám phá những chân trời mới, muốn bước qua những giới hạn của hình khối, muốn lấn sân sang hội họa bằng sự hăm hở, nhiệt huyết của trái tim nóng bỏng đầy khao khát với một cường độ lao động cật lực, năng lượng dồi dào, không ngừng nghỉ, không mệt mỏi.

Nếu trong điêu khắc Phạm Sinh là sự khỏe khoắn, mạch lạc, khúc chiết, thô mộc thì trong hội họa lại hoàn toàn trái ngược. Tính đa nghĩa, sự ẩn dụ, tính gợi mở bằng các tín hiệu cứ nối tiếp điệp trùng, nửa như thách đố, nửa như kích thích trí tưởng tượng, sự liên tưởng của người xem, đấy chính là sự hấp dẫn, sự cộng hưởng của cảm xúc giữa tác giả với người xem.

Hội họa với Phạm Sinh không phải là lối rẽ mà là duyên nợ, nó cứ quấn quýt, song hành, lúc ẩn lúc hiện. Nhiều tháng, nhiều năm anh âm thầm vẽ và ít công bố tác phẩm ở các kỳ triển lãm. Vẽ như anh quan niệm là một loại nhật ký cảm xúc, vẽ để giải tỏa, để khám phá, để chiêm nghiệm, để đối thoại với xã hội, đối thoại với mình. Nó là một nhu cầu của tâm thức.

Đây là lần triển lãm cá nhân lần thứ hai của anh. Trong các tác phẩm của giai đoạn trước đã có sự tìm tòi và tạo được bản sắc, giọng điệu riêng. Nhưng chủ yếu vẫn là khuynh hướng hiện thực với các mảng đề tài quen thuộc như đồng quê, phố phường, thiếu nữ, tĩnh vật... Lần triển lãm này Phạm Sinh cho trình làng loạt tranh trừu tượng hoàn toàn mới, nhưng đó không phải là những xúc cảm bất chợt hay là kiểu làm dáng cho hợp thời cuộc, cho đương đại, mà đây là những ấp ủ, trăn trở sau nhiều năm tìm kiếm, nhiều cuộc thử nghiệm. Những tác phẩm này như là sự kết tinh, lắng đọng của sự gạn lọc từ hàng trăm bức đã vẽ trong hai năm qua.

Phạm Sinh tốt nghiệp chuyên ngành điêu khắc Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 1991. Trước khi trở thành sinh viên, Phạm Sinh đã từng mặc áo lính, tham gia chiến đấu trên nước bạn. Anh ít nói về thời kỳ này và càng không lấy đó làm một thứ vũ khí, áo giáp để tự cho mình có cái quyền được ca thán, phán xét điều này điều kia.

Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo của huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Bản tính không ngại khó, sáng dạ, ham làm, ham học hỏi, sau khi mới tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp một thời gian ngắn Phạm Sinh đã khẳng định ví trí của mình trong làng điêu khắc bằng các giải thưởng chuyên ngành uy tín. Luôn luôn suy nghĩ tìm tòi và thường có những ý tưởng táo bạo, lạ lẫm và khác người. Có lẽ đây là phẩm chất tạo nên một Phạm Sinh đầy cá tính trong nghệ thuật.

Khi được hỏi: “Trong các họa sĩ vẽ tranh trừu tượng của thế giới như Ben Nicholson, Piet Mondrian, Wassily Kandinsky, Robert Motherwell, Gerhard Richter, Jackson Pollock, anh có thần tượng hay ảnh hưởng bởi ai không?”. Phạm Sinh chia sẻ: “Tôi xem tranh của họ rất nhiều, nhưng không thần tượng ai. Đặc biệt với Polllock, ông có tầm ảnh hưởng rất lớn không chỉ ở ta mà cả thế giới, cái tôi học được ở ông ấy chính là kỹ thuật”. “Anh có thể nói rõ hơn được không?”. “Vâng, họa sỹ người Mỹ Jackson Pollock nổi tiếng với trường phái trừu tượng đã tạo nên một trào lưu mới vào thời điểm ấy, điều đặc biệt thú vị của Pollock là vẽ tranh không phải bằng bút lông và mãu vẽ thông thường. Ông vẽ bằng nhiều công cụ khác nhau, bằng màu loãng, bằng các thủ pháp để đạt được hiệu quả”.

Là giảng viên đại học, đang độ sung sức, chín muồi về kinh nghiệm, Phạm Sinh sẽ có nhiều sáng tác mới đóng góp cho mỹ thuật, cho công chúng yêu hội họa nước nhà.

Xem thêm
Đàm Vĩnh Hưng xác lập kỷ lục

Đàm Vĩnh Hưng nhận bằng kỷ lục 'Ca sĩ trình diễn nhiều tiết mục mashup nhất trong một chương trình ca nhạc' tại liveshow 'Ngày em thắp sao trời'.

Real Madrid vô địch La Liga sớm 4 vòng đấu

Real Madrid đã chính thức giành chức vô địch La Liga mùa giải 2023-24 sau khi chứng kiến đối thủ cạnh tranh Barcelona gục ngã trước Girona.

Trực tiếp Bình Phước vs PVF-CAND giải V-League 2 trên FPTPlay hôm nay 10/5

Link xem trực tiếp bóng đá Bình Phước vs PVF-CAND tại vòng 16 giải V-League 2 (hạng Nhất Việt Nam) 2023/24 trên kênh FPTPlay vs TV360 vào lúc 18h00 hôm nay 10/5/2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất