| Hotline: 0983.970.780

Trình Chính phủ chương trình bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản

Chủ Nhật 26/12/2021 , 09:00 (GMT+7)

Tổng cục Thủy sản đã có dự thảo gửi Bộ NN-PTNT trình Chính phủ xem xét thông qua về Chương trình Quốc gia Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030.

Phục hồi 70% diện tích hệ sinh thái biển bị suy thoái

Theo dự thảo quyết định, chương trình được triển khai nhằm bảo tồn, bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, gắn với quản lý có hiệu quả hoạt động khai thác thủy sản, góp phần phát triển thủy sản bền vững, giữ gìn tính đa dạng sinh học, giá trị tài nguyên sinh vật của Việt Nam.

Dự thảo chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 khi được triển khai sẽ giúp bảo tồn, bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, gắn với quản lý có hiệu quả hoạt động khai thác thủy sản... Ảnh: TL.

Dự thảo chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 khi được triển khai sẽ giúp bảo tồn, bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, gắn với quản lý có hiệu quả hoạt động khai thác thủy sản... Ảnh: TL.

Theo đó, đến năm 2025, thành lập và đưa vào hoạt động các khu bảo tồn biển được phê duyệt tại quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đưa tổng diện tích vùng biển được bảo tồn lên trên 0,4% diện tích vùng biển Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương.

Trữ lượng nguồn lợi thủy sản được duy trì tương đương với kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản giai đoạn năm 2016 - 2020; phục hồi 30% diện tích hệ sinh thái biển bị suy thoái trong các khu bảo tồn biển.

Theo dự thảo, việc đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản được tổ chức thực hiện tại 11 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. 5% số lượng loài thủy sản trong danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được sinh sản nhân tạo, ương nuôi thành công, thả tái tạo vào các thuỷ vực tự nhiên. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn lợi thủy sản được xây dựng hoàn thiện, được cập nhật thường xuyên, liên tục.

Hệ sinh thái môi trường biển, nhất là các rạn san hô hiện đang rất cấp thiết được phục hồi. Ảnh: TL.

Hệ sinh thái môi trường biển, nhất là các rạn san hô hiện đang rất cấp thiết được phục hồi. Ảnh: TL.

Đến năm 2030, công tác điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản được thực hiện đầy đủ, liên tục. Thông tin, dữ liệu về nguồn lợi thủy sản được số hóa, cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản. Trữ lượng nguồn lợi thủy sản phục hồi, tăng khoảng 5% so với kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản giai đoạn năm 2016 - 2020.

Tiếp tục thành lập và đưa vào hoạt động các khu bảo tồn biển được phê duyệt tại quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nâng tổng diện tích vùng biển được bảo tồn lên trên 0,5% diện tích vùng biển Việt Nam. Góp phần thực hiện mục tiêu tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương.

Theo mục tiêu của dự thảo, đến năm 2030, phục hồi 70% diện tích hệ sinh thái biển bị suy thoái trong các khu bảo tồn biển. Ít nhất 32 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện tốt đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

10% số lượng loài thủy sản trong Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được sinh sản nhân tạo, ương nuôi thành công, thả tái tạo vào các thuỷ vực tự nhiên. Hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn lợi thủy sản được nâng cấp, tích hợp, liên thông giữa cơ quan quản lý cấp trung ương và địa phương theo hướng đồng bộ, thống nhất.

Ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản

Trên cơ sở những mục tiêu đề ra, theo dự thảo chương trình, sẽ tập trung điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản trên phạm vi cả nước theo định kỳ 5 năm. Thực hiện thăm dò, điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản ở vùng biển có độ sâu trên 200m, ở vùng gò đồi ngầm.

Xây dựng cơ sở dữ liệu thành phần về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản, liên tục cập nhật thông tin, công bố kết quả điều tra nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản.

Thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản ở các hồ thủy lợi, thủy điện ngày càng được quan tâm. Ảnh: TL.

Thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản ở các hồ thủy lợi, thủy điện ngày càng được quan tâm. Ảnh: TL.

Bên cạnh đó, kiện toàn hệ thống các khu bảo tồn biển đã thành lập. Thành lập và đưa vào hoạt động các khu bảo tồn biển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tổ chức phục hồi rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn tại các khu bảo tồn biển và khu vực biển ngoài khu bảo tồn biển đã được điều tra, đánh giá phù hợp với quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản.

Xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách chuyển đổi nghề, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh các khu bảo tồn biển. Thực hiện quan trắc, giám sát biến động chất lượng môi trường và đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn biển đã được thành lập.

Ngoài ra, xây dựng và tổ chức thực hiện biện pháp bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm như: Kế hoạch quốc gia về quản lý và bảo tồn các loài thú biển nhằm giảm thiểu đánh bắt không chủ ý đối với các loài thú biển; kế hoạch quốc gia về quản lý và bảo tồn các loài cá mập, cá đuối; kế hoạch hành động bảo tồn các loài rùa biển tại Việt Nam…

Phục hồi hệ sinh thái thủy sinh, đặc biệt là các hệ sinh thái điển hình như san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn, đầm phá, bãi triều, cửa sông là nơi sống của các loài thủy sản.

Hình thành khu cư trú nhân tạo cho các loài thuỷ sản theo quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt, quan tâm đầu tư và triển khai thả rạn nhân tạo, nuôi cấy san hô, tạo sinh cảnh, nơi cư trú, sinh sản và sinh trưởng của các loài thủy sản ở một số khu vực có điều kiện thuận lợi, phù hợp.

Theo dự thảo chương trình, việc bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản cần gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn. Ảnh: TL.

Theo dự thảo chương trình, việc bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản cần gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn. Ảnh: TL.

Thả tái tạo một số loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, loài thuỷ sản có giá trị kinh tế, khoa học; loài thuỷ sản bản địa, đặc hữu vào các thủy vực. Tăng cường quản lý các khu vực, loài thủy sản được tái tạo, phục hồi để bảo đảm hiệu quả. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa và xây dựng bộ chỉ số, cơ sở dữ liệu, tài liệu hướng dẫn đánh giá hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tại vùng ven bờ của 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển và một số loại hình thủy vực tự nhiên như sông, hồ, hồ chứa, đầm phá, bãi bồi ven biển trong vùng nội địa phù hợp với nhu cầu của người dân.

Song song đó, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn. Ưu tiên thực hiện tại các khu vực trước đây đã được một số tổ chức trong nước, nước ngoài hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm thực hiện đồng quản lý của ngành thuỷ sản.

Dự thảo chương trình cũng đề ra việc tiếp tục điều chỉnh, cơ cấu lại các nghề khai thác thủy sản, bảo đảm phù hợp với khả năng khai thác cho phép của nguồn lợi thủy sản theo hướng không phát triển và giảm dần một số loại nghề khai thác không thân thiện với nguồn lợi và môi trường, có tính chọn lọc thấp, khai thác thủy sản còn non ở vùng ven bờ và trong vùng nội địa…

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.