Máy cấy giúp giảm năng suất lao động và chi phí sản xuất
Cuộc trình diễn được tổ chức nhằm giúp nông dân có điều kiện tiếp cận với thiết bị cấy lúa tiên tiếng giúp giảm lượng giống lúa gieo cấy, qua đó góp phần hiện thực hóa Chương trình "Giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020" của Bộ NN-PTNT và mục tiêu của dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng (giảm lượng giống gieo sạ trung bình từ 150 – 200kg/ha xuống còn 80 – 100kg/ha vào năm 2020).
Buổi trình diễn máy cấy đã thu hút gần 70 nông dân tiên tiến, các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất lúa giống hoặc canh tác lúa đặc sản trong tỉnh tham dự. Tại buổi thao diễn còn có lãnh đạo Phòng NN-PTNT, Trạm Khuyến nông các huyện thị, đại diện Ngân hàng NN-PTNT và đông đảo cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, nhân viên khuyến nông đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Trao đổi với các đại biểu, TS Trương Chí Thành, giảng viên Khoa Công nghệ, ĐH Cần Thơ cho biết ưu điểm nổi bật của máy cấy công nghệ mới Yanmar VP7D25 là có thể điều chỉnh mật độ cấy với 6 mức độ khác nhau: Từ 18 - 38 bụi/m2, độ sâu cấy thay đổi được 7 mức độ (từ 12 - 57mm) và điều chỉnh được số tép cấy/bụi tùy thuộc vào đặc điểm, thời gian sinh trưởng của giống lúa.
Điểm ưu việt khác là máy cấy có hai bộ cảm biến độ nghiêng giúp cân bằng bộ phận cấy tự động nên ngay cả trong điều kiện ruộng bị lầy lún hoặc mặt bằng ruộng không đồng đều thì độ sâu cấy vẫn được duy trì chính xác, ruộng không bị cấy sót hoặc cây lúa bị nổi, nhờ vậy chủ ruộng không tốn công cấy dặm.
Máy có năng suất cấy 4 - 8ha/ngày nên đáp ứng được yêu cầu xuống giống tập trung của bà con nông dân. Ruộng áp dụng cấy bằng máy còn cung cấp cho đất gần 1 tấn chất hữu cơ (xơ dừa làm nền để gieo mạ) trong mỗi vụ lúa.
Nhận xét về ruộng được cấy bằng máy cấy công nghệ mới, ông Lý Sông (chủ ruộng trình diễn ở xã Lâm Kiết) cho rằng rất yên tâm vì thấy máy cấy rất đều, không phải dặm lại; giảm lượng giống chỉ còn 30 - 35kg/ha; giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật và nhẹ phân.
Trong khi đó, quan sát máy vận hành thực tế trên đồng ruộng, nông dân Đỗ Văn Út (xã Kế Thành, huyện Kế Sách), người có nhiều kinh nghiệm vận hành máy nông nghiệp cho rằng máy cấy đang thao diễn tích hợp nhiều công nghệ mới, năng suất cấy cao gấp nhiều lần so với các loại máy cây trước đây nên phù hợp cho các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất lúa giống hoặc canh tác lúa đặc sản và đáp ứng được nhu cầu của các hộ làm dịch vụ trọn gói (từ làm đất, cấy đến thu hoạch lúa); máy cấy có thể điều chỉnh mật độ cấy, số cây mạ/bụi nên đáp ứng được các yêu cầu khác nhau của chủ ruộng.
Ngoài ra, máy còn có thể tích hợp với công cụ vùi phân vào gốc lúa, làm cỏ, sục bùn… giúp dễ dàng thực hiện “1 phải 6 giảm” (yếu tố giảm thứ sáu là giảm phát thải khí nhà kính), ông Út nhận xét thêm.
Chia sẻ trong buổi trình diễn, bà Huỳnh Thị Mỹ Lan, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Mỹ Xuyên lưu ý rằng kỹ thuật làm mạ, kỹ thuật làm đất là hai yếu tố quyết định đến sự thành công khi áp dụng biện pháp cấy bằng máy; máy cấy phát huy hiệu quả rất cao ở các khu vực canh tác lúa đặc sản hoặc sản xuất giống vì bảo đảm được phẩm cấp lúa giống và chất lượng lúa thơm đặc sản.
Ông Võ Quốc Trung, Trưởng phòng Kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng, người có nhiều năm gắn bó với các địa bàn áp dụng máy cấy thông tin thêm, giá lúa lương thực từ ruộng cấy bằng máy được doanh nghiệp thu mua cao hơn 100 đồng/kg do tỷ lệ gạo nguyên tăng 2,5% so với ruộng lúa sạ thông thường.
Các đại biểu tham dự cuộc trình diễn đều rất phấn khởi và tin tưởng rằng với thế hệ máy cấy công nghệ mới và nguồn vốn tín dụng từ Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, trong thời gian không xa, máy cấy cũng phát triển nhanh một cách ngoạn mục như máy gặt đập trong thời gian qua ở Sóc Trăng. |