| Hotline: 0983.970.780

Trĩu lòng vụ mùa thất bát

Chủ Nhật 22/05/2022 , 19:21 (GMT+7)

Cùng với Hà Tĩnh, đây là vụ mùa mà nông dân Quảng Bình gánh thất bát nặng nề.

Ông Nguyễn Công Hoan, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh- Quảng Bình) cho hay: “Đợt gió mưa bất thường vào dịp cuối tháng 4 và đầu tháng 5 đã khiến cây lúa trên đồng ruộng đang thời kỳ cúi bông của bà con bị gãy rạp. Dù đã có giải pháp khắc phục đưa ra, nhưng cơ bản  diện tích cây lúa trên đồng bị thiệt hại nặng nề”.

Vụ mùa thất bát khiến nông dân Quảng Bình thêm bao vất vả lo toan. Ảnh: T.P.

Vụ mùa thất bát khiến nông dân Quảng Bình thêm bao vất vả lo toan. Ảnh: T.P.

“Năng suất chỉ còn…một nửa”

Vụ đông – xuân năm nay, bà con xã Tân Ninh xuống giống trên diện tích gần 530 ha. Cả quá trình sinh trưởng, cây lúa phát triển tốt và ít bị sâu bệnh nên bà con ai cũng mừng. Khi lúa trổ bông, ngậm sữa và bắt đầu cúi bông thì trận mưa gió lạnh bất thường đã tràn về. Chỉ qua một đêm mưa gió, hàng trăm ha lúa trên đồng bị đè đổ rạp như có đàn vịt vài vạn con mới đi lướt qua. Ông Nguyễn Văn Cảnh, nông dân thôn Nguyệt Áng (xã Tân Ninh) cho hay, sau lúa đổ thì mưa kéo dài đến 2,3 ngày khiến cây lúa chìm nghỉm trong nước. “Chúng tôi đã huy động máy bơm, tháo úng, nhưng cũng không thể làm khô ruộng ngay được. Sau đó là bông lúa lên mộng. Hạt lúa lép làm năng suất giảm đi trong thấy”- ông Cảnh nói.

Mất mùa nên người nông dân không có lúa để bán dù vào đầu vụ giá lúa rất cao. Ảnh: T.P.

Mất mùa nên người nông dân không có lúa để bán dù vào đầu vụ giá lúa rất cao. Ảnh: T.P.

Đang phơi, trở lúa trên con đường bê tông của xóm, bà Hằng (vợ ông Cảnh), đứng tay che mắt ngước lên nhìn trời để thử đoán sắp có mưa chưa. Bà bảo vụ mùa năm ngoái nhà tôi thu hoạch được trên 250 thúng lúa (mỗi thúng nặng chừng 13 kg). Năm nay, gặt xong thì chỉ còn chưa đến 150 thúng. “Vậy là mất gần tấn rưỡi lúa rồi. Quy theo thời giá lúa hiện nay thì thất bát trên chục triệu bạc. Nông dân chúng tôi mất chừng đó là lớn lắm vì cũng chỉ thu nhập có được trên cánh đồng thôi”- bà Hằng than thở.

Tân Ninh cũng là địa phương có truyền thống được mùa lớn, liên tục trong nhiều năm. Nhưng vụ mùa này thì phải “dừng” lại. Ông Nguyễn Công Hoan, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh cho biết, toàn bộ diện tích lúa đã bị đổ rạp với tỷ lệ trên 90% vì vậy đã làm giảm đáng kể năng suất lúa. “Nếu như năng suất bình quân đạt trên 70 tạ/ha thì năm nay giảm xuống chỉ còn một nửa. Hôm qua chúng tôi xác đồng thì năng suất bình quân chỉ còn 36 tạ/ha”- ông Hoan nói giọng buồn.

Lúa mất mùa, giá dịch vụ, phân bón tăng cao làm nông dân bị đội giá chi phí sản xuất. Ảnh: T.P.

Lúa mất mùa, giá dịch vụ, phân bón tăng cao làm nông dân bị đội giá chi phí sản xuất. Ảnh: T.P.

Ở ngã ba đường, gia đình bà Lê Thị Hường đang tranh thủ buổi trưa phơi thóc và  cho thóc vào bao. Bà Hường nói làm 9 sào lúa thì chỉ có một sào là nguyên vẹn, không bị hề hấn gì. Gia đình gặt sào đó được 4, 6 tạ lúa tươi bán ngay tại ruộng với giá 5,6 triệu đồng. “Nếu không bị mất mùa thì vụ ni nông dân có thu nhập cũng cao lắm. Năm ngoái tôi bán được khoảng 2,5 tấn lúa. Năm nay thì chỉ bán được có 5 tạ thôi. Vất vả mấy tháng trời chỉ trong vào mấy sào ruộng mà lúa má như vậy thì đắng trong lòng lắm”- bà Hường than.

“Ló chín… trời mưa”

Khi đang thời gian vào chín vụ mùa thì nông dân Quảng Bình phải hứng chịu những trận mưa, ngày mưa thất thường. Ông Nguyễn Thiên (xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh), người như gầy tọp đi vì mấy hôm lo cho việc thu hoạch mùa. Ông bảo, ông cha ngày xưa nói cấm sai. Câu “cơm sôi đỏ lã (lữa)”- Ló (lúa) chín trời mưa” ám chỉ sự nghiệt ngã, vất vã của thời điểm ấy. Khi lúa chín thì nông dân cầu nắng để thu hoạch lúa được thuận lợi. Hạt thóc phơi được nắng cũng óng vàng, cơm nấu sẽ ngon hơn.

Phơi lúa trên đường và luôn canh trời mưa để nhanh chóng thu dọn để tránh thiệt hại. Ảnh: T.P.

Phơi lúa trên đường và luôn canh trời mưa để nhanh chóng thu dọn để tránh thiệt hại. Ảnh: T.P.

Mấy hôm nay mưa nắng thất thường nêm bà con ra đồng thật vất vã. Có khi trời đang nắng lại chuyển sang mưa dông, bà con trở tay không kịp. Ông Thiên kêu máy gặt 5 sào ruộng ở Ông Đồng, kêu xe chở lúa về trong cơn mưa nặng hạt. Hơn 70 bao (khoảng 2 tấn lúa) được chất đầy sân và phủ tấm bạt lớn.

Sáng sớm, ông Thiên đã trãi bạt trên đường bê tông thôn rồi phơi thóc dù trời còn âm u. Ông cho hay phải phơi cho ráo nước chứ không thì lúa sẽ nảy mầm. Bà con trong thôn cũng thông cảm nên không ai nói gì. Gần trưa có chút nắng, ông trở lúa cho se hạt rồi vào nhà.

Nhiều tuyến đường nông thôn thành sân phơi vào những lúc 'lúa chín trời mưa'. Ảnh: T.P.

Nhiều tuyến đường nông thôn thành sân phơi vào những lúc “lúa chín trời mưa”. Ảnh: T.P.

Hơn chục phút sau, trời dịu lại, tắt nắng và có gió. “Mưa rồi”- ông Thiên nói to rồi kêu hàng xóm phụ giúp cào lúa thành đống. Mọi người hô nhau làm thật nhanh. Lúa được cào đến đâu là kéo tấm bạt che đến đó. Mưa ào xuống nặng hạt nhanh. Phần cuối, lúa vẫn chưa được cào xong. Mưa chảy thành dòng cuốn từng mớ lúa trôi xuống con mương sát đường. Ông Thiên đội mưa, cào lúa như tranh nhau với nước chảy. Một người kéo tấm bạt phủ lên dòng nước lẫn những hạt thóc vàng  sẫm…

“Ngày mai mà trời còn mưa kiểu này thì mấy tấn lúa này bị hỏng lắm. Không lên mầm thì cũng bị đen, hạt gạo không còn được thơm và cũng không giữ được lâu trong nhà đâu”- ông Thiên đứng dưới hiên nhà chăm chú đống lúa trong màn mưa mà nói.

Thu dọn nhanh kẻo trời sắp đổ mưa. Ảnh: T.P.

Thu dọn nhanh kẻo trời sắp đổ mưa. Ảnh: T.P.

Ông Nguyễn Quyết hàng xóm vừa phụ giúp ông Thiên cũng nhìn mưa mà thở dài. Nhà ông cũng có 7 sào ruộng. Mấy hôm nay gặt được 5 sào. Lúa mất mùa lại gặp trời mưa nên lâu khô cứ như sắp lên mùi chua chua. Nhìn trời, ông nói như kể khổ với mọi người: “Mai mà trời vẫn mưa thì còn hai sào ruộng khéo cho cóc ăn. Vì lúa chín gặp mưa thì mau rũ bông lắm. Máy gặt đụng tới là hạt lúa rụng rào rào ấy chơ”.

Gặt lúa chạy mưa nhưng bà con vẫn tranh thủ làm đất để kịp tiến độ thời vụ. Ảnh: T.P.

Gặt lúa chạy mưa nhưng bà con vẫn tranh thủ làm đất để kịp tiến độ thời vụ. Ảnh: T.P.

Trên cánh đồng xã Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh) vừa gặt hôm qua. Mưa lớn nên cả cánh đồng xăm xắp nước. Tranh thủ có nước, bà con kêu máy cày về làm đất cho vụ hè-thu tới. Anh Trần Văn Thông, lái máy cày chia sẻ: “Tôi phải kêu người  để phụ gặt mấy sào ruộng chạy mưa. Còn mình phải tranh thủ cày cho bà con để kịp thời vụ đó”.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.