Năm nay được xem là mất mùa nhãn, vải toàn miền Bắc. Vựa nhãn Hưng Yên cũng không tránh được tình trạng này. Nguyên nhân cơ bản do vào thời kỳ nhãn, vải ra hoa, thời tiết có nhiều ngày mưa, trong nước mưa còn có acid làm chết phấn và nhụy hoa và làm mất khả năng gieo phấn, thụ tinh tự nhiên của các cây trồng này.
Tuy nhiên, cùng trong điều kiện nêu trên, vườn nhãn của lão nông Đặng Văn Ứng ở xã Hiệp Cường, Kim Động (Hưng Yên) vẫn được mùa riêng khi cho năng suất đạt bình quân 400kg quả/sào (360m2). Theo đó, trên diện tích 7,2ha (2.400 gốc) nhãn trồng giống siêu ngọt, lão Ứng thu hoạch được 80 tấn quả, bán giá quân bình 30.000 đồng/kg, thu về hơn 2,4 tỷ đồng, trừ mọi chi phí đầu tư vẫn có lãi hơn 1 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lão Ứng còn có cách bán nhãn khá khác người là mời các thương lái đến vườn tự cắt chọn mua những chùm quả ngon nhất, còn những quả thải loại ra lão thuê lao động bóc vỏ, lột cùi đưa vào lò sấy thành long nhãn, bán ngay cũng được 280 - 300 nghìn đồng/kg. Tính ra, sau khi trừ chi phí than củi và thuê công lao động, những quả nhãn mà thương lái thải ra vẫn có giá tương đương với các loại nhãn quà ngon nhất vườn (hơn 30 nghìn đồng/kg).
Theo lão Ứng, vụ nhãn năm nay một số vườn nhãn không hoặc ít bị ảnh hưởng bởi mưa acid nhờ thời điểm cây nở hoa và thụ phấn, thụ tinh lệch với các đợt mưa, song cây vẫn bị giảm sản lượng đáng kể do phòng trừ sâu bệnh hoặc chăm bón không kịp thời, không đúng lúc và đúng cách.
Cách làm của lão Ứng để vườn nhãn luôn được mùa, như sau:
- Với các vườn đang ở thời kỳ khai thác kinh doanh, nếu cứ lấy đi 100kg quả/cây thì phải bón cho mỗi gốc 30kg phân hữu cơ vi sinh và 3,5kg NPK 13-13-13+TE. Trong đó, chia phân bón làm 4 lần: Lần 1 bón toàn bộ phân hữu cơ và 1,5kg NPK/gốc ngay sau thu hoạch, kết hợp với cắt tỉa và làm vệ sinh vườn cây; lần 2 bón 0,5kg NPK/gốc kết hợp tưới nước trở lại cho vườn nhãn (khoảng cuối tháng 12 âm lịch) nhằm thúc cây nhãn phân hoá mầm hoa; lần 3 bón khi cánh hoa khô rụng lộ rõ quả non, liều lượng 1kg NPK/gốc; lần 4 bón 0,5kg NPK/gốc sau khi nhãn ngừng rụng quả sinh lý.
Căn cứ theo khối tượng quả lấy đi trên/cây để quy đổi ra liều lượng bón NPK phù hợp cho từng cây.
- Về sâu bệnh, trong quá trình phòng trừ dịch hại trên cây nhãn theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, cần chú ý nhất các đối tượng dịch hại như sâu đo, sâu đục cuống quả và bệnh sương mai/thán thư. Đây là những đối tượng sâu, bệnh rất nguy hại, dễ gây giảm nghiêm trọng sản lượng quả trên vườn.
+ Sâu đo, người làm vườn thường gọi là sâu que vì chúng đeo bám trên các giò hoa, lộc non và quả non, khi thấy động do người chạm vào cành cây, toàn thân sâu sẽ dựng đứng, thẳng như cái que tại các vị trí đang đeo bám.
Sâu đo chích hút dịch nhụy hoa, làm mất khả năng thụ phấn, thụ tinh của hoa nhãn. Để phòng trừ, sử dụng các thuốc trừ sâu có hoạt chất Abamectin như Obaone 95WG, Comda Gold 5WG... phun trước lúc hoa nhãn nở rộ. "Nếu không theo dõi phòng trừ kịp thời đối tượng dịch hại này, chỉ sau 5 ngày kể từ khi sâu đo xuất hiện, toàn bộ số hoa nhãn trong vườn sẽ bị xoá sổ, gây mất mùa diện rộng", theo ông Ứng.
+ Sâu đục cuống quả nhãn cũng là một trong các đối tượng dịch hại nguy hiểm. Sâu có thể xâm hại quả nhãn từ khi còn nhỏ đến lúc sắp thu hoạch. Sâu non sau nở sẽ đục vỏ quả ở gần cuống rồi chui vào bên trong để ăn phần cùi gần cuống quả, nếu quả còn non sâu sẽ ăn cả phần hạt.
Vì lỗ đục của sâu đo rất nhỏ nên rất khó phát hiện. Sâu thường thải phân thành những cục nhỏ màu đen ngoài lỗ đục ngay gần cuống quả. Những quả bị sâu hại thường dễ bị rụng hoặc giảm phẩm chất, rất khó bán.
Để phòng trừ, phải phun cắt lứa sâu thứ 3 vào thời điểm hạt quả bắt đầu chuyển màu đen, nếu để sang sâu lứa 4 mới phun, lúc này nhãn đã chín, mức độ thiệt hại sẽ tới hơn 30% sản lượng quả trong vườn, đồng thời còn gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng sức khoẻ người tiêu dùng. Những thuốc bảo vệ thực vật có thể dùng phun trừ sâu đục cuống quả gồm Vitarko 40WG, Prevathon 5SC hoặc Voliam Targo 063SC.
+ Bệnh sương mai gây hại chủ yếu vào các thời kỳ cây ra lộc, nở hoa và phát triển quả, trong đó vào thời kỳ nở hoa và quả non là gây hại lớn nhất, ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất và hiệu quả sản xuất của nhà vườn. Dùng một trong các loại thuốc như Ridomil Gold 68WP, Phytocide 50WP, Amista 250SC... để phun phòng trừ bệnh vào các thời kỳ nêu trên, nhất là ở thời điểm cây nhú ngồng hoa và hoa nhãn héo rụng, lộ rõ quả non.
Được biết, bên cạnh thâm canh 7,2ha nhãn lấy quả theo hướng VietGAP, lão Ứng còn dành riêng 1ha ruộng để làm vườn trồng thử nghiệm các giống nhãn mới dưới sự hướng dẫn của các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam).
Chưa dừng lại ở đó, hễ nghe thấy ở đâu có giống nhãn khác lạ, năng suất, chất lượng cao là lão Ứng lại tìm đến tận nơi mua cây hoặc xin mắt giống về ghép trồng bổ sung cho vườn nhãn thử nghiệm của nhà. Lão Ứng còn cho rằng, những người không "sống khoẻ" được từ cây nhãn là do sản xuất manh mún, chưa tâm huyết với cây trồng này.
"Nhãn siêu ngọt được trồng khá phổ biến ở Hưng Yên và Sơn La. Giống có đặc điểm lá thuôn dài, hơi phình ra ở phần đầu lá, mặt trên lá màu xanh bóng, phía dưới màu xanh nhạt và thô ráp. Quả đều và rất sai, vỏ dễ tách, khi chín hạt nhỏ, cùi dày, bóc ráo tay, hương thơm, vị ngọt đậm", theo lão Ứng.