Làm chủ kỹ thuật
Trong những năm qua, để nâng cao giá trị của đặc sản nhãn lồng Hưng Yên, tỉnh, các địa phương cùng ngành chuyên môn đã xây dựng mô hình sản xuất an toàn và mở rộng diện tích chứng nhận VietGAP, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), tập huấn, chuyển giao kỹ thuật thâm canh nhãn…
Nhờ vậy, nhiều nông dân đã áp dụng nhuần nhuyễn kỹ thuật cho cây ra hoa, đậu quả theo ý muốn, góp phần tăng giá trị, hiệu quả kinh tế.
Để bảo đảm năng suất, chất lượng, giữ vững thương hiệu và nâng cao hiệu quả kinh tế từ đặc sản nhãn lồng Hưng Yên, ngành nông nghiệp khuyến cáo người trồng cần tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật sản xuất nhãn bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng chất kích thích, chất cấm trong quá trình chăm sóc, bảo quản; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép và phải bảo đảm thời gian cách ly trước khi thu hoạch; không vì giá bán cao mà thu hoạch nhãn khi quả còn xanh...
Hiện một số vườn đã bắt đầu cho thu hoạch với giá bán khoảng 60.000 đồng/kg, cao gấp 1,5 - 2 lần thời điểm chính vụ.
Cách đây khoảng 1 tháng, anh Trịnh Ngọc Tiệp ở thôn Ngọc Đồng, xã Ngọc Thanh (Kim Động) đã có nhãn chín sớm bán được giá cao nhờ biết cách xử lý cho cây ra hoa, đậu quả sớm. Với 4,5 mẫu nhãn, anh Tiệp rải vụ thành 3 trà gồm: trà sớm, trà trung, trà muộn.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, vụ nhãn năm nay toàn tỉnh có hơn 4.845ha nhãn các loại; trong đó nhãn chín sớm chỉ chiếm diện tích nhỏ ở một số địa phương. Theo nhận định của ngành chuyên môn và các hộ sản xuất, năm nay tỷ lệ nhãn ra hoa, đậu quả non đạt từ 85 - 90%; sản lượng nhãn ước đạt từ 45.000 - 50.000 tấn, cao hơn năm 2019 khoảng 18.500 tấn.
Về cơ bản anh Tiệp vẫn áp dụng các hình thức chăm sóc truyền thống như chăm bón cho cây phát triển cân đối, phòng trừ sâu bệnh kịp thời...
Tuy nhiên, sau quá trình nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các nhà vườn trồng nhãn khác trong tỉnh, anh đã lựa chọn thời điểm khoanh cây, khoanh cành để thúc nhãn ra hoa sớm.
Gia đình anh hiện có 40 cây đã bắt đầu cho thu hoạch và được khách hàng đặt mua hết. Ước tính thu trên 1 tấn quả cho thu lãi từ 55 - 60 triệu đồng.
Anh Tiệp chia sẻ: Để có nhãn ra hoa, đậu quả sớm đòi hỏi người trồng phải có kỹ thuật thâm canh cao, hiểu đặc tính từng giống, sức khỏe của từng cây và điều kiện thời tiết để quyết định chính xác thời gian tác động đến cây trồng.
Chính vì khó làm như vậy nên vườn của gia đình tôi cũng chỉ có khoảng 70% cây nhãn được tác động trổ hoa, đậu quả sớm theo ý muốn.
Nâng tầm nhãn lồng
Với mong muốn đưa giống nhãn đặc sản của quê hương đi khắp thị trường trong và ngoài nước, ngay từ thời điểm mới thành lập (năm 2015), Hợp tác xã nhãn Miền Thiết, xã Hàm Tử (Khoái Châu) đã xây dựng mô hình thâm canh nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời trực tiếp thực hiện sản xuất cây giống, bảo đảm nhu cầu thị trường quanh năm.
Với việc áp dụng quy trình sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP, cùng với việc ứng dụng phần mềm quản lý thông minh Agricheck; sử dụng tem truy xuất nguồn gốc… chất lượng và mẫu mã sản phẩm nhãn chín muộn Miền Thiết đã không ngừng cải thiện.
Sản phẩm không chỉ có mặt tại các cửa hàng, siêu thị trong nước mà còn vươn sang thị trường Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan… Từ đó các hộ thành viên yên tâm sản xuất.
HTX có 27 thành viên hiện đang sản xuất giống nhãn Miền Thiết là chính với tổng diện tích trên 42ha, trong đó có 22 ha đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Để thuận lợi hơn trong quá trình sản xuất cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường, HTX chủ động cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tới các hộ thành viên. Bên cạnh đó, các hộ thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật.
Nhờ áp dụng quy trình sản xuất nghiêm ngặt nên nhãn Miền Thiết cho năng suất cao, chất lượng thơm ngon, mẫu mã đẹp, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận.
HTX nhãn Miền Thiết những năm qua không chỉ góp phần mang lại thu nhập khá cho các hộ thành viên, mà còn khẳng định việc tham gia vào mô hình kinh tế tập thể là hướng đi đúng...